Cùng Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đến với "Giấc mơ ghi-ta"

Nào ta hãy cùng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trở về tuổi hai mươi qua tiếng ghi-ta. Tiếng ghi-ta ai đang ôm đàn mà đầy sức trẻ, mà rực rỡ vầng dương với "mặt trời lộng lẫy", mà biển đang xanh dù chỉ qua "đôi mắt".

GIẤC MƠ GHI -TA

Ôm ghi - ta, anh nhớ em

cô gái sinh ra từ xứ sở mù sương

lạc vào anh mặt trời lộng lẫy

kìa làn tóc bay

như dải lụa vàng

kìa đôi mắt xanh

như biển thu nhỏ lại

kìa vầng ngực em

đỉnh cao anh phải vượt

kìa môi em

he hé mở

chờ những nụ hôn sao Hoả

bừng bừng...

 

Ghi - ta

anh cảm ơn hành tinh xanh

không quá rộng lớn để anh được gặp em

đứa con xinh tươi của Chúa

đã truyền cho anh bí kíp lửa

vượt qua vòng cương toả

bước lên đỉnh Tình yêu.

 

Ghi - ta

xa lộ phiêu diêu

sáu làn âm vực mảnh

không hận thù

không tôn giáo cách chia

không đường biên, cột mốc

không thép gai, không ai đặt bẫy, tống tiền

chỉ có

sự hiến dâng

thánh thót

bay

xa...

 

Ôi, ghi - ta, ghi - ta, ghi - ta...

 

NGUYỄN HỮU QUÝ

Thơ lục bát của Nguyễn Hữu Quý "ngọt lừ" nên thật khó tưởng tượng ra một Nguyễn Hữu Quý với thể thơ tự do đầy phóng khoáng, một tâm hồn thơ không có tuổi như những vần thơ ở đây. Anh làm thơ đúng chất “tự do". Cả một bài thơ rất ít "vần", câu thơ ngắn dài bất chợt, như tiết trời, như hơi thở phập phồng của tuổi đang lớn. Không quá cầu kỳ trong ca từ. Nhưng cái khó nhất thì anh lại có được, đó chính là "nhịp thơ". Những nhịp thơ lên xuống và rộng trải cả 4 chiều.

Nhịp của bài thơ này đúng với tiêu đề của nó, chính là tiếng đàn "ghi-ta". Ta như thấy đôi tay trẻ trung đang chạy gam trên phím đàn mà hát, hát những khúc ca của nắng mai đang lên, của xuân hạ đang tới. Ta thấy trái táo của E-va "kìa vầng ngực em/ đỉnh cao anh phải vượt", ta thấy xuân vừa chúm chím "kìa môi em/ he hé mở", ta lại thấy hạ vừa cập bến xuân "những nụ hôn sao Hoả/ bừng bừng...". Xuân đã "nóng" bởi hạ, và cái xuân chớm gặp hạ vừa đến ấy nó mới mới mạnh mẽ, mới đầy khí lực, mới bùng cháy mãnh liệt làm sao.

Rạo rực tình yêu trai gái trong tứ thơ của anh. Những ca từ nói đến sự hòa hợp của đôi lứa đẹp như khúc hát ban mai. Tại sao lại thế, phải chăng bởi thi sĩ luôn cho ta nghe thấy tiếng ghi-ta, tiếng ghi-ta luôn cất lên khi bắt đầu mỗi khổ. Và chỉ cần một chi tiết đó thôi, tác giả đã kéo ta vào cái mê hoặc của tiếng đàn, để ta đắm say, để ta cũng hóa thành tuổi trẻ, và để chỉ thấy cái đẹp của thanh xuân, cái đẹp tạo hóa ban tặng, để thăng hoa “bước lên đỉnh Tình yêu” chứ không rơi vào sự tầm thường mà đôi khi chỉ cách nhau một sợi tơ mành.

Đến lúc này, thi sĩ bắt đầu cho chúng ta "phiêu". Phiêu vào đâu? Phiêu vào xa lộ. Xa lộ gì? Xa lộ ghi-ta. Xa lộ ghi-ta có sáu "làn". Bạn hãy nhớ đến sáu dây của ghi-ta và những điều nhà thơ viết, có lẽ bạn sẽ giống tôi, thấy nó thật tinh tế lắm. Và bạn hãy bước chân vào đó, bước vào nơi "không hận thù/ không tôn giáo cách chia/ không đường biên, cột mốc/ không thép gai, không ai đặt bẫy, tống tiền", mà "chỉ có/ sự hiến dâng/ thánh thót/ bay/ xa..."

Bạn hãy "phiêu" đi, hãy "phiêu" cùng tiếng đàn ghi-ta hay "phiêu" cùng thi sĩ, hãy "phiêu" theo từng nốt nhạc rơi xuống, như cách mà thi sĩ xuống dòng từng con chữ lúc này. Và bạn cũng hãy để tâm hồn mình "phiêu" theo sự tự cảm nhận của nó. Còn tôi, khi "phiêu" ấy, tôi thấy tính nhân văn lên đến tròn trịa của tác phẩm. Khi nghe tiếng ghi-ta ấy, tôi như thấy lời kêu gọi một thế giới hãy sống với nhau đẹp đến trọn vẹn. Cái đẹp ấy như những nốt nhạc, rơi, thánh thót, thánh thót và bay xa, bay mãi xa, lan tỏa...

"Ôi, ghi-ta, ghi-ta, ghi-ta". Tôi không muốn nói thêm nữa, khi tác giả kết thúc bài thơ bằng thán từ và lặp lại ba tiếng “ghi-ta”. Bởi nó như một nhạc phẩm tuyệt đẹp mà mang đầy ý nghĩa...

dai-ta-nha-tho-nguyen-huu-quy-1657013547.jpg
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Thông tin về Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:

Đại tá - Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý sinh năm 1956, là một người con của đất Quảng Bình. Là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Nguyên Trưởng ban Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đã đạt nhiều giải thưởng văn học, trong đó nổi bật là tác phẩm "Khát vọng Trường Sơn" đạt giải nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 (cuộc thi không có giải nhất). Anh đã ba lần đạt giải thưởng văn học của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra anh còn đạt các giải thưởng văn học của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội Nhà văn, các giải thưởng viết cho thiếu nhi... Đến nay, anh đã xuất bản trên 20 đầu sách, trong đó có 7 tập thơ và 4 trường ca.

Nguyễn Phương Anh