Hội nghị nhằm tìm giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh Quảng Bình phát triển mạnh mẽ hơn, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh và giữa các dân tộc, đồng thời, tương xứng với tầm quan trọng, vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đất có diện tích chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh.
Qua thảo luận, có 13 ý kiến phát biểu phân tích những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế và những vấn đề nổi lên tại các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh. Đại biểu đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; đồng thời, tham gia nhiều ý kiến xác đáng vào dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hội nghị đã thống nhất 7 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện gồm:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, bám sát các chủ trương, chính sách của Trung ương, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh; Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân; đặc biệt là Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030. Quá trình thực hiện, luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị.
Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân, đội ngũ cán bộ cơ sở ở vùng DBDTTS và MN. Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng về phát triển đảng viên ở vùng ĐBDTTS. Tăng cường phát triển đảng viên là người DTTS. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động của các mô hình tự quản tại cộng đồng; biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng, ĐBDT.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ DTTS; có giải pháp cụ thể, hiệu quả để bảo đảm tỉ lệ cán bộ DTTS trong cấp ủy và các cơ quan dân cử các cấp. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với DTTS rất ít người, nhóm DTTS ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.
Thứ ba, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng ĐBDTTS và vùng MN; bảo đảm QP-AN; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của các dân tộc. Rà soát, lồng ghép, sửa đổi, bổ sung chính sách; nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương và tăng cường hợp tác, đa dạng hoá và xã hội hoá nguồn lực để đầu tư phát triển vùng ĐBDTTS và MN. Thúc đẩy đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả và mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hoá, tập quán từng dân tộc. Hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao. Quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các DTTS.
Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư mới gắn với quy hoạch sắp xếp, ổn định dân cư, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát. Tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, không gian sinh sống của đồng bào. Có các chỉ tiêu cụ thể về vấn đề giao đất ở, đất sản xuất cho nông dân, xem xét thu hồi đất giao khoán, không đầu tư của các nông, lâm trường để giao các địa phương cấp cho nhân dân theo quy định.
Ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá; bảo đảm các hộ gia đình DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, dịch vụ phát thanh, truyền hình, viễn thông, tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt.
Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT đối với vùng ĐBDTTS và MN; mở rộng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ việc ăn, ở cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn. Có chính sách giải quyết việc làm đối với thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; có cơ chế chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng ĐBDTTS và MN.
Nâng cao tỉ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng các dịch vụ y tế, nhất là khám, chữa bệnh ban đầu ở tuyến cơ sở; đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng; tạo điều kiện cho ĐBDTTS khám, chữa bệnh thuận lợi tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới...
Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của người dân. Đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ở từng vùng, từng địa phương. Quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hoá; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của các DTTS. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hoá, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu; quyết liệt để xoá bỏ tình trạng tảo hôn, chấm dứt hôn nhân cận huyết thống.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện nghiêm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy vai trò tích cực của người có uy tín trong ĐBDTTS. Đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ sáu, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến ĐBDTTS, vùng ĐBDTTS và MN.
Thứ bảy, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng ĐBDTTS và MN; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng", "điểm phức tạp" về ANTT. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, buôn bán người, ma tuý, xâm phạm ANTT, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng biên giới.
Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là những ý kiến về các chỉ tiêu, mục tiêu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Văn Thắng đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo cơ quan tham mưu, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, ANTT các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và vùng MN của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, thiết thực báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957 - 16/6/2022).
“Nghị quyết tốt cần được triển khai tốt, do đó cần xây dựng kế hoạch hành động, đề án của UBND tỉnh, các sở, ngành để triển khai thực hiện. Để Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống, sớm đưa miền núi, vùng ĐBDTTS theo kịp miền xuôi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu phát huy năng lực, trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, cùng với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng các xã biên giới, vùng ĐBDTTS và MN của tỉnh ngày càng phát triển”, ông Vũ Văn Thắng nói.