Quảng Ninh: Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn với việc giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho người dân. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện nhiệm vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
qn1-1668072056.jpg
Lớp đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn tạo điều kiện tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn

Tại huyện Ba Chẽ, những năm qua, thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều lao động đã có việc làm ổn định, thu nhập cao và vươn lên thoát nghèo. Anh Đặng Văn Thái (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) cho biết: Trước đây, tôi làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, cuộc sống hết sức khó khăn, vất vả. Năm 2019, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tôi được đi đào tạo nghề mỏ và sau đó làm việc tại Công ty CP Than Mông Dương. Mặc dù, đây là nghề vất vả nhưng mang lại thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra. Có thu nhập ổn định, gia đình tôi đã thoát nghèo và có của ăn, của để, cuộc sống ổn định.

Bằng việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, trọng tâm là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 46,1 triệu đồng/người (năm 2020) lên 52,5 triệu đồng/người (năm 2021). 9 tháng năm 2022, huyện Ba Chẽ giảm 74 hộ nghèo, 185 hộ cận nghèo. Toàn huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm nay.

Ông Nông Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Chẽ, cho biết: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn là một trong các nhiệm vụ, giải pháp đang được ưu tiên thực hiện hàng đầu, để phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới tại địa phương. Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, toàn huyện có 824 học viên là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề. Thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi trên địa bàn, qua đó, góp phần tăng cơ hội tìm kiếm việc làm và tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn.

qn2-1668072104.jpg
Một buổi thực hành nghề khai thác mỏ của sinh viên Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ với 40 số cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Các chương trình đào tạo thiết thực, luôn được đổi mới về chất lượng, tư duy và phù hợp với nguyện vọng của người học nên đã nhận được những sự hưởng ứng tích cực. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng về đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tại địa phương.

Đến nay, 13 địa phương trong tỉnh đều xây dựng kế hoạch của từng địa phương, giao nhiệm vụ cho các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ về công tác hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng năm 2022. Trong đó, tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân... Đến ngày 30/9/2022, đã tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.314 lao động, đạt 66% kế hoạch năm.

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ từ tỉnh đến các địa phương, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng mạnh qua các năm. Năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48%, trong đó qua đào tạo nghề là 38%, đến năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,5%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ bằng cấp đạt 46%. 10 tháng năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 86%.

Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có những cơ chế chính sách đặc thù cùng với những chính sách của trung ương để mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề đều đã được triển khai đồng bộ và phát huy được hiệu quả. Để bứt phá trong công tác đào tạo lao động nông thôn, Sở tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo của các lớp đào tạo. Thực hiện việc đào tạo gắn với tìm đầu ra, tạo việc làm cho lao động nông thôn ổn định, có thu nhập. Qua đó, từng bước tạo sinh kế đóng góp quan trọng vào các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của tỉnh./.

Minh Đức