Tùy từng loại chất thải rắn mà người dân có thể tự xử lý hoặc chuyển xử lý theo quy định. Những yêu cầu chặt chẽ này sẽ góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm từ CTRSH xả ra môi trường hiện nay. Quy định có hiệu lực từ ngày 01/12/2022. Quan điểm của tỉnh, CTRSH phải được quản lý theo hướng giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế để khai thác tối đa giá trị tài nguyên của nó. Do đó, cần phải phân loại CTRSH theo 3 dạng khác nhau gồm: CTRSH thông thường; CTRSH nguy hại và CTRSH cồng kềnh.
Với CTRSH thông thường, nếu có khả năng tái chế, người dân sẽ đựng trong bao bì, thiết bị màu xanh; nếu là chất thải thực phẩm thì đựng trong bao bì, thiết bị màu đỏ. CTRSH nguy hại đựng trong bao bì, thiết bị màu vàng và CTRSH khác đựng trong bao bì, thiết bị màu trắng. CTRSH cồng kềnh phải được hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải lưu giữ, không được vứt bừa bãi tại nơi công cộng, ao, hồ, sông, suối… gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh cũng quy định rõ, các tổ chức, cá nhân vận chuyển CTRSH, CTRSH nguy hại phải xử lý có trách nhiệm, vận chuyển đến cơ sở đủ chức năng, giấy phép môi trường phù hợp hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân vận chuyển khác để vận chuyển đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường phù hợp.
Điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ theo phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. Với CTRSH nguy hại cần tập kết trong thiết bị có vỏ cứng, kích cỡ lớn như bồn, bể, công-ten-nơ hoặc thiết bị tương tự khác. UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phải chỉ đạo UBND cấp xã, đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH xác định vị trí, thời gian tập kết cho từng khu, cụm dân cư; bố trí các điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Mỗi đơn vị cấp xã phải bố trí ít nhất một điểm tập kết, trạm trung chuyển để tiếp nhận và xử lý sơ bộ các loại chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh phát sinh trên địa bàn. Với chất thải tái chế, người dân có thể chuyển giao (bán, tặng) cho các tổ chức, cá nhân thu mua phế liệu, cơ sở tái chế để tái chế, tái sử dụng. Với chất thải thực phẩm, tối thiểu mỗi ngày phải thu gom một lần... Để xử lý triệt để CTRSH, ngoài các yêu cầu trên, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường ở khu dân cư.
Khi đi lại trên đường, những nơi công cộng mà có nhu cầu thải bỏ CTRSH, người dân phải bỏ vào thùng chứa công cộng hoặc những nơi do cơ quan chức năng quy định. Tích cực dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu đất thuộc quyền sử dụng của mình; giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH…
Quy định cũng đưa ra chế tài, nếu hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải CTRSH nào không phân loại chất thải theo quy định, không sử dụng bao bì chứa CTRSH theo quy định sẽ bị áp các mức phạt theo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường./.