Nhà thơ Quang Tuyến và chiêm nghiệm về thơ lục bát

Thơ lục bát đậm đà bản sắc và đồng hành cùng dân tộc Việt qua các thời đại. Có lẽ đó là lý do để Nhà thơ Quang Tuyến đầu tư nhiều tâm sức cho cuốn thơ và tiểu luận mang tên “Chiêm nghiệm”.

Nhà thơ Quang Tuyến sinh ra và lớn lên tại Dương Quan – Thủy Nguyên – Hải Phòng. Trước khi dấn thân vào con đường thi ca, anh từng là kĩ sư cơ khí ôtô, nguyên giảng viên Trường Đại học Tại chức – Hải Phòng, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng.

Nhiều năm qua, Nhà thơ Quang Tuyến đã trở thành bút danh quen thuộc trong giới đam mê văn chương Việt, đặc biệt là mảng thơ. Năm 2007, anh từng gây ấn tượng với cuốn thơ mang tên “Đêm trở dạ” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Ngoài ra, Quang Tuyến còn có nhiều cuốn sách, thơ in chung với nhiều tác giả nổi tiếng. Gần đây, khi ra mắt cuốn “Chiêm nghiệm”, Quang Tuyến đưa độc giả quay về mảng thơ lục bát – thể loại được đông đảo công chúng đề nghị trở thành “Quốc thi”.

“Chiêm nghiệm” là cuốn tiểu luận khá mỏng, vỏn vẹn 77 trang. Trong không gian này, Quang Tuyến không phô diễn kiến thức hay tài năng của bản thân, mà đơn giản, anh chỉ muốn độc giả nhìn thấy hết vẻ đẹp và ý nghĩa của thơ lục bát. Anh chia sẻ: “Với khả năng hạn hẹp, tôi chỉ mong phần nào nhằm làm rõ những hằng thể và biến thể của thể thơ lục bát trong thơ ca hiện đại”.

quang-tuyen-nha-tho-dat-cang-1-1665158820.JPG
Nhà thơ Quang Tuyến sinh năm 1947.

Rõ ràng, với những ai yêu thích thơ lục bát, họ sẽ thấy được nguồn gốc, cấu trúc và hành trình phát triển của thể thơ này qua những gì mà Quang Tuyến đã dày công tìm hiểu và sưu tầm. Từ đó mới biết vì sao thơ lục bát được gọi là “thể thơ bản quyền của ca dao” - là thể thơ bắt rễ sâu nhất vào cơ tầng văn hóa Việt.

Được mệnh danh là thể thơ truyền thống, lục bát đã tạo nên nhiều thành tựu trong lịch sử văn học Việt Nam. Vì thế, khi bước ra sân khấu thơ ca thế giới, lục bát mang hồn thiêng dân tộc, trở thành “đại sứ” lan tỏa giá trị văn hóa Việt, giá trị văn chương Việt ra khắp năm châu. Đặc biệt, trong dòng chảy không ngừng của thơ hiện đại, lục bát được tiếp nối bởi nhiều tác giả - tác phẩm mới, lạ.

Những năm gần đây, sức sống của lục bát càng thêm mạnh mẽ. Trong phần 1 của cuốn “Chiêm nghiệm”, Nhà thơ Quang Tuyến tự đặt một câu hỏi: "Người viết thơ lục bát có làm chủ được thể thơ này hay không?" Và, theo quan sát của anh, nhiều người đã nhận thấy ở lục bát ưu thế không thể thơ nào có được. Tác giả cho rằng hiếm thấy một thể thơ nào có khả năng tuyệt diệu như lục bát: vừa truyền thống, cổ điển, hồn nhiên, minh triết, hiện đại,... Anh khẳng định, sức sống của lục bát là ở đó.

Nếu như phần 1, Quang Tuyến tập trung phân tích vì sao số đông công chúng đề nghị tôn vinh lục bát trở thành “Quốc thi”, thì ở phần 2 cuốn “Chiêm nghiệm”, tác giả hướng bạn đọc nhìn vào dòng chảy thơ lục bát Hải Phòng cùng với những đóng góp của nhiều tác giả cho văn học nghệ thuật thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó, bạn đọc cũng hình dung được phần nào con đường thi ca của nhiều nhà thơ thành danh từng sống và viết tại Hải Phòng.

Trong thi ca, một trong những yếu tố khiến nhiều người cảm thấy lúng túng, loay hoay khi đứng trước thử thách phải tạo được giá trị thẩm mĩ, nhận thức, giáo dục, giải trí… chính là khả năng sáng tạo. Vì thế Nhà thơ Quang Tuyến dành phần 3 của cuốn “Chiêm nghiệm” để bàn luận chủ đề “cách tân thơ lục bát”. Tác giả chỉ ra: thơ lục bát hay là bởi nó có tính nhạc (nhịp điệu, vần điệu và thanh điệu).

bia-sach-chiem-nghiem-tac-gia-quang-tuyen-1665158820.JPG
Sách “Chiêm nghiệm” do Nhà xuất bản hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc năm 2020.

Nhà thơ Quang Tuyến đã nêu ra những ví dụ điển hình trong kho báu thi ca Việt. Đó là đại thi hào Nguyễn Du từng Viết:

"Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài, chữ mệnh kẻo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Nhà thơ Quang Tuyến để dành không gian phần 4 cuốn “Chiêm nghiệm” cho thể loại lục bát hai câu do anh sáng tác. Ở đây có nhiều câu khiến độc giả ngỡ ngàng bởi cái hay, cái đẹp và cái riêng của thơ lục bát:

"Bao giờ cho đến tháng Mười

Qua cơn bão muộn, vàng tươi chín mùa.

***

Tìm đâu em! Giữa thế gian

Để ta phơi hết ruột gan cho người.

***

Con chim sắp chết kêu đau

Con người sắp chết nói câu thật lòng.

***

Quỳnh đêm lặng lẽ hoa cười

Tắm trăng rồi chết trước trời bình minh".

Có thể nói, sự trở lại sôi nổi của lục bát những năm gần đây đã làm phong phú hơn đời sống thi ca Việt. Quang Tuyến cho rằng thơ lục bát đã đạt được chỗ đứng lâu dài trong trái tim độc giả, góp phần nuôi dưỡng thể thơ này trường tồn cùng dân tộc.

Tiểu Mai