Công tác văn học, nghệ thuật ngày càng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp Nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới"; Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 08/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các Nghị quyết Trung ương 7 và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X. Việc cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp về văn học, nghệ thuật được quan tâm thực hiện.
Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và phát triển các quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền đã cụ thể hóa các nội dung chỉ đạo thành kế hoạch, chương trình cụ thể, phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc, phong tục tập quán và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; coi việc xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trong những năm qua, việc mở rộng về không gian sáng tạo, tư duy nghệ thuật, quan niệm nhân sinh của văn học, nghệ thuật luôn được thành phố quan tâm thực hiện, gắn với chú trọng thực hiện công tác định hướng các hoạt động sáng tác theo phương châm bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời phê phán những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Trên địa bàn thành phố, các lễ hội dân gian, đình làng ở các địa phương được duy trì tổ chức hằng năm như: Lễ hội Đình Ngòi (phường Quỳnh Lâm), Lễ hội Đình Mường Trại (phường Thái Bình), Lễ hội Đình Cả (xóm Khang Đình, xã Yên Mông), Lễ hội Đình làng Dối, Đền Nội (xã Độc Lập)... Qua đó đã tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa tinh thần. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến theo hướng vừa giữ gìn, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hiện đại, phát huy được tác dụng tích cực của lễ hội, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống.
Công tác bảo tồn, phát huy và phát triển các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng quan tâm. Thành phố có 11 di tích, trong đó có 08 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (Di tích lịch sử - văn hóa “Địa điểm Bác Hồ về thăm trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ", xã Yên Mông; Đình Cả, xóm Khang Đình, xã Yên Mông; Đền Ba Cô Tiên - Động Thăng, xóm Thăng, xã Hòa Bình; Đền và Đình Thịnh Lang, phường Thịnh Lang; Đình Ngòi, phường Quỳnh Lâm; Đình Mường Trại, phường Thái Bình; Địa điểm chiến thắng Cầu Mè, xã Mông Hóa; khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm Đốc Bang 1909 - 1910, xã Mông Hóa); 01 di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia (Động Tiên Phi, phường Tân Hòa); 02 di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (Nhà tù Hòa Bình, phường Tân Thịnh và Địa điểm huấn luyện chính trị và tổ chức Đại hội trù bị Đại hội 2 Đảng nhân dân Lào, phường Dân Chủ), 2 bảo tàng tư nhân (Bảo tàng tư nhân Không gian văn hóa Mường và Bảo tàng Di sản văn hóa Mường). Quan tâm công tác phát triển, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các công trình nghệ thuật gắn với thu hút đầu tư và du lịch .
Công tác xây dựng phát triển văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật được thành phố tổ chức và tham gia, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi với không khí phấn khởi, tin tưởng vào các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hoá độc đáo (phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, lễ hội, trang phục, ẩm thực...) của các dân tộc thiểu số được quan tâm, hiện nay thành phố có 963 nghệ nhân Chiêng đây là những hạt nhân giữ gìn và phát huy hiệu quả giá trị nghệ thuật Chiêng Mường của thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung, thường xuyên tham gia các chương trình nghệ thuật lớn của thành phố, của tỉnh. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường theo Chỉ thị số 08 - CT/TU, ngày 20/01/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ", hiện thành phố có 9 nghệ nhân Mo Mường; 02 nghệ nhân văn hóa dân gian , các nghệ nhân tích cực tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương.
Đến nay có 152 hội viên chính thức của Hội Văn học Nghệ thuật trên địa bàn thành phố tham gia hoạt động trong 7 lĩnh vực chuyên ngành như: văn học, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu. Hầu hết các hội viên đều là những trí thức đã và đang công tác trong ngành văn hóa giáo dục và một số cơ quan, ban ngành, trong đó có 96% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. Các nghệ sĩ đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác của tỉnh, của Trung ương viết về các tấm gương người tốt, việc tốt, chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động, góp phần tích cực trong công tác xây dựng đời sống văn hóa, nuôi dưỡng các hạt nhân văn nghệ ở cơ sở, là nguồn lực chính để tham gia các cuộc thi, hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng của thành phố, của tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các loại di sản văn hóa phi vật thể, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương . Những năm qua, nhiều tác phẩm văn thơ; hội họa; nhiếp ảnh; âm nhạc;... tiêu biểu có chất lượng đạt nhiều giải thưởng cấp tỉnh và toàn quốc, nhiều nghệ sỹ nhận được giải thưởng các cấp, các ngành khen./.