Thực trạng việc tiếp cận dịch vụ Y tế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu thực trạng tiếp cận dịch vụ Y tế của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, thu thập số liệu để từ đó nhận thấy các vấn đề sau: Thứ nhất, “Cơ sở vật chất dịch vụ y tế và số lượng cán bộ y tế vùng dân tộc thiểu số tăng dần qua các năm. năm”, thứ hai “Khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện”, thứ ba “Khả năng tiếp cận bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số tăng lên đáng kể” và cuối cùng là “Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai tăng qua từng năm, nhưng số phụ nữ đến cơ sở y tế để sinh con còn rất hạn chế.” Mặc dù, hàng năm nhà nước luôn có những chính sách tạo mọi điều kiện tốt nhất để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt nhất nhưng vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Bên cạnh các chính sách của nhà nước, nghiên cứu cũng cho thấy điều quan trọng nhất là phải có sự giúp đỡ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như phương thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số...

Tóm tắt:

Bài viết nghiên cứu thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, tập hợp các số liệu từ đó nhận thấy một số vấn đề sau: Thứ nhất “Cơ sở dịch vụ y tế và đội ngũ cán bộ y tế của các vùng dân tộc thiểu số tăng qua các năm”, thứ hai “Tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện”, thứ ba “Việc tiếp cận bảo hiểm y tế của đồng bào dân tộc thiểu số có sự gia tăng đáng kể” và cuối cùng là “Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số mang thai tăng qua từng năm, nhưng số lượng phụ nữ đến các cơ sở y tế để sinh còn rất hạn chế”.

Mặc dù qua từng năm Chính phủ luôn có những chính sách nhằm tạo điều kiện nhất có thể để đồng bào dân tộc có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách tốt nhất, nhưng vẫn không có sự tiến triển nhiều. Ngoài những chính sách của Chính phủ, bài nghiên cứu cũng chỉ ra cần có sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng dân tộc Việt Nam cũng như phương pháp tuyên truyền và nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số là quan trọng nhất.

1. Đặt vấn đề

Chăm sóc sức khỏe nhân dân theo định hướng công bằng và hiệu quả là mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là tư tưởng xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển Việt Nam nhất là từ khi công cuộc đổi mới được thực hiện.

Qua từng năm, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế ngày càng nhiều, đặc biệt hệ thống cơ sở y tế trong từng bệnh viện đều được đầu tư một cách tốt nhất có thể, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều ngành công nghệ mới được nghiên cứu và được đưa vào đầu tư để sử dụng trong lĩnh vực công nghệ, Nhân dân trên cả nước hầu hết đều được sử dụng các dịch vụ y tế, và từ đây chỉ số về sức khỏe ở nước ta những năm qua đã có mức gia tăng đáng kể.

Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một nhóm dân tộc và các nhóm có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau về tình trạng sức khỏe và tình hình sử dụng dịch vụ y tế. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với ngôn ngữ, lối sống, sinh kế và văn hóa của từng nhóm dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 15% tổng dân số. So với dân tộc Kinh thì mức độ thiếu hụt các cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội như hạ tầng, giáo dục, đặc biệt là y tế rất lớn. Với thực tế đó đã khiến cho việc đảm bảo an ninh con người trong cộng đồng dân tộc thiểu số càng trở nên phức tạp hơn. Chênh lệch về các chỉ số y tế có liên quan trực tiếp tới các mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế của các vùng, dân tộc và các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Theo thống kê của Bộ Y Tế (2000-2002) ở một số tỉnh miền Bắc, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về mặt tài chính (chiếm khoảng 53%), họ không có điều kiện để hưởng các dịch vụ y tế, một phần cũng do ý thức chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân còn rất hạn chế.

Bài nghiên cứu này tập trung tìm hiểu thực trạng việc sử dụng dịch vụ y tế đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam, nhằm phát hiện những rào cản của một số người dân đồng bào đang gặp những rào cản nào trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Từ kết quả nghiên cứu của bài có thể đưa ra những hàm ý chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước, gợi mở những giải pháp nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận với dịch vụ nâng cao chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Tổng quan nghiên cứu

Một số công trình đã nghiên cứu về tiếp cận các dịch vụ y tế chăm sóc cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể như: Nghiên cứu về “Đánh giá thực trạng khả năng và cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội của nhóm người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số” của PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc và nhóm nghiên cứu (2011,2012) đã chỉ ra rằng: Chính sách về nâng cao dịch vụ xã hội cơ bản đã có, nhưng tổ chức cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản còn nhiều bất cập, hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản ở vùng DTTS còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đồng bào dân tộc thiểu số ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội từ các chính sách, chương trình xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ tiếp cận với các hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản của người dân tộc thiểu số ở miền núi còn rất hạn chế. Về dịch vụ y tế cơ bản: chính sách bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh miễn phí bao gồm 100% người nghèo vùng dân tộc thiểu số, đầu tư hệ thống dịch vụ y tế cũng như là nguồn cán bộ cũng được ưu tiên quan tâm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, cán bộ y tế ở vùng sâu và vùng xã còn yếu kém, công tác chăm sóc sức khỏe như tiêm chủng, phòng dịch, dinh dưỡng trẻ em... đã được quan tâm nhưng còn nhiều khoảng cách, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều phong tục lạc hậu trong đó có những phong tục liên quan đến sức khỏe, chữa bệnh, khi họ tin rằng nếu bị bệnh chỉ cần hái lá thuốc trên rừng mang về uống là khỏi, thậm chí việc sinh đẻ cũng không cần đến bệnh viện mà chỉ cần đỡ đẻ ở nhà. Chính những suy nghĩ chủ quan này đã khiến cho rất nhiều tính mạng của con em đồng bào dân tộc thiểu số gặp nguy hiểm.

Một nghiên cứu khác về “Thực trạng sử dụng dịch vụ y tế của một số nhóm dân cư và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế” của Vương Lan Mai, Trần Thị Oanh (2013) cho thấy, có một số các rào cản ảnh hưởng đến tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của đồng bào dân tộc thiểu số bao gồm: (i) rào cản về vị trí địa lý, (ii) rào cản tài chính liên quan đến điều kiện kinh tế, (iii) rào cản văn hóa-xã hội, (iv) rào cản từ phía các cơ sở cung ứng dịch vụ. Một nghiên cứu vào năm 2017 về “Những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam của tổ chức UNFPA và Bộ Y tế năm 2017 được thực hiện tại 6 tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc đã đưa ra được những điểm mạnh như những vấn đề cần được cải thiện của hệ thống y tế hiện nay và các hành vi liên quan đến việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiên cứu cung cấp những tin hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách các nhà quản lý chương trình, các nhà chuyên môn cũng như các nhà nghiên cứu, và các nhà tài trợ trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe hiệu quả để đạt được mục tiêu của “Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu đã cho thấy khá rõ nét thực trạng tiếp cận dịch vụ y tế và các rào cản tiếp cận dịch vụ y tế ở một số nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định tính, thu thập thông tin số lượng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia sử dụng dịch vụ y tế qua các bài nghiên cứu như: bài “Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019” của Tổng cục thống kê, bài nghiên cứu về “Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho nhóm dân tộc thiểu số - thực trạng và hàm ý chính sách” của tạp chí dân số và phát triển và bài nghiên cứu “Tiếp cận dịch vụ y tế và chăm lo sức khỏe đối với đồng bào dân tộc thiểu số” của nhóm tác giả Phùng Tuấn Anh và Lê Hồng Việt.

Nhìn một cách tổng quan, các bài nghiên cứu đều nhắc đến các thành tựu trong chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam trong những năm gần đây đã được ghi nhận đáng kể trong lĩnh vực như: Cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, người dân sở hữu bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sự phát triển hệ thống y tế còn phát triển chưa đồng đều, vẫn có những vùng miền, đặc biệt là khu vực các dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, có sự khác biệt giữa các nhóm dân cư, giữa một số nhóm dân cư. 

Từ số liệu thống kê các nghiên cứu, để thấy rõ trong tổng số người dân sử dụng dịch vụ y tế thì đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số lượng là bao nhiêu phần trăm trong tổng số đó. Qua thời gian số lượng đồng bào dân tộc thiểu số có tăng lên, hay mặc dù nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thể được hưởng dịch vụ y tế một cách tốt nhất, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ những đồng bào dân tộc vẫn không thể tiếp cận được. Xem đâu mới là nguyên nhân khiến cho người dân vẫn không thể tiếp cận được dịch vụ y tế, là do nguyên nhân khách quan hay là nguyên nhân chủ quan.Từ đó xem những giải pháp đã được đề cập đến, xem đâu là những giải pháp thực sự giúp người dân có thể hưởng chất lượng y tế một cách tốt nhất. Rút ra được bài học kinh nghiệm từ những bài nghiên cứu đã chọn để phân tích định tính.

4. Kết quả phân tích

Trên phạm vi cả nước, có 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 49% tổng số xã của toàn quốc. Các xã vùng dân tộc thiểu số phân bố chủ yếu ở khu vực nông thôn (87,3%), thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 54/53 thành phố trực thuộc Trung ương. [1]

Thứ nhất, cơ sở dịch vụ y tế và đội ngũ cán bộ y tế của các vùng dân tộc thiểu số tăng qua các năm. Trong bài nghiên cứu: “Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019” của Tổng cục thống kê cho thấy tại các vùng dân tộc thiểu số, 99,6% các trạm y tế xã được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố.[1]

Chỉ còn 30 xã trong tổng số 5.468 xã vùng dân tộc thiểu số chưa có trạm y tế, các xã này tập trung chủ yếu tại ba tỉnh miền núi phía bắc là Hà Giang, Yên Bái và Tuyên quang, trong đó, phần lớn các xã không có trạm y tế là do đã sáp nhập vào trung tâm y tế huyện hoặc phòng khám đa khoa khu vực.

Hình1. Tỷ lệ xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố và tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, năm 2015 và năm 2019.

Theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy 83,5% thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số có nhân viên y tế thôn, bản. Tỷ lệ này ở khu vực biên giới cao hơn các khu vực khác (93,7% so với 82,7%), ở khu vực nông thôn cao hơn ở thành thị (94,7% so với 39,9%). [1]

So với năm 2015, tỷ lệ thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số có nhân viên y tế thôn/bản giảm nhẹ, từ 85.0% năm 2015 xuống 83,5% năm 2019. [1]. Tỷ lệ này ở các vùng tập trung nhiều ở địa bàn khó khăn như Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và Tây nguyên cũng có xu hướng giảm nhẹ. Như vậy có thể thấy, việc duy trì và phát triển mạng lưới y tế thôn, bản-cánh tay nối dài của Y tế tới rộng khắp các vùng như vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn tới để tìm ra lời giải phù hợp và hiệu quả hơn.

Hình 2. Tỷ lệ nhân viên y tế thôn, bản theo vùng kinh tế - xã hội năm 2015 đến 2019

                                    Nguồn. Tổng cục thống kê

Thứ 2: Tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện. Tiếp cận dịch vụ công cộng của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn do khoảng cách đến các cơ sở cung cấp dịch vụ còn khá xa.

Khoảng cách trung bình từ nhà đến bệnh viện gần nhất của đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 là 14,7km giảm 2km so với năm 2015 (16.7 km). [1] . Theo bài nghiên cứu trên cho thấy một tín hiệu đáng mừng là 10 dân tộc có khoảng cách từ nhà đến bệnh viện xa nhất năm 2019 (gồm Ơ đu, Xinh Mun, Mảng, Cống, La Ha, Kháng, Mông, Pu Péo, Si La...) khoảng cách này đều đã giảm so với năm 2015. Đặc biệt, khoảng cách từ nhà đến bệnh viện gần nhất của dân tộc Ơ đu đã giảm 37,1km từ 72 km năm 2015 xuống còn 34,9 km năm 2019.

Hình 3. Khoảng cách trung bình từ nhà đến bệnh viện gần nhất của 10 dân tộc thiểu số có khoảng cách xa nhất, năm 2015 và năm 2019.

Nguồn. Tổng cục thống kê
Trong bài nghiên cứu: “Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019” của Tổng cục thống kê đã đưa ra những số liệu cụ thể về tỷ lệ các trạm y tế, đội ngũ nhân viên ở vùng sâu, vùng xa ở nơi đồng bào dân tộc thiểu số tập chung nhiều, những con số đã cho thấy mặc dù có sự biến đổi qua các năm, nhưng mặt bằng chung các trạm y tế cùng đội ngũ nhân viên ở thôn bản tăng qua các năm.

Thứ 3: Việc tiếp cận bảo hiểm y tế của đồng bào dân tộc thiểu số có sự gia tăng đáng kể. Trong bài nghiên cứu về “Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho nhóm dân tộc thiểu số - thực trạng và hàm ý chính sách” của tạp chí dân số và phát triển, khoảng 87% người dân tộc thiểu số được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo chính sách hiện hành.[2] : bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nhưng đối với khía cạnh người dân tộc thiểu số mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện rất thấp, khoảng 8,2% so với 43,4% của người Kinh/Hoa. Tỷ lệ có bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số nghèo cao hơn so với người không nghèo (91,3% so với 75,1%), trong đó 95% người nghèo dân tộc thiểu số nhận các loại thẻ bảo hiểm y tế miễn phí ( 2).

Mặc dù vậy, tỷ lệ người dân tộc thiểu số sử dụng bảo hiểm y tế khám chữa bệnh chưa cao. Theo điều tra kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số chỉ đạt 44,8%. Giải thích cho thực trạng trên một phần xuất phát từ ý thức của người dân trong việc khám chữa bệnh, họ thường tự chữa bệnh theo phương pháp truyền thống, mê tín... Mặt khác, do năng lực khám chữa bệnh ở các tuyến huyện xã còn quá hạn chế, nhận thức của người dân còn hạn chế về lợi ích của bảo hiểm y tế.

Thứ 4: Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số mang thai tăng qua từng năm, nhưng số lượng phụ nữ đến các cơ sở y tế để sinh còn rất hạn chế

Hình 4. Tổng mức sinh của 10 dân tộc thiểu số có tổng mức sinh cao nhất, năm 2015 và 2019

Nguồn. Tổng cục thống kê

So với năm 2015, mức sinh của một số dân tộc có xu hướng tăng (25 dân tộc). Các dân tộc có mức sinh tăng mạnh nhất so với năm 2015 bao gồm: Pà Thẻn và Mảng (đều tăng 0.36 con/phụ nữ). Bên cạnh đó, các dân tộc như Chơ Ro, Lư, La Hủ có mức sinh giảm mạnh nhất, lần lượt giảm 0.36 con/phụ nữ; 0,25 con/phụ nữ và 0,32 con/phụ nữ.

Hình 5. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số từ 10-49 tuổi khám thai trong lần sinh gần đây

Nguồn. Tổng cục thống kê
Ở Việt Nam, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể đều được khám thai định kỳ, đều đặn. Tỷ lệ sinh của đồng bào dân tộc thiểu số có tăng, nhưng mức độ tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ mang thai cũng hạn chế. Năm 2015: 70,9% phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khám thai ít nhất một lần.[2]. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các nhóm phục nữ dân tộc đi khám thai tại các cơ sở y tế như Tà Ôi, Hoa, Cơ Ro, Chu Ru, Chăm, Khmer, Mường, Tày, Ngái, Mạ (80-88,5%); một số dân tộc có phụ nữ khám thai ít (dưới 50%) như La Hú (9,1%), Hà Nhi (25,5%), Sila (25,5%), La Ha (3,9%), Mảng (34,9%), Mông (36,5%).[2]. Nguyên nhân của sự khác biệt có thể là quan điểm sinh đẻ của cộng đồng các dân tộc thiểu số: điều kiện kinh tế khó khăn, hạn chế của phụ nữ về tầm quan trọng của khám thai định kỳ... Chính điều này giúp lý giải tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi của dân tộc thiểu số cao hơn dân tộc kinh. Thực trạng chăm sóc sức khỏe nói chung, phụ nữ dân tộc nói riêng tác động rất lớn đến nguy cơ tử vong và những rủi ro đói nghèo do bệnh tật gây ra.

5. Kiến nghị và giải pháp

Nhìn chung, trong năm năm gần đây từ 2015-2019 tình hình đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ xã hội đã có tín hiệu đáng mừng so với những năm trước, tuy nhiên vẫn có một bộ phận dân cư đồng bào dân tộc thiểu số không tiếp cận được hay không muốn tiếp cận đối với các dịch vụ y tế. Vì vậy cần có những đối sách cụ thể để mức độ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dịch vụ y tế là 100%. 

Thứ nhất: Hoàn thiện chính sách y tế cho nhóm dân tộc thiểu số như rà soát những quy định về công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số và chỉ rõ những bất cập trong quá trình thực thi chính sách nhằm bổ sung những quy định phù hợp trong tình hình mới, quản lý chặt chẽ thực hiện chính sách này đối với dân tộc thiểu số đặc biệt là hộ nghèo.

Thứ hai: Đầu tư phát triển nhân lực y tế cho các vùng cao, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực y tế là người dân tộc thiểu số, tăng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho vùng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, đa dạng hóa và phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong đó đặc biệt là nhân lực y tế thôn/bản.

Thứ ba: Có phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân tộc thiểu số trong tập quán sinh đẻ, thay đổi nội dung và phương pháp tuyên truyền về hành vi đẻ cho phụ nữ dân tộc thiểu số, cụ thể như: cán bộ tuyên truyền cần phải am hiểu phong tục tập quán của cộng đồng dân tộc thiểu số, đẩy mạnh truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức về hành vi sinh đẻ an toàn cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.

Thứ tư: Đa dạng hóa các hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân tộc thiểu số về lợi ích của bảo hiểm y tế. Trước hết, cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân tộc thiểu số có thể tiếp cận dễ dàng hơn, đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và cuối cùng, thúc đẩy vai trò của đội ngũ cán bộ phụ trách chính sách xã hội trong việc hướng dẫn người dân tộc thiểu số thực hiện quyền và lợi ích của họ khi sử dụng bảo hiểm y tế./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

[1]. Tổng cục thống kê, Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019.
[2]. Tạp chí dân số và phát triển, Số 5, Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho nhóm dân tộc thiểu số - thực trạng và hàm ý chính sách.

[3] Phùng Tuấn Anh và Lê Hồng Việt , Bài nghiên cứu “Tiếp cận dịch vụ y tế và chăm lo sức khỏe đối với đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đỗ Hoàng Phương; Phạm Mai Trà Giang - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội