Siết chặt quản lý thu thuế kinh doanh thương mại điện tử

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, tính riêng nguồn thu từ Google, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 153 cá nhân và tổ chức; với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp gần 150 tỷ đồng.

Hiện nay, TP.HCM đang tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Đặc biệt là truy thu thuế từ các nguồn thu từ nước ngoài chuyển về trong các tháng cuối năm. Doanh thu rất lớn nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng. Trong 6 tháng đầu năm nay, chỉ tính riêng nguồn thu từ Google, Cục Thuế TP.HCM đã xử lý 153 cá nhân và tổ chức; với số thuế truy thu, phạt và tiền chậm nộp gần 150 tỷ đồng.

Mới đây, có một cá nhân có thu nhập rất lớn từ Google nhưng không kê khai, nộp thuế. Người này đã bị Chi cục Thuế quận 7 - Nhà Bè truy thu và phạt 31 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Chi Cục Thuế Khu vực Quận 7 - huyện Nhà Bè đã truy thu số thuế gần 40 tỷ đồng đối với 126 trường hợp có nguồn thu từ nước ngoài chuyển về trên Google, YouTube, Facebook.

thuethuongmaidientu2-16566377643381328411946-1659256087.jpg
Siết chặt quản lý thu thuế kinh doanh thương mại điện tử (Ảnh minh họa).

“Sẽ tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế đăng ký, kê khai và nộp thuế, còn những trường hợp trầy ì sẽ phối hợp cơ quan công an để đảm bảo các cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của luật pháp”, ông Nguyễn Văn Thiện - Chi Cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Quận 7 - Nhà Bè, TP.HCM.

Nhằm tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên nền tảng số, theo đại diện Cục Thuế TP.HCM, đơn vị này đã xây dựng cơ chế cung cấp thông tin của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, giao hàng. “Các sàn thương mại điện tử, ngân hàng hay đơn vị giao nhận không cung cấp dữ liệu sắp tới đây sẽ đề nghị giải trình. Nếu không cung cấp sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo quy định của luật”, ông Đỗ Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng Thanh tra Kiểm tra số 10, Cục Thuế TP.HCM cho biết.

Căn cứ dữ liệu thu được, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát, đối chiếu doanh thu đã kê khai của các tổ chức, cá nhân này để thực hiện truy thu và xử phạt theo quy định. Ngoài ra, Ngành thuế TP.HCM cũng đẩy mạnh giải pháp cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức kinh doanh thương mại điện tử dễ dàng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Theo ông Đặng Ngọc Minh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - đã có 26 nhà cung cấp nước ngoài như Microsoft, Facebook, Netflix, TikTok, Samsung… kê khai và nộp thuế sau hơn 3 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thuế ghi nhận khoảng 20 triệu USD.

“Việt Nam đã trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á khẳng định thành công quyền quản lý thuế của quốc gia đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam”, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử (gồm 41 sàn thương mại điện tử bán hàng và 98 sàn cung cấp dịch vụ) và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình khoảng 3,5 triệu lượt/ngày.

PGS. TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, công nghệ có vai trò quan trọng trong hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới. Vì vậy, việc xây dựng các phần mềm, hệ thống thông minh tự động có thể giúp phát hiện giao dịch đáng ngờ, sai phạm hay hỗ trợ hoạt động kê khai, tính và nộp thuế.

Chia sẻ thêm, đại diện Tổng cục Thuế cho biết cơ quan đang nghiên cứu một số đề xuất như thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ xây dựng hệ thống thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu lớn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm đảm bảo thông tin của các tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử và các giao dịch thanh toán đối với dịch vụ số xuyên biên giới ngay khi phát sinh giao dịch. Ngành thuế cũng phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để củng cố thông tin, cơ sở dữ liệu, từ đó hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao công tác quản lý thuế.

Anh Vân (t/h)