Trần Nguyệt Ánh hiện đang là giáo viên Trường Dân tộc nội trú thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk.
Tập thơ Vọng núi là đứa con tinh thần thứ 3 và là tập thơ đầu tiên được chị viết theo thể thơ 1-2-3. Vọng núi được ra mắt ở Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Đối với nhiều người, lựa chọn thể thơ 1-2-3 là lựa chọn tinh thần tự do bởi thể thơ này không khắt khe về vần điệu và thanh âm, người sáng tác được thỏa sức phóng bút và sáng tạo. Dẫu vậy, khi thưởng thức tập thơ Vọng núi của Trần Nguyệt Ánh, độc giả cảm nhận đâu đó vẫn có niêm luật rõ ràng, cho thấy sự đầu tư nghiên cứu vô cùng nghiêm túc.
Trong thi ca, dấn thân vào một phương thức mới bao giờ cũng là một thử thách khó, bởi những điều mới mẻ không dễ được bạn đọc tiếp nhận. Nhưng, Trần Nguyệt Ánh có cả đam mê và dũng cảm để chinh phục thử thách.
Vọng núi không chỉ là bức tranh sống động, lãng mạn về Tây Nguyên và Thái bình, mà còn thể hiện sự am hiểu sâu sắc về lịch sử và văn hóa. Đây không chỉ là nền tảng cần thiết mà còn là thế mạnh để tác giả chắp đôi cánh cho những trang thơ của mình bay xa.
Trần Nguyệt Ánh để tâm hồn thơ tự do bay bổng, nhưng vẫn bám sát thực tế, diễn tả chân thực đời sống mà chị thấy quanh mình: “Xào xạc những cơn mơ/ Chiều chạng vạng xóm thôn thiếu tiếng cười lũ trẻ/ Đêm tịch mịch âm u mùa covid!”
Ngay cả tiếng quét rác của chị lao công đường phố cũng được Trần Nguyệt Ánh gom lại, đưa vào thơ một cách tự nhiên, duyên dáng và nâng niu.
Với tập thơ Vọng núi, độc giả sẽ được Trần Nguyệt Ánh đưa về tuổi thơ đầy hoài niệm, nơi có bóng dáng của mẹ cùng đôi quang gánh và những “giọt mồ hôi vương khắp cánh đồng”.
Vọng núi còn giúp độc giả vỡ ra giá trị thực của cuộc sống: “Cung điện nguy nga là hạnh phúc trong ngôi nhà mình”.
Dĩ nhiên, tình yêu trong thơ của Trần Nguyệt Ánh cũng được thể hiện rất đủ đầy và mạnh mẽ: tình yêu với quê hương, tình yêu với thiên nhiên, tình yêu với con người.
Cái hay trong thể thơ 1-2-3 của Trần Nguyệt Ánh chính là việc thử thách độc giả. Thực tế, thưởng thức thể thơ này, người đọc phải có vốn văn hóa và những trải nghiệm nhất định.
Trần Nguyệt Ánh chia sẻ, với tập thơ Vọng núi, chị muốn đổi mới mình. “Tôi rất vinh dự là một trong những người đầu tiên góp tiếng nói của mình, muốn đi sâu khám phá bản sắc văn hóa, phong tục của người Tây Nguyên thể nghiệm ở loại hình thơ mới mẻ, đầy sức hấp dẫn này”, chị nói.
Thật vậy, trong dòng chảy của thời đại, những tâm hồn nhạy cảm với nghệ thuật luôn mong muốn được cất lên tiếng nói bản ngã của mình, và Trần Nguyệt Ánh đã tìm được một cách riêng để thể hiện.