Vụ lúa Đông Xuân được mùa, các tỉnh ĐBSCL chủ động liên kết ổn định giá lúa

Thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long vừa hoàn thành vụ Đông Xuân 2024-2025 với năng suất cao dù chịu tác động của hạn mặn. Trên những cánh đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã, niềm vui của nông dân như được nhân đôi khi doanh nghiệp bao tiêu, năng suất lúa đạt cao và bán được mức giá ổn định.
vu-lua-dong-xuan-02-1716733373.jpg
Thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long vừa hoàn thành vụ Đông Xuân 2024-2025. (Ảnh minh họa)

Thắng trong vụ lúa Đông Xuân nhờ chủ động ứng phó hạn mặn

Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Chuyên (huyện Mỹ Xuyên) thu hoạch xong 1 ha lúa giống RVT, giá bán 8.400 đồng/kg. “Vụ lúa Đông Xuân năm nay, năng suất thu hoạch đạt gần 7 tấn. Vụ này trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng, hơn 5 triệu đồng so với năm trước”, ông Chuyên cho biết.

Ông Hứa Thành Nghĩa - Tổ trưởng Tổ hợp tác nông nghiệp Đại Ân (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết, tổ có 22 thành viên canh tác 103 ha lúa giống ST24, ST25 cấp xác nhận. Năm nay, hầu hết ai cũng trúng mùa. Nhờ vậy, nhiều gia đình xây được nhà cửa kiên cố, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Còn tại Hậu Giang, anh Nguyễn Văn Thật (huyện Long Mỹ) cũng phấn khởi khi vừa thu hoạch xong 0,5 ha lúa giống Đài thơm 8, năng suất đạt hơn 1 tấn/công, lợi nhuận hơn 4 triệu đồng/công.

Anh Thật cho biết: “Do liên kết hợp tác với doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí sản xuất, bao tiêu đầu ra nên không quá lo lắng cộng với giá lúa thu mua khá cao nên có lời nhiều. Gần 10 năm làm ruộng, nhờ vụ này trúng mùa, được giá tôi tích cóp đủ tiền sửa sang lại căn nhà khang trang hơn”.

vu-lua-dong-xuan-01-1716733416.jpg
Thu hoạch lúa Đông Xuân tại huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. (Ảnh minh họa)

Long An là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất về xâm nhập mặn trong mùa khô 2023-2024. Xâm nhập mặn trên địa bàn nghiêm trọng tới mức vào ngày 17/4/2024, UBND tỉnh Long An đã phải công bố tình huống thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An, thuộc rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Trong bối cảnh xâm nhập mặn như vậy, Long An vẫn có một vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thành công. Bà Hồ Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết, diện tích lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 trên toàn tỉnh ước đạt 235.718 ha, tăng 10.548 ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt trên 1,56 triệu tấn, tăng hơn 38.800 tấn so cùng kỳ.

Để có vụ Đông Xuân thành công, trước những cảnh báo về hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp Long An đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất, tuyên truyền vận động nông dân tập trung gieo sạ theo khung lịch thời vụ, khuyến cáo nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng lũ gây ra và né tránh hạn mặn.

Các huyện, thành phố, thị xã cũng sâu sát, theo dõi chặt chẽ địa bàn, chỉ đạo kịp thời về sản xuất lúa. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật được thực hiện đa dạng, người dân tin tưởng mạnh dạn áp dụng vào sản xuất đã giúp cho sản xuất đạt thắng lợi.

Liên kết sản xuất ổn định đầu ra cho người trồng lúa

Những năm gần đây, việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp đã giúp nông dân không còn chật vật tìm đầu ra, chi phí sản xuất thấp. Vụ lúa Đông Xuân 2024, anh Nguyễn Trọng Văn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có lợi nhuận cao vì không chỉ được bao tiêu mà còn được doanh nghiệp hỗ trợ lo từ A đến Z.

Anh Văn cho biết: “Tôi kí hợp đồng liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa gạo khoảng 4 năm. Trong suốt quá trình canh tác được doanh nghiệp cung cấp các loại vật tư, giống lúa đạt chuẩn, trang thiết bị, máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn với giá thành thấp hơn 5 - 7% so với giá thị trường, nhờ đó mà nhẹ gánh nặng chi phí”.

Cũng theo người nông dân này, trước đó khoảng 1 tháng giá lúa biến động giảm, thương lái bỏ cọc khiến nông dân chạy đôn, chạy đáo tìm thương lái. Tuy nhiên, anh Văn lại nhàn nhã ra đồng vì được doanh nghiệp bao tiêu, trợ giá.

“Giá lúa được công ty niêm yết lấy theo từng vụ, luôn ổn định theo giá thị trường. Vụ này, phía công ty có hỗ trợ thêm 150 đồng/kg cho bà con nông dân, giá gốc công ty lấy là 8.100 đồng/kg, cộng thêm trợ giá vụ này tôi bán giá 8.250 đồng/kg”, anh Văn cho biết.

vu-lua-dong-xuan-03-1716733451.jpg
Việc liên kết sản xuất tiêu thụ lúa Đông Xuân với doanh nghiệp đã giúp nông dân không còn chật vật tìm đầu ra, chi phí sản xuất thấp. (Ảnh minh họa)

Tương tự, lão nông Nguyễn Văn Còn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không những thoát cảnh bấp bênh mà còn nhàn nhã ra đồng vì xuyên suốt quá trình canh tác luôn được áp dụng cơ giới hóa theo mô hình “mặt ruộng không dấu chân” của doanh nghiệp.

“Từ làm đất, gieo sạ đến thu hoạch máy móc đều làm hết. Bây giờ hiện đại sử dụng thiết bị máy bay để phun thuốc, bón phân vừa nhanh chóng lại tiết kiệm. Thời đại 4.0, máy móc thay con người làm hết, nông dân nhàn nhã ra đồng, không còn mang vác, lội ruộng, chỉ việc đứng trên bờ quan sát”, ông Còn cho biết.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Ngô Minh Long cho biết, để tăng cường tính liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, thời gian qua, Hậu Giang đặc biệt quan tâm phát triển mạnh kinh tế tập thể. Toàn tỉnh hiện có 59 hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất lúa.

Bên cạnh việc kêu gọi thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng, ngành chức năng luôn khuyến cáo nông dân nên tham gia vào hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất lúa quy mô lớn, thuận lợi trong việc ký hợp tác sản xuất và tiêu thụ bền vững.

Tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng nhà kho, lò sấy cho hợp tác xã nhiều hơn để thuận lợi trong hoạt động. Đây được xem là giải pháp căn cơ và lâu dài nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên./.

Bình Nguyên