Gia đình ông Lâm Văn Năm (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) vẫn thiếu trước hụt sau, vì kinh tế của gia đình ông chủ yếu dựa vào cây lúa và thu nhập từ việc làm thuê. Năm 2019, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng, ông Năm đã mạnh dạn chuyển 1 ha đất lúa sang cây bưởi da xanh. Năm 2022, dù vườn bưởi mới có khoảng 80% cây đậu trái nhưng gia đình ông đã thu được gần 80 triệu đồng sau khi khấu trừ các khoản chi phí.
Ông Lâm Văn Năm cho biết, hồi trước người dân ở đây ai cũng khó khăn, năm nào thời tiết bất lợi, lúa thu hoạch xong đầu ra hạn chế xem như từ hòa vốn đến lỗ. Sau này, xã có chủ trương và khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên đất lúa kém hiệu quả, đặc biệt là chuyển sang cây có múi, hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, nông dân mạnh dạn chuyển đổi và cho thu nhập cao hơn từ 3 - 4 lần so với cây lúa.
Anh Huỳnh Sa Rây, dân tộc Khmer, thành viên tổ kinh tế hợp tác trồng màu công nghệ cao cho hay, năm 2020 anh tham gia tổ hợp tác trồng màu và được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để xây dựng nhà màng trồng dưa lưới. 3 năm qua, dưa lưới luôn có giá bán dao động từ 40.000 đồng/kg trở lên, 1.000 m2 nhà màng, mỗi vụ cho lợi nhuận từ 40 - 60 triệu đồng. Một năm trồng được từ 3 - 4 vụ, với diện tích 1.200 m2 anh Sa Rây thu về gần 200 triệu đồng, cao gấp vài chục lần so với trồng lúa.
Lương Hòa A là xã có đồng bào Khmer chiếm hơn 72% dân số, bà con chủ yếu làm nghề nông. Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, Lương Hòa A đã chủ động lựa chọn giống cây trồng có năng suất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và có khả năng chống chịu được hạn mặn để đưa vào sản xuất; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả, giúp nông dân học hỏi, áp dụng. Đến nay, toàn xã Lương Hòa A đã chuyển đổi được hơn 360ha, chủ yếu là cây có múi. Hiệu quả kinh tế mang lại gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho biết, để việc sản xuất của người dân trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, hàng năm xã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, để đảm bảo việc thích ứng với biến đổi khí hậu, xã sẽ tiếp tục phát động người dân thực hiện mô hình trồng dưa lưới, bên cạnh đó là mô hình chanh không hạt, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp đến là xã Đa Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), xã cũng có gần 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Giờ đây, cuộc sống của người dân Đa Lộc đổi thay từng ngày. Ở bất kỳ phum, sóc nào ở Đa Lộc cũng có thể cảm nhận được điều này. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc ngày càng hoàn thiện; bộ mặt nông thôn khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới mọc lên; những đồng lúa, rẫy cây màu xanh um đã và đang đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Phạm Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, đổi thay lớn nhất ở xã đặc biệt khó khăn này là kết cấu hạ tầng được đầu tư khang trang; hệ thống thủy lợi, kênh mương được xây dựng đảm bảo phục vụ sản xuất và dân sinh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Đa Lộc đã huy động tổng nguồn vốn trên 300 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ cộng đồng dân cư chiếm 48%. Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa; hệ thống điện lưới, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư khang trang đồng bộ; trên 82% nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; lao động có việc làm đạt trên 96%.
Thời gian qua, xã Đa Lộc luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình. Để cải thiện thu nhập cho người dân, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, xã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực vận động và tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để đồng bào nắm vững quy trình sản xuất. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kết nối, mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu nông sản để nâng cao thu nhập. Đến nay, giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp đạt trên 134 triệu đồng/năm (tăng hơn 60 triệu đồng so với năm 2010).
Về vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự đổi thay ở các phum, sóc. Kinh tế có bước phát triển ổn định, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer đã từng bước cải thiện, hộ nghèo ngày một giảm, nhà nhà có điện thắp sáng hay những căn nhà dột nát, xiêu vẹo ngày nào nay được thay thế bởi nhà tường kiên cố và sạch đẹp, đời sống của đồng bào Khmer ngày càng ấm no.