Suy ngẫm với bài thơ "Khai sinh" của Nhà thơ Nguyễn Tiến Nên

"KHAI SINH
ai khai sinh cho anh
cánh buồm gió đông
anh khai sinh mình
xa lộ cao tốc
chiếc tổ
cuốn vào cơn lốc
anh khai sinh thời gian
ngược".

"ai khai sinh cho anh
cánh buồm gió đông"

Điều này chỉ tác giả nắm giữ hết toàn bộ bí mật. Có lẽ đó là thăm thẳm tình yêu thương, lòng biết ơn của cuộc đời tác giả. "khai sinh cho anh" là "cánh buồm gió đông". Cánh buồm ấy bạt ngàn là gió, cánh buồm ấy mặn mòi của biển. Ta nhớ đến công cha như núi Thái Sơn (ca dao), nhớ đến lòng mẹ bao la như biển Thái Bình (Trịnh Công Sơn).

"anh khai sinh mình
xa lộ cao tốc".

Sau sự khai sinh từ cái thuở sơ mộc ấy, đến lượt anh tự "khai sinh" cho chính mình. Thế thì anh đã làm như thế nào? Tin rằng tác giả là một người đã sống và làm việc tròn hết tháng năm vì những công việc, trách nhiệm, tình yêu và đam mê trong nhân thế. Đó là một cuộc sinh ra lần thứ hai, bởi chính những nhọc nhằn, những nỗ lực khôn cùng. Thật không dễ để ta có thể "khai sinh mình" - một "xa lộ cao tốc" - xa lộ hiện đại của một cõi nhân gian hôm nay chứa thật nhiều thành quả chung riêng.

"chiếc tổ
cuốn vào cơn lốc". 

Tác giả khẳng định thêm một lần nữa, rằng anh làm việc không ngừng nghỉ, cuồng say, mê mệt. Nhưng hạnh phúc. Hạnh phúc, bởi ngay cả "chiếc tổ" của tác giả cũng song hành, cũng cuốn vào cái guồng quay ấy. Một hạnh phúc thật khó lắm thay!

Nhưng,
"anh khai sinh thời gian
ngược"

Đang trong nhịp đi vừa nhanh, vừa tuần tự kia, bỗng dường như ta phải khựng lại. Một cái nhìn thật hiển nhiên mà ta đâu có nhận ra. Chính tác giả đã chỉ cho chúng ta cái sự thật mà ta cứ thản nhiên đi ngang qua nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy. Và điều này có lẽ đúng cho rất nhiều người. Song toàn bộ cái chặng đường thời gian "ngược" đó được tận dụng, được sử dụng tối ưu đến đâu thì tùy thuộc hoàn toàn độc lập vào mỗi con người. Với tác giả của bài thơ này, tôi tin anh đã sử dụng thật hữu ích cái chặng đường "thời gian ngược" của mình mà anh đã "khai sinh" ra nó.

Bài thơ với kết thúc của câu cuối có lẽ là sự gửi gắm một thông điệp. Vào gió, vào trăng, vào những bông hoa trong sớm xuân, vào cả những cơn bão tố, cuồng phong, những đám mây màu xám,... Nếu muốn nhận, bạn cứ việc ngửi hương thơm của hoa, lắng nghe làn gió thổi, trầm mặc dưới ánh trăng,... Bạn sẽ đón nhận được những điều thú vị.

Một bài thơ triết lý thật ngắn. Tưởng như viết cho riêng mình. Mà lại có thể mang đến những điều thật ý nghĩa khi chúng ta đọc và lắng lại.

Ấy là bài thơ KHAI SINH của Nhà báo - Nhà thơ Nguyễn Tiến Nên.

                                                                                                                                                        

nha-tho-nha-bao-nguyen-tien-nen-trong-mot-lan-di-tac-nghiep-1658367495.jpg
Nhà thơ - Nhà báo Nguyễn Tiến Nên trong một lần đi tác nghiệp.

Thông tin về Nhà thơ Nguyễn Tiến Nên

Nhà báo – Nhà thơ Nguyễn Tiến Nên sinh năm 1954 và mang trong mình dòng máu quê hương của miền đất văn vật Quảng Bình. Anh là Hội viên Hiệp hội CLB UNESCO Việt Nam, Hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội viên Hội văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Anh đã xuất bản các tác phẩm thơ bao gồm: “Bến”, “Tái sinh”, “Hơn cả tình yêu”. Cuốn "Cảnh Dương tình đất tình người" là tập hợp bút ký với đầy tâm huyết của anh dành cho quê hương Cảnh Dương – Quảng Bình.

Nguyễn Phương Anh