Nâng cao chất lượng hàng thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc

Ngày 16/6/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”.
3-1686988994.jpg
Toàn cảnh Hội thảo "Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc"

Đây cũng là Hội thảo thứ 3 trong chuỗi 6 Hội thảo chuyên đề của khuôn khổ Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh 2023 (HCMC FOODEX 2023). Hội thảo nhằm hỗ trợ cung cấp cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm cập nhập thông tin, kiến thức, các tiêu chuẩn, quy định về hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tuy ngành chế biến lương thực thực phẩm đang gặp khó khăn nhưng về lâu dài dư địa phát triển và tiềm năng xuất khẩu vẫn còn rất lớn nếu các doanh nghiệp khai thác tốt thị trường Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác. Riêng với TP. Hồ Chí Minh, chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm Thành phố không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới.

Về bối cảnh kinh tế, tình hình kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh trong tháng 5/2023 có một số điểm tích cực như: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP trên địa bàn Thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đối với ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của Thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành này cũng đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn, trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 4,7% so với cùng kỳ.

Hiện nay, Trung Quốc được xem là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam về thị trường xuất khẩu. Cụ thể trong quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ. Các nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm: Nhóm hàng chế biến, chế tạo, đạt 9,5 tỷ USD, giảm 11,26% và nhóm hàng nông, thủy sản đạt 1,8 tỷ USD, tăng 2,39%.

Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, cũng như các hiệp định đa phương như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy việc tham gia vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, do gần gũi về địa lý, tập quán tiêu dùng của người dân Trung Quốc có một số nét tương đồng với người Việt, mối quan hệ giao thương truyền thống có từ lâu đời, điều này tạo lợi thế rất lớn về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Lại nói, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thị trường Trung Quốc rất lớn; trong đó có nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế, tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường này, doanh nghiệp cần chú ý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: “Hiện nay, Trung Quốc đã khắt khe hơn về các quy định tiêu chuẩn hàng hóa thực phẩm. Mặt khác, nền kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo khó khăn và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam. Doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm Thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, tối ưu hóa nguồn lực, nghiên cứu và đưa ra sản phẩm sử dụng có nguồn gốc thực vật, thực phẩm tốt cho sức khỏe, có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng tiêu dùng thực phẩm mới của khách hàng”.

1-1686984564.jpg
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang Trung Quốc, ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tịch Tập đoàn 365 Group nói: “Để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, chúng ta nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp cần có chiến lược về vấn đề logistics, xây dựng được các kho bảo quản nông sản ở các địa phương biên giới. Điều này sẽ giúp bảo quản lâu hơn, giữ được chất lượng tốt khi đến thời hạn giao hàng”.

2-1686984602.jpg
Ông Đinh Vĩnh Cường - Chủ tich Tập đoàn 365 Group phát biểu tại Hội thảo
3-1686984640.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng thực phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”.

Thông qua Hội thảo, ITPC mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao cơ hội xuất khẩu, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về thị trường này, tận dụng cơ hội thị trường lớn và năng động để hội nhập kinh tế quốc tế.

Đạm Quang Lê