Liên kết sản xuất sắn còn lỏng lẻo gây bất lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân

Liên kết trong sản xuất sắn nhằm hài hòa lợi ích giữa người trồng sắn và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, chưa có những ràng buộc chặt chẽ về pháp lý và lợi ích. Điều này khiến các doanh nghiệp không chủ động được nguyên liệu, người trồng sẵn thì đối mặt với giá cả bấp bênh.
lien-ket-san-xuat-san-5-1719715412.jpg
Thu hoạch sắn tại tỉnh Tây Ninh. (Ảnh TTXVN)

Liên kết sản xuất sắn còn lỏng lẻo, chuỗi giá trị sắn rất mờ nhạt

Tại hội nghị về phát triển bền vững ngành hàng sắn do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức vừa qua, vấn đề liên kết vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sắn được nhiều doanh nghiệp và các nhà quản lý đề cập coi là điểm mấu chốt cho sự phát triển bền vững.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Định Khuê - một trong những đơn vị chế biến sắn lớn ở Tây Ninh cho biết, Công ty đặt tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu - khu vực được xem “tam giác vàng” của thủ phủ sắn Tây Ninh.

Thời gian qua, công tác liên kết cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu được Công ty đặc biệt quan tâm. Hiện Công ty đã liên kết với Hội Nông dân xã Suối Dây nắm bắt thông tin về diện tích trồng sắn. Qua đó, Công ty hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân thông qua các hội thảo, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí mua phân bón, cây giống.

“Tuy nhiên, hướng đi này chỉ mới thực hiện bước đầu với diện tích 700ha của nông hộ. Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết và có nhiều hỗ trợ hơn cho nông dân trồng sắn”, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, quản lý sản xuất của Công ty nhấn mạnh.

lien-ket-san-xuat-san-4-1719715396.jpg
Hiện nay mối liên kết giữa nhà máy với người trồng sắn và vùng nguyên liệu hiện nay còn rất lỏng lẻo. (Ảnh minh họa)

Tương tự, Công ty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) - một trong những đơn vị lớn nhất của ngành hàng sắn với 14 nhà máy chế biến cho biết, thời gian qua, Công ty tích cực tham gia với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp nhân giống sắn sạch bệnh và kháng bệnh.

“Thời gian tới, Công ty tiếp tục cấp giống hỗ trợ người dân trồng sắn ở các vùng bị nhiễm bệnh tại các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk. Công ty sẽ cấp giống sắn KM94 sạch bệnh và một số giống mới kháng bệnh cho nông dân với kinh phí dự kiến khoảng 3,5 - 4 tỷ đồng (mỗi nhà máy từ 450 - 500 triệu đồng”, ông Võ Văn Danh - Chủ tịch HĐQT Công ty chia sẻ.

Trên đây chỉ là số ít các đơn vị có tham gia liên kết cùng nông dân trồng sắn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) các nhà máy hiện chưa có chính sách, cơ chế phối hợp, thu hút HTX vào chuỗi cung ứng sản phẩm sắn cho nhà máy.

Thực tế, người trồng sắn vẫn muốn có sự ràng buộc với nhà máy, giúp định hướng sản xuất (diện tích trồng, nhu cầu thu mua) nhằm chia sẻ rủi ro, ổn định sản xuất.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng 300 HTX dịch vụ nông nghiệp có các thành viên là những hộ dân trồng sắn. Tuy nhiên, vai trò của các HTX này đối với chuỗi giá trị sắn rất mờ nhạt. Các HTX chủ yếu cung cấp một số vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, trong khi vai trò trong liên kết chuỗi giá trị sắn với các doanh nghiệp chế biến rất hạn chế. Liên kết giữa nhà máy chế biến với HTX chủ yếu là thông tin về giống, giá cả, sự phối hợp về cung ứng giống.

Cần có sự hỗ trợ củng cố mối liên kết sản xuất sắn

Ông Nghiêm Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam cũng thừa nhận, mối liên kết giữa nhà máy với người trồng sắn và vùng nguyên liệu hiện nay còn rất lỏng lẻo.

“Doanh nghiệp cần phải gắn kết, đầu tư và bao tiêu sản phẩm cho người trồng sắn để họ yên tâm trước các biến động của thị trường nhờ vào giá bảo hiểm. Chính mối gắn kết hữu cơ này mới đảm bảo cho ngành hàng sắn tồn tại và phát triển bền vững”, ông Tiến đề nghị.

Mặt khác, để củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX, các địa phương cũng cần có những biện pháp hỗ trợ tư pháp, đảm bảo an toàn lợi ích cho nhà máy. Các biện pháp này nhằm tránh tình trạng nhà máy đầu tư vùng nguyên liệu nhưng bà con nông dân lại không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách góp phần tạo động lực cho nông nghiệp phát triển; nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, phát triển theo chuỗi giá trị; nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, nổi bật là chính sách hỗ trợ liên kết giai đoạn 2019 - 2025.

lien-ket-san-xuat-san-3-1719715481.jpg
Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD/năm.(Ảnh minh họa)

Đây là chính sách thiết thực nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở hợp tác giữa các bên liên quan, hướng đến mục tiêu thúc đẩy các hình thức liên kết mới, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh.

“Chính sách hỗ trợ đến 30% về phân bón, cây giống. Theo đó, chi phí hỗ trợ có thể lên tới 10 triệu đồng/ha. Chính sách quy định các đối tượng muốn được thụ hưởng phải liên kết với ít nhất một HTX, nhưng doanh nghiệp thường ký hợp đồng trực tiếp với nông dân không qua HTX nên không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ. Bên cạnh đó, các HTX tham gia dự án liên kết thường mới thành lập nên chưa đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án... Đây là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đánh giá, việc đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu trồng sắn còn hạn chế, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất sắn còn thấp. Nhiều tỉnh thành cũng chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển ngành hàng này.

Đề án phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, các địa phương trồng sắn cần bố trí nguồn lực, để xây dựng các chương trình, dự án phát triển ngành hàng sắn phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của mình.

Các tỉnh đồng thời cần lồng ghép các chỉ tiêu về cây sắn vào các bộ chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương để có những chính sách đầu tư, khuyến khích thích đáng, đặc biệt là các đầu tư về hạ tầng cho vùng nguyên liệu.

“Đây là những giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, khẳng định và tăng cường uy tín, vị thế của sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh./.

Bình Nguyên