Xây dựng mã số vùng trồng và liên kết sản xuất đưa trái cây Cần Thơ đến các thị trường xuất khẩu

Việc xuất khẩu trái cây sang những thị trường yêu cầu khắt khe về kiểm dịch thực vật đã đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ, từng bước xây dựng, phát triển bền vững ngành hàng trái cây, một trong những thế mạnh trong xuất khẩu nông sản của vùng ĐBSCL trong những năm qua.
trai-cay-xuat-khau-2-1724222981.jpg
Xuất khẩu lô hàng xoài tượng da xanh đầu tiên của TP Cần Thơ sang thị trường Úc và Hoa Kỳ, ngày 18/6/2024.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, hiện nay tổng diện tích cây ăn trái của thành phố trên 25.000 ha với sản lượng hàng năm khoảng 200.000 tấn, và có 8 loại cây ăn trái có diện tích trồng từ trên 1.000 đến trên 4.800 ha. Hiện nay thành phố Cần Thơ có 193 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 2.600 ha gồm các loại cây như: xoài, vú sữa, nhãn, lúa, sầu riêng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ, ngành nông nghiệp đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực, tập trung và hình thành các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu như: Dâu Hạ Châu, vú sữa, sầu riêng Phong Điền; Xoài cát Hòa Lộc; Xoài tượng da xanh Sông Hậu; Nhãn Định Môn.

Để đáp ứng được yêu cầu của các đối tác nhập khẩu người dân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, tự phát, thiếu liên kết sang sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị để hình thành các vùng chuyên canh tập trung để đáp ứng các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay thấy rõ là việc sản xuất vẫn còn phân tán, quy mô diện tích canh tác chưa đủ lớn, việc liên kết giữa người dân, doanh nghiệp chưa nhiều, vì thế nhiều loại trái cây vẫn chưa thể khẳng định thương hiệu trong xuất khẩu.

trai-cay-xuat-khau-1-1724223005.jpg
Xoài là loại cây ăn trái có diện tích lớn thứ hai trên địa bàn Cần Thơ.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp thành phố đang tập trung phát triển sản xuất cây ăn trái theo hướng tập trung, liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Bên cạnh đó hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật để tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu của các đối tác nhập khẩu.

"Chúng tôi cũng tập trung rà soát đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho vùng sản xuất cây ăn trái, như hệ thống thủy lợi để đảm bảo ngăn được triều cường và trữ nước trong điều kiện khô. Hình thành các vùng cây ăn trái tập trung chuyên canh, tạo điều kiện thiết lập các mã vùng trồng, áp dụng quy trình kỹ thuật, bên cạnh đó giải pháp canh tác, giải pháp tưới tiên tiến, rồi truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi cũng đang tập trung gắn kết với doanh nghiệp để liên kết với các vùng sản xuất cây ăn trái để đảm bảo đầu ra ổn định" - ông Nghiêm cho biết.

trai-cay-xuat-khau-3-1724222965.jpg
Người dân Cần Thơ đang thu hoạch nhãn để xuất khẩu.

Với việc xuất khẩu lô xoài tượng da xanh và lô thanh nhãn của Cần Thơ sang thị trường Hoa Kỳ và Australia vừa qua đã đánh dấu sự chuyển mình của ngành nông nghiệp Cần Thơ trước yêu cầu của thị trường. Chính sự liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và sự vào cuộc của chính quyền địa phương đã giúp cho ngành hàng trái cây đáp ứng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng hướng đến phát triển ngành hàng bền vững./.

Bình Nguyên