Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam vượt mốc 25 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, năm nay quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company. Như vậy, trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan.
Theo báo cáo về xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay, mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam hiện nay có 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Đặc biệt, các nền tảng như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop, với TikTok Shop ghi nhận mức tăng trưởng 15% thị phần thương mại điện tử trong năm 2024. Khả năng cá nhân hóa trải nghiệm và kết hợp mua sắm với giải trí khiến các nền tảng mua sắm trực tuyến này đang nhanh chóng thu hút đông đảo giới trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z.
Trong đó, 25% người tiêu dùng mua sắm online để dự trữ hàng hóa, và 21% mua ngay lập tức. Điều này minh chứng thương mại điện tử đang dần thúc đẩy sự phát triển của mô hình mua sắm đa kênh.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh tại Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023 (báo cáo của Bộ Công Thương). Đặc biệt, 72% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, cho thấy nhận thức và sự quan tâm ngày càng cao của người dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội bứt phá về doanh thu cho doanh nghiệp Việt mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Năm 2024, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp
Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức song thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 - 25% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2024, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhấn mạnh vị trí và tầm quan trọng của lĩnh vực thương mại điện tử, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Lại Việt Anh khẳng định: "Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong, sự lan tỏa thì vô cùng mạnh mẽ... Rào cản gia nhập trong môi trường điện tử lại thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là hướng ra thị trường nước ngoài qua thương mại điện tử xuyên biên giới...".
Xu hướng tiêu dùng thay đổi đóng góp lớn vào sự phát triển của thương mại điện tử. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ đang có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều hơn; các chiến lược tiếp thị qua mạng xã hội, livestream bán hàng, các chương trình khuyến mại hấp dẫn góp phần không nhỏ trong việc thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sự phổ biến của các thiết bị di động thông minh và kết nối Internet tốc độ cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển.
Nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, cho biết: “Thương mại điện tử đã, đang và sẽ trở thành động lực chính để phát triển kinh tế số. Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi trong hành vi tiêu dùng và tốc độ phát triển của công nghệ vừa là những dấu hiệu tích cực, vừa là thách thức cho ngành thương mại điện tử năm 2025. Để không bị tụt lại phía sau, các doanh nghiệp cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
“Mục tiêu doanh thu của thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi, khi mà tốc độ tăng trưởng hiện nay đang rất tích cực”, ông Trần Minh Tuấn nhận định.
TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho rằng: "Việt Nam dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online gắn với gen Z, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm bớt khoảng cách về thu nhập. Tuy nhiên, việc thúc đẩy thương mại điện tử hay kinh tế số còn nhiều điểm cần lưu ý. Khu vực bán lẻ truyền thống có thể bị thu hẹp... Chúng ta cần quan tâm về mặt chính sách. Bên cạnh đó, điểm lưu ý thứ hai liên quan đến những câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng...".
Thương mại điện tử không chỉ mang lại cơ hội bứt phá về doanh thu cho doanh nghiệp Việt mà còn là nền tảng để các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, từ đó nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, hạ tầng logistics và nhu cầu tiêu dùng tăng cao, thị trường thương mại điện tử Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những bứt phá mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định: "Các công ty trước kia tham gia thương mại điện tử thì họ theo trào lưu, xu hướng nhưng khi đi nhanh thì đôi khi chúng ta lại bỏ qua những yếu tố cẩn trọng, xây dựng thương hiệu bền vững trên thương mại điện tử. Bây giờ, các chương trình đào tạo về thương mại điện tử đã ghi dấu ấn nhiều hơn. Chúng ta làm sao phải xây dựng được hình ảnh trên môi trường trực tuyến bền vững. Thời gian tới, thương mại điện tử phải phát triển sâu hơn".
Năm 2024, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng để duy trì đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, tăng cường ứng dụng công nghệ và cải thiện dịch vụ khách hàng.
Đồng thời, việc nâng cấp hạ tầng logistics và bảo mật cũng là yếu tố then chốt để tạo ra một môi trường mua sắm an toàn và thuận tiện cho người tiêu dùng. Thương mại điện tử không chỉ là một kênh bán hàng, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận và gắn kết với khách hàng một cách chặt chẽ hơn thông qua các nền tảng xã hội, chiến dịch quảng cáo cá nhân hóa với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI và dữ liệu lớn Big Data.
Với định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về thương mại điện tử trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ./.