Tiềm năng và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong thị trường thực phẩm Halal hiện nay

Năm 2023, ước tính toàn thế giới có khoảng 2 tỷ tín đồ Islam giáo, chiếm tới ¼ dân số thế giới và đang ngày càng có xu hướng tăng lên. Theo báo cáo Kinh tế Islam giáo toàn cầu, ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD vào năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050. Thực phẩm Halal với những tiêu chuẩn đảm bảo nghiêm ngặt, cùng với đó là xu hướng người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thực phẩm chất lượng cao và an toàn ngày càng cao. Đó là những lý do nhu cầu thực phẩm của thị trường Halal càng ngày càng gia tăng.

1. Tình hình ngành thực phẩm Halal trên thế giới hiện nay

Thống kê tới năm 2021, Khu vực Trung Đông – Bắc Phi tiêu thụ nhiều thực phẩm Halal nhất (khoảng 441 tỷ USD), sau đó là Nam Á (khoảng 238 tỷ USD), Đông Á đứng thứ 3 (khoảng 230 tỷ USD), tiếp đến là Trung Á (khoảng 218 tỷ USD) và khu vực Tiểu sa mạc Sahara Châu Phi (khoảng 127 tỷ USD).

Tiềm năng của thị trường thực phẩm Halal rất rộng mở, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang quan tâm phát triển vì nguồn thu nhập lớn ngành đem lại cho tổng doanh thu quốc gia. Ngành công nghiệp này không chỉ dừng lại ở các quốc gia theo đạo Islam, mà còn thu hút được sự chú ý từ các quốc gia khác không có hoặc số ít cộng đồng theo đạo Islam như các nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Brazil,… Ví dụ điển hình ở Anh nhập khẩu tới 70% thịt Halal trên tổng số thịt từ New Zealand hay 100% lượng thịt được giết mổ, chế biến và đóng gói ở Pháp (trừ thịt lợn) đều đạt tiêu chuẩn Halal.

Tiêu chuẩn Halal và các điều lưu ý như sau: Đối với tín đồ Islam giáo, họ phải hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của đạo luật Sharia và tiêu chuẩn Halal chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Bắt nguồn từ tiếng Ả Rập, Halal với nghĩa “cho phép hoặc hợp pháp”, bao trùm lên mọi khía cạnh đời sống của họ từ sinh hoạt hàng ngày đến hôn nhân và gia đình cũng như công việc. Kinh Qur'an đề cập tới “Halal” trái nghĩa với “Haram” - bị cấm hoặc không hợp pháp. Trong đó, Haram là mức độ phán xét cao nhất đối với một hành vi, theo thứ tự là Fard (bắt buộc), Mustahabb (khuyến nghị), Mubah (trung lập), Makruh (khiển trách) và Haram (bị cấm). Thuật ngữ “Halal” có liên quan mật thiết đến luật ăn kiêng của tín đồ Islam giáo, và đặc biệt là thịt được chế biến và chuẩn bị theo các yêu cầu đó.

Chứng nhận Halal là xác nhận rằng sản phẩm đã đạt yêu cầu theo 3 tiêu chí: không sử dụng các nguyên liệu Haram; nguồn nguyên liệu từ động vật bắt buộc có chứng nhận Halal; không sản xuất chung sản phẩm Halal và Haram trên cùng một dây chuyền. Năm 1974, chính phủ Malaysia thành lập Tổ chức Công nhận Halal (JAKIM) hệ thống hóa toàn diện Tiêu chuẩn Halal.

Các yêu cầu về thịt đáp ứng tiêu chuẩn Halal gồm: Việc giết mổ động vật cần tuân thủ kinh Qur'an với những lễ nghi, tập tục truyền thống. Con vật phải được giết mổ theo cách nhân đạo nhanh chóng nhất để tránh khỏi đau đớn kéo dài. Người giết mổ trước khi bắt đầu sẽ nói “Bismillah Allahu Akbar” - nghĩa là nhân danh thánh Allah, để con vật được giải thoát và đi theo ánh sáng của thánh Allah[1]. Trước khi giết, con vật phải còn sống. Phải được gây ngất bằng các phương pháp không gây đau đớn: đánh đập, chích điện,…Việc giết mổ được thực hiện bởi những người tỉnh táo, không bị hạn chế năng lực nhận thức và hành vi. Mài dao trước mặt con vật là hành vi vô nhân đạo và bị nghiêm cấm, quá trình giết mổ không được diễn ra trước mặt đồng loại của chúng hay những con vật khác[2]. Thịt không được còn dính máu sau khi quá trình giết mổ. Động vật không được cho ăn những thức ăn làm từ động vật khác. Tín đồ Islam giáo được phép dùng thịt bò, cừu và dê, khi động vật đó do chính họ giết chết.

Các yêu cầu về điều kiện được tham gia sản xuất thực phẩm Halal: Cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn cần đảm bảo tách biệt giữa nguyên phụ liệu Halal và không Halal, và cần được giữ vệ sinh khỏi những chất “dơ bẩn” trong suốt quá trình chế biến. Người tham gia sản xuất và dụng cụ chế biến thực phẩm Halal sẽ không được dùng để chế biến những thực phẩm không Halal và ngược lại. Các thiết bị máy móc đã từng tiếp xúc hoặc đã sử dụng cho sản xuất Haram, khi muốn chuyển sang sản xuất sản phẩm Halal sẽ phải thực hiện tẩy rửa theo nghi thức đạo Islam[3].

Quy định nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh cá nhân và theo dõi sức khỏe đối với người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm. Họ được khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ sức khỏe luôn được lưu trữ và theo dõi. Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phải thường xuyên tổ chức các đợt đào tạo, huấn luyện kiến thức an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với người trực tiếp tham gia sản xuất; đảm bảo đào tạo đầy đủ về nội dung tiêu chuẩn Halal, áp dụng các quy định Halal vào quá trình sản xuất[4]. Bắt buộc rửa tay và khử trùng trước khi vào khu vực sản xuất, để tránh các chất bẩn bám vào thức ăn và gây ngộ độc, cũng tránh để thức ăn bị “nhiễm bẩn” theo quan niệm tín ngưỡng[5]. Các đơn vị sản xuất cũng phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình đóng gói và phân phối sản phẩm, đảm bảo môi trường sản xuất luôn sạch sẽ, vệ sinh; không sử dụng những hình minh họa là Haram hoặc hình ảnh dẫn đến hiểu nhầm/đi ngược lại nguyên tắc của đạo Islam. Trong trường hợp đặc biệt, không có thực phẩm thì tín đồ Islam được phép dùng mọi thứ nhằm duy trì sự sống.

Các nguyên liệu và phụ gia, hóa chất mang tính Haram và được xem là không đạt yêu cầu của tiêu chuẩn Halal[6]. Bao gồm thịt lợn, chó, la, lừa và các sản phẩm khác lấy từ những con vật này; Động vật có móng vuốt và răng nanh; Loài chim săn mồi có móng vuốt. Vật gây hại như chuột, rết, bọ cạp,...; Động vật bị cấm giết trong đạo Islam: kiến, ong, chim gõ kiến. Động vật được coi là bẩn như chấy, ruồi, giòi; Động vật lưỡng cư (ếch, nhái, cóc,...), động vật vừa có thể sống trên cạn, vừa có thể sống dưới nước (rắn, cá sấu,...). Tất cả các chất độc hại và loài thủy sản nguy hiểm. Tất cả các loài động vật mà quy trình giết mổ không tuân thủ theo luật đạo Islam. Động vật chết vì nghẹt thở, bị đập vào đầu, bị rơi, bị tấn công bởi động vật khác. Máu, bộ phận cơ thể con người hoặc một phần bộ phận cơ thể người, nhau thai. Chất gây nghiện, thực vật nguy hại, trừ trường hợp các độc tố hoặc mối nguy hiểm được loại bỏ trong quá trình chế biến. Đồ uống chứa cồn. Bất kỳ hóa chất độc hại, nguy hiểm hoặc khoáng chất thiên nhiên. Ngoài ra, có một số chất, phụ gia hay nguyên liệu Mashbooh – mang tính nghi ngờ. Khó xác định được nguyên liệu đó có phải Haram hay chứa yếu tố Haram hay không. Một số chất phụ gia và hóa chất như men, chất nhũ hóa, gelatine,... có thể bắt nguồn từ động vật hay thực vật, và khó xác định liệu động vật hay thực vật làm nên chất này có đạt chuẩn Halal không.

Điều 5, Tiêu chuẩn Chứng nhận Halal HAS 23000:1.

[1] Khoản 4.4, Điều 4, Tiêu Chuẩn Halal Malaysia 1500:2019.

[1] Khoản 3.4, Điều 3, Điểm 4.5.1, Khoản 4.5, Điều 4, Tiêu Chuẩn Halal Malaysia MS 1500:2019; Phụ lục 1, Tiêu Chuẩn Thực phẩm Halal của các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất UAE.S 2055-1:2015.

2. Tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành thực phẩm Halal

Lợi thế trong thị trường Halal quốc tế:

Xét về quy mô dân số, tính đến tháng 4/2023, ước tính có hơn 2,7 triệu người trên khắp thế giới tự nhận mình là tín đồ Islam giáo[7] chiếm 1/4 tổng dân số trên thế giới và chỉ xếp sau Kito giáo (hình 1). Hơn thế nữa, Islam giáo cũng là tôn giáo có sự phát triển và gia tăng nhanh nhất về số lượng tín đồ, dự đoán sẽ trở thành tôn giáo phổ biến nhất trên toàn cầu (LIPKA, 2017).

Hai điều kiện trên chính là nhân tố thúc đẩy sự mở rộng của thị trường Halal toàn cầu mà đặc biệt nhất là cách cửa được mở ra cho các doanh nghiệp Việt nam với tương lai đầy triển vọng cho ngành thực phẩm Halal. Sự gia tăng số lượng tín đồ cùng với sự phổ biến của đạo Islam sẽ khiến cho nhu cầu sử dụng các thực phẩm đạt chuẩn Halal ngày càng cao hơn khiến cho chuỗi cung ứng nội địa khó có khả năng đáp ứng đủ, đây chính là cơ hội để cho các sản phẩm Việt Nam có thể tiếp cận vào thị trường giàu tiềm năng này.

ban-do-cac-ton-giao-1687162243.png
(Hình 1. Nguồn: https://tinhte.vn/thread/infographic-ban-do-phan-bo-cac-ton-giao-lon-tren-the-gioi.3477859/)

Từ năm 2020-2022, ghi nhận sự phát triển nền kinh tế của các quốc gia thành viên OIC (Organisation of Islamic Cooperation như sau: Tổ chức Hợp tác Hồi giáo) có mức GPD tăng khoảng 4 nghìn tỷ USD bất chấp các tác động tiêu cực đến từ đại dịch COVID - 19. Mức GDP các nước tăng từ 19,4 nghìn tỷ USD vào năm 2020 lên đến 23,6 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Với mức tăng 27,1% các chuyên gia dự đoán mức GDP của các quốc gia OIC sẽ đạt hơn 25,4 nghìn tỷ USD vào năm 2023 (Hình 2). Theo báo cáo thường niên về thương mại giữa các quốc gia thành viên OIC phiên thứ 38 COMCEC của Trung tâm phát triển thương mại Islam, phần lớn sự gia tăng này đến từ các quốc gia như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Pakistan, Iran, Bangladesh, Nigeria, Ả Rập Xê út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Iraq với mức tăng hơn 1 tỷ USD từ năm 2020 đến năm 2023[8].

bieu-do-1687162378.png

Đạt được kết quả này là thành tựu từ các dự án hỗ trợ của OIC và các đối tác phát triển nhằm giảm thiểu tác động của COVID – 19, đặc biệt trong việc thực hiện chuỗi giá trị khu vực và thúc đẩy sản xuất địa phương, du lịch, giao thông vận tải,… mà trong đó ngành Halal nói chung và ngành thực phẩm Halal nói riêng cũng chứng kiến sự phát triển vô cùng mạnh mẽ. Cụ thể, sự gia tăng chi tiêu cho thực phẩm Halal đã tăng 3,1% vào năm 2019, đạt 1,17 nghìn tỷ USD, từ mức 1,13 nghìn tỷ USD năm 2018. Theo dự báo, mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự kiến sẽ đạt 1,38 nghìn tỷ USD vào năm 2024[9]. Chính vì vậy, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đánh giá thị trường thực phẩm Halal là thị trường mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn cho các quốc gia “thâm nhập” thị trường thực phẩm Halal, thậm chí kể cả những quốc gia phi Islam giáo như Thái Lan, Hàn Quốc hay xa hơn là Brazil cũng muốn chen chân vào.

Lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam so với các quốc gia xuất khẩu Halal

Xét về tương quan vị trí địa lý giữa Việt Nam với các quốc gia theo đạo Islam, nhận thấy ta có lợi thế khoảng cách rất ngắn (Hình 3) cho phép con đường xuất khẩu giữa Việt Nam với các quốc gia Islam trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều. Điều này giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có được 2 lợi thế, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu do thời gian chôn vốn dài vì các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chiếm đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tiềm lực tài chính mạnh. Giảm giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng bởi các doanh nghiệp không phải chi trả quá nhiều cho chi phí cho vận chuyển giúp tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trong thị trường thực phẩm Halal.

hinh-3-1687166265.jpg
Hình 3: Tỷ lệ tín đồ đạo Islam theo quốc gia năm 2023. (Nguồn: Muslim Population by Country 2023 (worldpopulationreview.com)

Xét ngay trong thị trường ASEAN thì các quốc gia có tỷ lệ dân số theo đạo Islam cao như Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore đặc biệt là Indonesia với 87,2%[10] dân số theo đạo Islam là một thị trường đầy hứa hẹn và đối tác tin cậy, hợp tác song phương xác lập những bước tiến cơ bản đầu tiên cho mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm đạt chuẩn Halal trên thế giới của Việt Nam đồng thời giảm sự lệ thuộc của Việt Nam vào các thị trường lớn khác.

Việt Nam có nền sản xuất thực phẩm phù hợp với tiêu chuẩn Halal. Ngày nay, các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được chứng nhận Halal được công nhận rộng rãi với mức tiêu thụ tăng lên bao gồm những người không theo đạo Islam vì đảm bảo các tiêu “an toàn, vệ sinh và chất lượng”. Do thị trường toàn cầu đang phát triển, các quốc gia đa số Hồi giáo không còn là quốc gia duy nhất tiêu thụ thực phẩm Halal.

Sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác ở các điểm sau:

Thứ nhất, nước ta có khả năng sản xuất nguyên liệu thô đáp ứng được các tiêu chuẩn Halal.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt hơn 53,2 tỷ USD (tăng 4,6 tỷ USD so với năm 2021), cao nhất từ trước đến nay. Đóng góp cho sự tăng trưởng toàn ngành, đáng chú ý có tới 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt trên 3 tỷ USD ( gồm gỗ và sản phẩm lâm sản đạt 17 tỷ USD; tôm 4,3 tỷ USD; cà phê 4 tỷ USD; gạo 3,5 tỷ USD; cao su 3,3 tỷ USD; rau quả 3,3 tỷ USD; hạt điều 3,1 tỷ USD).[11]

Thứ hai, nước ta có ngành nuôi trồng thuỷ sản phát triển.

Trong cơ cấu xuất khẩu của ngành nông nghiệp, năm 2022 thủy sản trở thành “ngôi sao” sáng nhất giúp nông nghiệp có một năm bội thu. Điển hình là thị trường Ả Rập Xê Út với các quy định khắt khe vệ sinh ATTP, nhãn hiệu thương mại và kiểm dịch động vật. Đặc biệt là “chương trình chăn nuôi Halal”. Không chỉ yêu cầu các lô hàng thủy sản xuất khẩu có giấy chứng nhận Halal theo mẫu mà chương trình này còn kiểm soát cả khâu thức ăn thủy sản. Tuy nhiên, tính đến hết 15/3/2023, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Ả Rập Xê út đạt hơn 4,3 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (với 3,8 triệu USD). So với cùng kỳ 2022, tỉ trọng nhập khẩu cá tra của “đất nước có diện tích lớn thứ 5 Châu Á” này tăng từ 0,8% lên 1%.[12]

Thứ ba, nước ta có tiềm năng cạnh tranh trong thị trường thực phẩm Halal

Tại Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam” do Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức ngày 28/06/2023 tại Hà Nội. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết Halal và thị trường Halal vẫn còn khá mới ở Việt Nam, chỉ có 60% tỉnh thành có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu và hơn 1.000 doanh nghiệp có chứng nhận Halal.[13]

Tuy vậy cũng không thể nào phủ nhận tiềm năng và khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt nam. Cụ thể, một số doanh nghiệp lớn như TH true MILK, MH Group, Masan, Trung Nguyên, Vena Green... đã bước đầu có hoạt động thành công tại các thị trường Halal ở khu vực Đông Nam Á - Nam Á – Nam Thái Bình Dương. Điều này “mở ra tương lai tươi sáng của ngành thực phẩm Halal”. Đặc biệt với tập đoàn TH đã lựa chọn tư vấn và chuyển giao công nghệ của Israel ngay khi đặt chân vào thị trường, chính vì vậy mà từ năm 2014 tập đoàn TH đã đạt được chứng nhận Halal và đến nay hầu hết sản phẩm sữa và thực phẩm từ sữa của Tập đoàn TH đều có chứng nhận Halal.

Không chỉ những tập đoàn mà trong nước ta còn có những khu vực giàu tiềm năng xuất khẩu sang thị trường thực phẩm Halal như đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh nông nghiệp to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gao xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây của cả nước[14]. Các tỉnh thành của Việt Nam cũng tiến hành hợp tác đầu tư thương mại, nổi bật là tỉnh Bắc Ninh hợp tác với Malaysia trong việc kết nối các doanh nghiệp của Bắc Ninh tham gia công nghiệp Halal và cấp Giấy Chứng nhận Halal cho các sản phẩm đủ tiêu chuẩn nhằm giúp các doanh nghiệp Bắc Ninh có cơ hội xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quan điểm, chính sách của Đảng và nhà nước ta về tôn giáo nói chung và Islam giáo nói riêng rất rộng mở. Nhà nước ta công nhận đạo Islam và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động cho đạo Islam ở Việt Nam (Trong Công văn số 6955/BNV-TGCP Ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ) cho phép các tổ chức Islam hoạt động ở nước ta, tạo cầu nối tới cộng đồng Islam trong khu vực và trên thế giới. Đây là một lợi thế tạo điều kiện rất lớn để các doanh nghiệp đang hướng tới thị trường thực phẩm Halal tiến thêm một bước gần hơn tới việc đạt được chứng nhận thực phẩm Halal và chính là chìa khóa để đặt chân vào thị trường tỷ đô này.

3. Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong ngành xuất khẩu thực phẩm Halal:

Việc cấp chứng nhận đạt chuẩn Halal hiện nay phải thông qua các tổ chức tư nhân trung gian. Việt Nam hiện không có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận Tiêu chuẩn Halal mà chỉ có một số tổ chức tư nhân đảm nhiệm, cũng chưa chính thức ký kết hiệp định thương mại nào đối với các nước tiêu thụ. Các doanh nghiệp, các công ty trong ngành Halal của nước ta hiện nay muốn có được chứng chỉ này cần phải trải qua những quy định và kiểm định để lấy được chứng nhận Halal từ những công ty nước ngoài: chứng chỉ Halal phải được cấp phát từ các tổ chức đánh giá Halal được phê duyệt năng lực bởi JAKIM hoặc MUI hoặc GAC (GCC Accreditation Center); hoặc chứng nhận được cấp phát bởi JAKIM - Malaysia, MUI – Indonesia (Trích trong “YÊU CẦU CHUNG CHO CHỨNG NHẬN HALAL” được phê duyệt vào 28/12/2018).

Cơ sở tiếp cận ngành công nghiệp thực phẩm Halal dựa trên sự liên kết kinh tế khu vực với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Có khoảng 750 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam được cấp chứng chỉ Halal, xuất khẩu 20 mặt hàng chủ yếu nông - thủy sản thô và sơ chế, 40% địa phương chưa có sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn Halal, tất cả vẫn còn là một con số khiêm tốn trên thị trường toàn cầu. Việc xúc tiến tiềm năng thương mại thị trường Halal Việt Nam được nhấn mạnh tại “Hội nghị Tăng cường hợp tác Quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam” ngày 28/6/2022 nhằm phân tích, định hướng và hỗ trợ giải pháp đẩy mạnh thị trường.

Việt Nam chưa tận dụng triệt để nguồn lực trong nước để xây dựng thị trường Halal đúng với tiềm lực. Khó khăn cơ bản của Việt Nam trong việc tiếp cận nền công nghiệp thực phẩm Halal xuất phát từ thiếu thông tin thị trường, khác biệt văn hóa kinh doanh, thị hiếu tiêu dùng và đặc biệt là sự đa dạng của chứng nhận Halal. Không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận đúng đắn quy định thương mại của các nước theo đạo Islam nói chung và còn nhầm lẫn về khái niệm Halal. Đây là một điểm trừ rất lớn, vì đối với tín đồ Islam giáo họ luôn chú trọng đến tín ngưỡng.

Sự đa dạng cũng là một trở ngại, mỗi quốc gia theo đạo Islam có tiêu chuẩn Halal riêng, không đồng nhất và có xu hướng khắt khe hơn, yêu cầu chuyên biệt, phức tạp hơn trong quy định về thẩm tra và cấp chứng nhận. Dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal sẽ gặp khó khăn kinh tế khi duy trì các phương thức sản xuất khác nhau cho các thị trường có tiêu chuẩn Halal khác nhau.

Rất ít các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất hiệu quả, chưa tận dụng được nguồn vốn huy động và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành thực phẩm Halal.

Việt Nam chưa xây dựng được hệ sinh thái Halal. Các doanh nghiệp Việt muốn tham gia cung cấp sản phẩm Halal sẽ gặp phải vấn đề với chi phí chi phí thẩm định cơ sở sản xuất Halal, chi phí kiểm định từng sản phẩm Halal và thời gian thẩm định cấp phép kéo dài do Nhà nước thiếu các chính sách hỗ trợ. Việc quản lý điều hành các cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chuẩn Halal phải có các chuyên gia theo đạo Islam trực tiếp tham gia công tác đánh giá, tuy nhiên nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chí này tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Thị trường thực phẩm Halal vẫn còn là một thị trường tương đối mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Vẫn rất còn rất ít các doanh nghiệp Việt có chứng nhận Halal và hạng mục sản phẩm vẫn còn tương đối hạn hẹp cộng với phần lớn doanh nghiệp Việt đều thuộc quy mô vừa và nhỏ, năng lực kinh tế và khả năng chuyên môn còn hạn chế, riêng việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển,… theo tiêu chuẩn Halal đã hao tổn rất nhiều chi phí. Điều này dẫn đến một vấn đề hết sức nan giải đó là chi phí cuối cùng đến tay người tiêu dùng bị đội lên và giảm tính cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam trong thị trường Halal.

Thông tin tài liệu tham khảo và chú giải:

[1]Khoản 3.5, Điều 3, Tiêu Chuẩn Halal Malaysia MS 1500:2019.

[2] Phụ lục 1, Tiêu Chuẩn Thực phẩm Halal của các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất UAE.S 2055-1:2015.

[3] Khoản 4.2, khoản 4.3, khoản 4.4, Điều 4, Tiêu chuẩn Halal Malaysia 1500:2019.

[4] Điều 5, Tiêu chuẩn Chứng nhận Halal HAS 23000:1.

[5] Khoản 4.4, Điều 4, Tiêu Chuẩn Halal Malaysia 1500:2019.

[6] Khoản 3.4, Điều 3, Điểm 4.5.1, Khoản 4.5, Điều 4, Tiêu Chuẩn Halal Malaysia MS 1500:2019; Phụ lục 1, Tiêu Chuẩn Thực phẩm Halal của các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất UAE.S 2055-1:2015.

[7] https://timesprayer.com/en/muslim-population/

[8] https://www.comcec.org/wp-content/uploads/2022/05/1-Agenda-n4-ICDT-English-Summary-report-on-trade.pdf

[9] https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tin-tong-hop/san-xuat/doanh-nghiep-viet-huong-den-chinh-phuc-thi-truong-thuc-pham-halal-20960.html

[10] Muslim Population by Country 2023 (worldpopulationreview.com)

[11] https://vietstock.vn/2023/01/xuat-khau-nong-san-2023-ky-vong-nhung-mat-hang-chu-luc-118-1031919.htm

[12] https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/xuat-khau-ca-tra-sang-a-rap-xe-ut-khoi-sac-635570.html

[13] https://vietfood.org.vn/du-dia-lon-nhung-kha-nang-tiep-can-thi-truong-halal-cua-doanh-nghiep-viet-con-han-che/

[14] https://bnews.vn/dong-bang-song-cuu-long-giau-tiem-nang-xuat-khau-sang-thi-truong-hoi-giao/283659.html

Nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Nguyễn Đình Luân,Nguyễn Huyền My, Nguyễn Khánh Huyền, Hà Đức Huy, Phạm Hồng Minh, Nguyễn Việt Tiến (Giảng viên hướng dẫn: Trần Phương Chi)