Bài nghiên cứu khoa học:

Phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Bài NCKH "Phát tiển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc và bài học cho Việt Nam do Ngô Thị Hạ (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội) thực hiện.
nong-nghiep-trung-quoc-1-1713793910.jpg
Nông nghiệp sinh thái Trung Quốc. Ảnh minh họa.

Tóm tắt

Những thập kỷ qua, nhân loại đã chứng kiến sự trỗi dậy của các phong trào phát triển nông nghiệp bền vững trên toàn thế giới, nổi bật với xu hướng quốc tế này là sự xuất hiện của nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao,... với các mục tiêu thiết yếu là đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quát về bối cảnh, lịch sử phát triển và vai trò của Chính phủ Trung Quốc trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái tại quốc gia có lịch sử lâu dài về nông nghiệp này. Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn đọng trong nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam cũng sẽ được thảo luận. Mục đích của nghiên cứu này là  kiến nghị chính sách cho phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam bởi sự tương đồng về vị trí địa lí, văn hóa, thể chế chính trị giữa 2 quốc gia. 

Từ khóa: nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, Trung Quốc

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, trước những vấn đề toàn cầu như sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm môi trường và vấn đề an ninh lương thực toàn cầu, nền nông nghiệp của các quốc gia đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách như suy thoái môi trường sinh thái, an ninh lương thực,việc làm tại nông thôn,... từ đó buộc các quốc gia phải chuyển đổi trong nông nghiệp, đặc biệt là hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.  

Vấn đề tồn đọng lớn nhất trong nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đó là việc làm nông nghiệp nhưng lại huỷ hoại thiên nhiên trầm trọng. Việc đẩy mạnh thâm canh trong sản xuất nông nghiệp đã và đang gây ra nhiều tác động lớn đến môi trường (Cassou và cộng sự, 2017; Đặng Kim Chi, Nguyễn Hoàng Ánh, 2019). Không chỉ vậy còn các tác động xấu đến sức khỏe con người bởi những loại thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc kích thích tăng trưởng nhằm tạo ra năng suất cao và áp ứng nhu cầu “không giới hạn" của con người. 

Kể từ đầu thế kỷ XXI, hình thức nông nghiệp mới, ứng dụng hệ thống kỹ thuật được thúc đẩy bởi nghiên cứu sinh thái nông nghiệp ngày càng trở nên rõ ràng, thúc đẩy toàn diện việc thực hiện nhiều chức năng như chức năng sinh thái, chức năng sản xuất và chức năng xã hội, và thúc đẩy toàn diện sự liên kết giữa sản xuất nông nghiệp, sinh thái nông thôn và đời sống nông dân. Trên thế giới, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ ngày càng diễn ra mạnh mẽ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng, giảm thiểu những rủi ro của biến đổi khí hậu và những rủi ro khác về thị trường. Nông nghiệp sinh thái là hướng đi tất yếu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững khi cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc sinh thái, xã hội vào việc quản lý các hệ thống nông nghiệp, lương thực và thực phẩm; tối ưu hóa quan hệ và hiệu quả tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường; đồng thời, chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để đạt được hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

2. Các lý luận về nông nghiệp sinh thái

2.1. Khái niệm nông nghiệp sinh thái 

Nông nghiệp sinh thái là hình mẫu xanh của phát triển nông nghiệp hiện đại và là thực tiễn sinh động thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh và nông nghiệp bền vững. Năm 1989, học giả Ma Shijun từ Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Môi trường Sinh thái thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã chỉ ra rõ ràng rằng “thuật ngữ ‘nông nghiệp sinh thái’ là tên viết tắt của kỹ thuật sinh thái nông nghiệp”. Nông nghiệp sinh thái có thể được định nghĩa là việc sử dụng các nguyên tắc sinh thái, kinh tế sinh thái và phương pháp kỹ thuật hệ thống, điều chỉnh các biện pháp phù hợp với điều kiện của địa phương để sử dụng các thiết bị khoa học công nghệ hiện đại và phương thức quản lý vận hành, kết hợp với bản chất của nông nghiệp truyền thống, nêu bật các yêu cầu “toàn vẹn, phối hợp, lưu thông và tái tạo”, tổ chức hợp lý sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đạt được chất lượng cao, năng suất cao, hiệu quả cao, sinh thái, an toàn và để đạt được sự thống nhất hữu cơ về lợi ích kinh tế, sinh thái và xã hội (Song Cheng Jun và cộng sự, 2022).

“Nền nông nghiệp sinh thái là nền nông nghiệp kết hợp hài hòa những ưu điểm, tích cực của hai nền nông nghiệp: nông nghiệp hóa học và nông nghiệp hữu cơ một cách hợp lý và có chọn lọc nhằm: thỏa mãn nhu cầu hiện tại nhưng không gây hại đến các nhu cầu của các thế hệ tương lai (nông nghiệp bền vững); thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng của con người về sản phẩm nông nghiệp, nghĩa là phải đạt năng suất cao, phẩm chất nông sản tốt với mức đầu tư vật chất ít và hiệu quả kinh tế cao” (Lê Văn Khoa, 1999). 

Nông nghiệp sinh thái kết hợp giữa các phương pháp truyền thống và hiện đại cũng như khoa học để đem lại lợi ích cho môi trường và nâng cao mối quan hệ bình đẳng, chất lượng cuộc sống tốt cho tất cả bộ phận có liên quan (World Board T3/2008 – IFOAM). Và ở một mức độ nào đó, nông nghiệp sinh thái còn nhằm mục đích tạo ra một cộng đồng hợp tác xã nơi mà con người và tự nhiên ủng hộ sự phát triển và tồn vong của nhân loại trong khi vẫn tôn trọng thế giới phi nhân loại (Tian Shi, 2002).

2.2. Đặc điểm của Nông nghiệp sinh thái 

Nông nghiệp sinh thái gồm những đặc điểm sau:

Một là, tính đa dạng: Nông nghiệp sinh thái nhấn mạnh tính đa dạng của các hệ thống sản xuất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi vẫn bảo tồn, bảo vệ và tăng cường được các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái có tính đa dạng cao, như các hệ thống nông, lâm kết hợp; nông, lâm kết hợp trồng xen thức ăn gia súc, kết hợp trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản và nuôi trồng đa canh, góp phần tạo ra một loạt các lợi ích về sản xuất, kinh tế - xã hội, dinh dưỡng và môi trường. 

Hai là, nông nghiệp sinh thái gắn liền với kinh tế sinh thái và coi kinh tế sinh thái là cốt lõi lý thuyết: Các học giả Trung Quốc đã mô tả nông nghiệp sinh thái như một hệ thống kinh tế - sinh thái - nông nghiệp toàn diện, trong đó sản xuất và phát triển nông nghiệp được chỉ đạo, tổ chức và quản lý dưới các lý thuyết của kinh tế sinh thái cùng các cách tiếp cận kỹ thuật (Ma, 1988; Jiang và Shu, 1996; Qu và cộng sự, 1997; Shi, 2001). Để đạt được những hiệu quả kinh tế, sinh thái và môi trường, nông nghiệp sinh thái cần phải tiến hành hợp tác liên ngành và nỗ lực đa ngành. 

Ba là, tính cộng hưởng: nông nghiệp sinh thái chú trọng xây dựng mối quan hệ cộng hưởng dựa trên việc thiết kế các hệ thống đa dạng được kết hợp có chọn lọc các loại cây trồng, vật nuôi, đất, nước và các thành phần khác trong trang trại và cảnh quan nông nghiệp để tăng cường quan hệ cộng hưởng trong bối cảnh khí hậu ngày càng biến đổi.

Ví dụ: Trồng thêm rau húng quế để bảo vệ đất đồng thời giảm thiểu sự thoát hơi nước của đất trồng. Trồng thêm tre ở bờ ao nuôi cá để hạn chế xói mòn đất… 

Bốn là, tính hiệu quả: nông nghiệp sinh thái chú trọng tới tính hiệu quả thông qua việc tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên đất, nước, không khí, năng lượng mặt trời... Nông nghiệp sinh thái ít sử dụng các nguồn lực bên ngoài có hại cho môi trường, từ đó giảm chi phí và các tác động tiêu cực đến môi trường.
Khác với nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp sinh thái phụ thuộc rất nhiều vào phân hữu cơ và phân chuồng để duy trì năng suất đất, phục vụ cho nhu cầu sử dụng lâu dài (Witter và cộng sự ., 1987).

Vì vậy, cần có những bước thử nghiệm và thay đổi dần trong giai đoạn đầu. Những sự thay đổi này nếu thành công sẽ có sự ảnh hưởng rất to lớn đến việc làm nông nghiệp suốt thời kỳ sau này. Còn nếu không may “thất bại" - cũng sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. 

Năm là, sự tái chế: nông nghiệp sinh thái chú trọng tới việc bắt chước các hệ sinh thái tự nhiên, các thực hành nông nghiệp sinh thái hỗ trợ các tiến trình sinh học thúc đẩy việc tái chu chuyển các chất dinh dưỡng, sinh khối và nước trong các hệ thống sản xuất.

Sáu là, sức chống chịu: nông nghiệp sinh thái giúp tăng cường khả năng chống chịu về mặt sinh thái và kinh tế - xã hội, tăng cường khả năng phục hồi sau thiên tai, như hạn hán, bão, lũ và chống lại sự tấn công của sâu bệnh. Đa dạng hóa giúp giảm bớt mức độ dễ bị tổn thương cho người sản xuất trong trường hợp thất bại với mỗi loại cây trồng hoặc mặt hàng; đồng thời, giảm thiểu việc phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào bên ngoài giúp hộ sản xuất tăng khả năng tự chủ và giảm mức độ dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế.

Bảy là, giá trị xã hội nhân văn: nông nghiệp sinh thái tập trung vào các giá trị xã hội và con người, như nhân phẩm, công bằng, bao trùm và công lý. Các giá trị này đều góp phần tạo nên các sinh kế bền vững. Nông nghiệp sinh thái đặt nguyện vọng và nhu cầu của người sản xuất, phân phối và tiêu dùng lương thực, thực phẩm làm trung tâm của hệ thống lương thực. Nông nghiệp sinh thái cũng nhấn mạnh giải quyết bất bình đẳng bằng cách tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ và thanh niên.

2.3. Lợi ích của nông nghiệp sinh thái 

2.3.1. Lợi ích đối với yếu tố đầu vào

Nông nghiệp sinh thái sử dụng các kỹ thuật như luân canh cây trồng và canh tác trên đất hợp lý nên tăng chất lượng của đất, chống xói mòn, tối đa tính hữu ích của đất.

Xói mòn đất là vấn đề thường gặp ở vùng núi, nó làm cho chất lượng đất và chất lượng nước dưới hạ lưu suy giảm. Các biện pháp kĩ thuật nông nghiệp sinh thái như che phủ bề mặt đất (Abrisqueta và cộng sự, 2007), trồng hàng rào (Shen và cộng sự, 2013), cải tạo đất dốc vào ruộng bậc thang có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết các vấn đề về tổn thất nitơ và photpho ở các vùng đất canh tác dốc (Shen và cộng sự, 2013).

Ngoài ra, nông nghiệp sinh thái góp phần làm giảm việc sử dụng năng lượng. Hiện nay con người sử dụng 10cal năng lượng hóa thạch mới tạo ra 1cal năng lượng thực phẩm, việc sử dụng cây trồng phát triển bằng phương pháp hữu cơ sẽ giảm 25% năng lượng sử dụng bằng phương pháp hóa học. Hơn nữa, giảm việc sử dụng năng lượng hóa thạch, thay thế bằng các dạng năng lượng tái tạo được (gió, nước, mặt trời,...), năng lượng từ biogas.

Do không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu nên thực phẩm sản xuất ra được coi là an toàn cho con người và có thành phần dinh dưỡng cao hơn.

2.3.2. Đối với nông dân

Về lợi ích đối với người trồng trọt, nông nghiệp sinh thái giúp cho cây trồng khỏe mạnh, kháng được nhiều dịch bệnh cho cây trồng, ví dụ như bệnh vàng lá, năng suất thấp,...

Ngoài ra, nông nghiệp sinh thái sẽ tối thiểu được chi phí đầu tư, do phân bón và thức ăn gia súc được tận dụng nhớ các nguồn tại chỗ. Hơn nữa, xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ trên thế giới hiện nay đang tăng, điều này tạo điều kiện cho các nước đang phát triển, nước nông nghiệp có thể cải thiện thu nhập, tăng lượng sản phẩm xuất khẩu nông sản và sản phẩm nông nghiệp, thu hút nguồn lao động địa phương và giảm sự di cư từ nông thôn ra thành thị. Từ đó, phát triển nông nghiệp và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, hạn chế đô thị hóa quá nhanh diễn ra ở thành phố lớn. Chuyển đổi nông nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, thông qua tăng thu nhập từ các hoạt động phi trồng trọt, đặc biệt ở các nhóm dân tộc thiểu số.

2.3.3. Đối với môi trường

Canh tác theo hướng sinh thái bảo vệ các nguồn tài nguyên khác như tránh nước ngầm bị ô nhiễm do sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học,... hạn chế chất dinh dưỡng hòa tan làm ô nhiễm nguồn nước.

Nông nghiệp sinh thái còn góp phần tăng khả năng thích ứng với sự thay đổi khí hậu, bảo tồn sự đa dạng sinh học và góp phần quản lý chất thải nông nghiệp ra môi trường.

3. Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc

3.1. Sự xuất hiện của nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc 

Trung Quốc là một quốc gia có lịch sử lâu đời về canh tác và sản xuất nông nghiệp, nguồn gốc của nông nghiệp ở Trung Quốc có thể bắt nguồn từ hơn 7000 năm trước đó (Shi ming Luo, Chun ru Han, 1990).

Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, nông nghiệp đã có những bước phát triển cùng với quá trình văn minh của dân tộc Trung Hoa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền nông nghiệp thế giới trong quá trình đó. Có thể nói, nông nghiệp Trung Quốc luôn đi đầu ngay cả trước khi xuất hiện nền nông nghiệp hiện đại trên thế giới và đã thành công trong việc đảm bảo an ninh lương thực và vấn đề dân số ngày càng tăng (Chen và cộng sự, 1989, Ming và Ji, 1991). Song song với sự phát triển của nông nghiệp bền vững,chủ yếu ở những nước phát triển, kể từ đầu những năm 1980, nông nghiệp Trung Quốc đã đổi mới hình thức nông nghiệp sang phát triển nông nghiệp sinh thái dựa trên nông nghiệp truyền thống đã được duy trì hơn 4000 năm (Cheng Xu, 2009). Kinh nghiệm về văn hóa nông nghiệp sinh thái của Trung Quốc được cho là phù hợp với các nước đang phát triển, có mật độ dân số đông đúc, đất nông nghiệp chiếm đa số, điều kiện địa lí phức tạp và bình quân đầu người thấp (Jiang và Shu, 1996).

Tuy nhiên, với sự gia tăng dân số chưa từng thấy trong những năm gần đây, nông nghiệp Trung Quốc buộc phải dựa vào các sản phẩm hóa chất nông nghiệp hiện đại để nâng cao năng suất cây trồng, dẫn đến vấn đề suy thoái và bạc màu đất nông nghiệp (Zhou, 1999). Ở Trung Quốc, mỗi ha đất canh tác phải nuôi 7,5 người (Shi ming Luo, Chun ru Han,1990), đây là vấn đề lớn khi chính phủ Trung Quốc muốn đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia này. Trong một thời gian dài, hiện đại hóa nông nghiệp ở Trung Quốc có nghĩa là “cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học và tưới tiêu đầy đủ”.  Ngoài ra, đã có sự bùng nổ trong các ngành công nghiệp ở nông thôn, dẫn đến diện tích đất trồng trọt bị giảm mạnh và hàng loạt vấn đề về môi trường nông nghiệp. Kết quả là, nông nghiệp Trung Quốc một mặt phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì nguồn cung cấp thực phẩm và chất lượng an toàn thực phẩm ổn định cho người dân, mặt khác cố gắng bảo vệ môi trường đất, tránh tình trạng đất bị suy thoái và bạc màu. Thách thức này là rất lớn vì thực tế là tăng trưởng dân số quá nhanh dẫn đến nhu cầu cải thiện sinh kế của người dân, do đó dẫn đến việc khai thác tài nguyên quá mức (Ye và cộng sự, 1997). Vì vậy, nông nghiệp sinh thái với các mục tiêu thiết yếu là giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, việc làm ở nông thôn, xóa đói giảm nghèo, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã được ủng hộ như một cách tiếp cận khả thi để hiện thực hóa nông nghiệp bền vững ở Trung Quốc.

Việc nỗ lực giảm thiểu các vấn đề nghiêm trọng về tài nguyên và môi trường sinh thái do các biện pháp nông nghiệp thiếu lành mạnh gây ra, Trung Quốc đã có nhiều phương pháp tiếp cận phát triển nông nghiệp bền vững trong thế kỉ XX, đặc biệt là từ những năm 1970. Những phương pháp trên được gọi là “nông nghiệp thay thế” bao gồm nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên , nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sử dụng ít yếu tố đầu vào. Và điểm chung của những phương pháp này là đều nhấn mạnh các yếu tố tự nhiên cũng như các quá trình tự nhiên của hệ thống nông nghiệp, qua đó ủng hộ việc sử dụng tối thiểu hoặc không sử dụng hóa chất độc hại trong canh tác nông nghiệp. 

Vào những năm 1980, một phương thức sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn mới được gọi là nông nghiệp sinh thái Trung Quốc (Chinese ecological agriculture - CEA) đã được triển khai và ứng dụng tại các vùng nông thôn Trung Quốc. Dựa trên những nguyên tắc về sinh thái nhưng vẫn đảm bảo tính kinh tế, nông nghiệp sinh thái Trung Quốc giống như một dự án kỹ thuật mang tính tổng thể, kết hợp nhiều lĩnh vực nông nghiệp khác nhau. 

Năm 2012, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa việc xây dựng văn minh sinh thái vào bố cục tổng thể của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. Trong đó, yêu cầu “xây dựng văn minh sinh thái phải được coi trọng và lồng ghép vào tất cả các lĩnh vực, các khía cạnh và toàn bộ quá trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội”. Báo cáo của Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ ra việc thực hiện chiến lược tái thiết nông thôn và đưa ra các yêu cầu chung về “các ngành công nghiệp phát triển mạnh, môi trường sống sinh thái, phong tục địa phương văn minh, quản lý hiệu quả và cuộc sống thịnh vượng”, trong đó môi trường sống sinh thái là đảm bảo phục hồi sinh thái nông thôn (Theo Báo nhân dân Trung Quốc, 2012).

Việc Trung Quốc thực hiện chiến lược phục hồi nông thôn và thúc đẩy xây dựng nền văn minh sinh thái hiện nay mang lại những cơ hội mới cho sự phát triển nông nghiệp sinh thái. Năm 2017, Văn phòng Tổng hợp Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã ban hành Ý kiến về Đổi mới hệ thống và cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển Nông nghiệp xanh kêu gọi thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh trên toàn quốc, từ đó đưa nền nông nghiệp sinh thái của Trung Quốc sang một giai đoạn mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng và trữ lượng rừng của Trung Quốc đang tiếp tục tăng, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng lên 24,02% và diện tích rừng nhân tạo được bảo tồn đạt 1,314 tỷ mu, đứng đầu thế giới (National Forestry and Grassland Administration, 2023). Và trong thập kỷ qua, cường độ năng lượng của quốc gia này đã giảm 26,4%, Trung Quốc đã trở thành một trong những quốc gia có cường độ năng lượng giảm nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đóng góp khoảng 48% tổng công suất năng lượng tái tạo mới của thế giới vào năm 2022 (International Renewable Energy Agency IRENA, 2022). 

3.2. Vai trò của nông nghiệp sinh thái và quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc

Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã thành công đảm bảo an ninh lương thức cho người dân (chiếm đến 22% dân số toàn cầu) chỉ với 6,5% diện tích đất canh tác trên thế giới và phần lớn của thành công ấy đạt được là nhờ khai thác vốn sinh thái và vốn cộng đồng (Mul-davin, 1996). Đặc biệt là những khu vực đã trải qua quá trình  hiện đại hóa nông nghiệp dựa vào sử dụng những đầu vào bên ngoài. 

Nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc đóng vai trò tiên phong trong phát triển nông nghiệp bền vững, từ khi triển khai ứng dụng nông nghiệp sinh thái, Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm rộng rãi và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc được kết hợp bởi quá trình xây dựng cơ sở nông nghiệp sinh thái hiện đại của Bộ Nông nghiệp và thực tiễn xây dựng nông nghiệp sinh thái trong nhiều năm. Trong đó, quá trình phát triển nông nghiệp phát triển nông nghiệp sinh thái của Trung Quốc trải qua 2 thời kỳ bao gồm: nông nghiệp sinh thái truyền thống và nông nghiệp sinh thái hiện đại. Nông nghiệp sinh thái truyền thống đã mang lại kinh nghiệm sản xuất phong phú cùng với năng suất lương thực tương đối ổn định đối với nông nghiệp Trung Quốc. Còn nông nghiệp sinh thái hiện đại cho tới nay đã trải qua 4 giai đoạn phát triển: giai đoạn 1 (1981-1992) giai đoạn thăm dò và khảo sát; giai đoạn 2 (1993-2004) giai đoạn mở rộng và hợp nhất; giai đoạn 3 (2005-2011) giai đoạn phát triển ổn định và giai đoạn 4 (2012 - đến nay) là giai đoạn đổi mới và phát huy (Song Cheng Jun và cộng sự, 2022).

Mỗi giai đoạn đều có những đặc điểm riêng biệt và những thành tựu mang tính bước ngoặt, tạo nền tảng cho phát triển nông nghiệp bền vững và nông nghiệp xanh tại Trung Quốc.

Ngoài ra, nông nghiệp sinh thái hiện đại của Trung Quốc đã được đưa vào bộ luật năm 1993 và về cơ bản đã hình thành hệ thống ứng dụng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái gồm 5 cấp, trong đó bao gồm 2 tỉnh được thí điểm về nông nghiệp sinh thái, 10 thành phố thí điểm cho nông nghiệp tuần hoàn, 12 cơ sở thí điểm về nông nghiệp sinh thái và 1100 các ngôi làng xanh sạch đẹp (Song Cheng Jun và cộng sự, 2022).

Để thúc đẩy hiệu quả sự phát triển nông nghiệp sinh thái trên toàn quốc, chính phủ Trung Quốc hiểu rằng phải thúc đẩy ứng dụng và thí điểm nông nghiệp sinh thái trên quy mô nhỏ trước, tiến hành mở rộng quy mô dần dần theo hiệu quả đạt được từ mô hình đi trước. 

Nông nghiệp sinh thái Trung Quốc có 3 đặc điểm riêng biệt: tính toàn diện, tính bền vững và tính đa dạng. Ngoài ra, phát triển nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thể chế và các cơ chế đảm bảo phát triển bền vững trong nông nghiệp. Theo xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng nông nghiệp sinh thái tại Trung Quốc đang đổi mới, cải tiến hệ thống, cơ chế, đảm bảo phát triển theo hướng hiệu quả cao, công nghiệp hóa, tiêu chuẩn hóa, thiết thực và đa chức năng, từ đó từng bước thiết lập một nền kinh tế tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường và hệ thống nông nghiệp sinh thái hiện đại theo định hướng bảo tồn sinh thái đặc sắc Trung Quốc, tạo thành mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái tích hợp phát triển sản xuất nông thôn, cuộc sống thịnh vượng và hệ sinh thái tốt, đồng thời giúp tái sinh sinh thái nông thôn Trung Quốc. 

3.3. Sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc trong phát triển nông nghiệp sinh thái 

Không giống với quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái tại các quốc gia phương Tây, khi mà các sáng kiến dựa trên mặt xã hội là cơ sở cho sự phát triển của nông nghiệp sinh thái, ở Trung Quốc, sự can thiệp của Chính phủ và Nhà nước đóng một vai trò cơ bản nhất và mạnh mẽ hơn rất nhiều (Steffanie Scott, Zhen zhong Si và các cộng sự, 2013). Trong khi xu hướng phát triển nông nghiệp sinh thái toàn cầu được cho là phương pháp thay thế cho nông nghiệp công nghiệp thì ở Trung Quốc, nông nghiệp sinh thái được “bình thường hóa” và được sử dụng theo nhiều cách như một phương tiện để củng cố các chính sách ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc đối với công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp. Tức là, nông nghiệp sinh thái ở Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến các phương pháp sản xuất thay thế, hạn chế hoặc không sử dụng hóa chất nông nghiệp thay vì là các hoạt động hỗ trợ nông dân quy mô nhỏ và chuỗi cửa hàng bán lẻ. 

Để đáp ứng nhu cầu của người dân về vấn đề cải thiện chất lượng và an toàn sản phẩm nông sản cùng với các sản phẩm nông sản chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, từ những năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã đề ra các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm xanh, sau đó là thực phẩm hữu cơ và thực phẩm “không nguy hiểm” (gốc: “harard - free”). Thực phẩm đáp ứng một trong ba tiêu chuẩn này đã chiếm hơn một phần tư số lượng nông sản thực phẩm và 90% tổng sản lượng nông sản của Trung Quốc (Paull, 2008; IOSC, 2007).

Năm 1978, hệ thống ruộng đất công được chuyển đổi và cấp quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình ở nông thôn, cơ chế này chính là mấu chốt cho hàng triệu hộ gia đình nông dân ở Trung Quốc thoát nghèo (Zhang và Donaldson, 2008). Bởi nông dân có thể tự bán các sản phẩm nông sản, tăng năng suất nhanh chóng trong sản xuất lương thực, nhưng cũng vì vậy mà tình trạng đất bị xói mòn, bạc màu, chất lượng đất suy giảm nhanh chóng.

Vì vậy sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia được phản ánh qua ba lĩnh vực trong chính sách nông nghiệp của Chính phủ gồm: bảo tồn đất nông nghiệp, hệ thống dự trữ lương thực và hỗ trợ chính sách sâu rộng cho ngành văn hóa nông nghiệp. Ngoài ra chính phủ Trung Quốc còn nhấn mạnh về nâng cao năng suất nông nghiệp thông qua cách mạng xanh, mục tiêu cốt lõi của sản xuất nông nghiệp đã chuyển sang chế độ lấy năng suất làm trung tâm và tập trung vào chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Chuyển từ hỗ trợ nhà nước cho sản xuất lương thực sang hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp sinh thái, đó chính là những bước đi đầu tiên của chính phủ Trung Quốc cho công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững của quốc gia này. 

Vai trò then chốt của chính phủ Trung Quốc là thể chế hóa tiêu chuẩn nông nghiệp sinh thái thông qua việc thiết lập các tiêu chuẩn trong sản xuất và canh tác nông nghiệp, hơn nữa là cấp thủ tục chứng nhận cho sản phẩm xanh, không độc hại và thực phẩm hữu cơ. Chứng nhận là sản phẩm xanh, không độc hại có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp sinh thái. Trung tâm phát triển thực phẩm xanh Trung Quốc (CGFDC) đã được thành lập vào năm 1992, CGFDC đã thiết lập các tiêu chuẩn cho các loại thực phẩm khác nhau và các quy trình sản xuất sản phẩm bao gồm: sản xuất, phân loại, đóng gói, dán nhãn và vận chuyển. Cho đến năm 2010, có hơn 6000 công ty thực phẩm sử dụng nhãn thực phẩm xanh được phê duyệt và hơn 16.000 nhãn thực phẩm xanh được chứng nhận, trong đó 90% thực phẩm xanh được tiêu thụ trong thị trường nội địa (Lin và cộng sự, 2009).

Ngoài vai trò của Chính phủ trong việc thể chế hóa tiêu chuẩn nông nghiệp sinh thái, vai trò quan trọng thứ hai của Chính phủ và Nhà nước Trung Quốc trong phát triển nông nghiệp sinh thái là cung cấp các chính sách hỗ trợ. Các chính sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính quyền cấp tỉnh và địa phương, bởi thúc đẩy nông nghiệp sinh thái địa phương chính là tiềm năng tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Những hỗ trợ của chính quyền địa phương Trung Quốc đối với nông nghiệp sinh thái bao gồm: quản lý tiêu chuẩn và kiểm tra, đầu tư hình thành các khu nông nghiệp sinh thái, vườn nông nghiệp hữu cơ, cung cấp việc chứng nhận thực phẩm hữu cơ, thực phẩm xanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tổ chức hội chợ và các hình thức quảng bá sản phẩm khác; thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái; cung cấp các khoản vay với lãi suất thấp hoặc miễn lãi đối với việc canh tác nông nghiệp sinh thái. Phát triển sinh thái được ưu tiên như một phần không thể thiếu trong sự nghiệp phát triển của Trung Quốc. Dưới sự dẫn dắt của khái niệm văn minh sinh thái, Trung Quốc đã đầu tư hơn 100 tỷ nhân dân tệ trong thập kỷ qua để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và môi trường. Trong kể hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016-2020), chính quyền trung ương đã phân bổ gần 200 tỷ nhân dân tệ trợ cấp bảo vệ sinh thái hàng năm (Mạng Truyền hình toàn cầu Trung Quốc). 

4. Thực trạng phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam

4.1. Hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam bắt kịp xu thế hiện đại và bền vững

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ hệ thống nông nghiệp thực phẩm dựa trên chuyên biệt cây trồng và chăn nuôi thâm canh sang phát triển các hệ sinh thái nông nghiệp mới (CIFOR, 2016). Các hệ sinh thái nông nghiệp mới hướng tới áp dụng phương pháp canh tác bền vững với sinh thái thay vì sử dụng các sản phẩm hóa chất có sẵn, kết hợp kiến thức khoa học và kinh nghiệm địa phương, đồng thời tập trung vào sự tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường.

Kế hoạch kinh tế xã hội 2021-2025 của Việt Nam có bao gồm nội dung "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu" (Nghị quyết số 16/2021/QH15, Quốc hội) và Chiến lược quốc gia về nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng rõ ràng về các giải pháp sinh thái nông nghiệp.

Ở Việt Nam, một số hệ thống nông nghiệp theo hướng sinh thái đã được triển khai, mang lại hiệu quả và tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái. Các mô hình này đều hướng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát, lãng phí và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Dưới đây là một số mô hình điển hình đã được triển khai trong những năm qua:

Hệ thống vườn - ao - chuồng (VAC): mô hình này được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980. Hệ thống VAC là hệ thống khép kín mà các thành phần trong hệ thống này có liên hệ mật thiết với nhau, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác. Hệ thống VAC là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, thống nhất các khâu, các thành phần, chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng ngoại thành, nông thôn Việt Nam. Đây có thể coi là mô hình nông nghiệp sinh thái ở dạng thức đơn giản nhất và được áp dụng rộng rãi ở nông thôn. 

Hệ thống lúa - tôm, lúa - cá: mô hình sản xuất kết hợp lúa - tôm, lúa - cá là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hữu cơ những năm gần đây. Mô hình này xuất hiện vào những năm đầu thập niên 2000 tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong mô hình này, phụ phẩm từ nuôi tôm, cá sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, phụ phẩm từ sản xuất lúa là nguồn thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình luân canh này, cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Cho đến nay, mô hình này đang được cải biến thành mô hình “lúa thơm - tôm sạch” và “lúa thơm - cá sạch”. Đây chính là sản phẩm của quá trình cùng đổi mới, sáng tạo dựa trên tri thức và điều kiện tự nhiên vùng, miền. Mô hình này được đánh giá là mang lại những hiệu quả, như phát triển nông nghiệp bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái, tạo ra và cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch.

Hệ thống chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer: Trang trại - Thành phẩm - Thức ăn chăn nuôi - Phân bón hữu cơ): mô hình 4F được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn Quế Lâm nhằm xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông qua triển khai các khu tổ hợp chế biến nông sản hữu cơ, kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống nuôi khép kín. Chất thải trong trang trại được thu gom và xử lý để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ trồng trọt, tạo thành quy trình sản xuất nông nghiệp khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây đến đất. Mô hình góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phòng ngừa dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Hệ thống nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái: đây là hệ thống sử dụng nguyên lý cộng hưởng của nông nghiệp sinh thái. Du lịch nông nghiệp sinh thái  là mô hình đang ngày càng được đầu tư và chú trọng ở Việt Nam trong những năm gần đây, tạo nhiều sức hút đối với du khách trong và ngoài nước cũng như gia tăng thu nhập cho người sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, có nhiều mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái triển khai thành công ở Việt Nam, như du lịch nông nghiệp ở Hội An (tỉnh Quảng Nam); du lịch nông nghiệp tại Ba Vì (thành phố Hà Nội), Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Sapa (tỉnh Lào Cai),...

4.2. Một số hạn chế trong triển khai nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Thời gian qua, ở Việt Nam, một số mô hình nông nghiệp sinh thái đã được triển khai, đạt được thành công nhất định. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp sinh thái còn manh mún, chưa có sự liên kết hình thành các chuỗi giá trị, thiếu các tổ, nhóm nông dân, hợp tác xã nông nghiệp sinh thái. Nhiều sản phẩm nông nghiệp sinh thái chưa được chứng nhận, dán nhãn, chưa có doanh nghiệp bao tiêu.

Chỉ số Hiệu quả môi trường của Đại học Yale nhằm đo sức khỏe môi trường và sức sống hệ sinh thái của 180 quốc gia, Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình về sức khỏe môi trường nhưng đứng gần cuối về sức sống của hệ sinh thái so với các nước trong cùng khu vực. Chỉ số năng lực quản lý môi trường của Việt Nam tại thời điểm năm 2020 là 33.4/100, xếp thứ 141/180 trên thế giới (Trung tâm chính sách và luật môi trường Yale, 2020), dù đã có nhiều sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và phát triển kinh tế theo hướng bền vững. Trong 11 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, chỉ số EPI của Việt Nam chỉ xếp trên duy nhất Myanmar, và dưới mức trung bình của khu vực. Vị trí địa lý, nhân khẩu học và khí hậu khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất ở châu Á trước biến đổi khí hậu.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong thời gian tới, cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

4.2.1. Hạn chế trong tư duy sản xuất nông nghiệp 

Thứ nhất, hiện nay, tư duy sản xuất theo nông nghiệp sinh thái còn chưa phổ biến. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, sản xuất chưa bắt kịp những thay đổi nhanh chóng về thị hiếu tiêu dùng ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Thói quen canh tác thâm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học khiến cho nguy cơ gây suy thoái môi trường gia tăng.

Theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới (2017), với trên 7 triệu ha đất trồng trọt, mỗi năm nước ta sử dụng 2,5 – 3 triệu tấn phân bón vô cơ, với khả năng hấp thụ cho cây trồng chỉ từ 30,5 đến 50%. Lượng phân bón không được hấp thụ tồn dư trong đất lớn, đó là chưa kể, lượng phân bón sử dụng quá nhu cầu của cây trồng làm tăng nguy cơ dịch bệnh, từ đó phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật hơn. Chi phí phân bón chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất, nên hàng năm lãng phí khoảng 130 triệu USD do thải ra môi trường (đất, nước, không khí) từ 865.000 tấn tồn dư của phân bón hóa học mà cây trồng không hấp thu được.

Việc sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt mặc dù đã được đẩy mạnh, nhưng tỷ lệ áp dụng còn hạn chế do giá bán của các sản phẩm dán nhãn VietGAP, hữu cơ chưa tương xứng với đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn này. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 170 nghìn héc-ta, diện tích trồng trọt đạt chứng nhận tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, GlobalGAP và chứng nhận tương đương chỉ đạt 10%.

4.2.2. Năng lực và quy mô doanh nghiệp nông nghiệp còn nhiều hạn chế 

Thứ hai, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Nông nghiệp là ngành sản xuất có lợi nhuận không cao và thường phải đối diện với nhiều loại rủi ro như thiên tai. Ngoài ra, thị trường nông sản cũng có tính rủi ro và bất ổn cao. Đây là một trong những yếu tố cản trở doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp và tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. 

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số các doanh nghiệp cả nước, có tới 95% doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Lĩnh vực này tại Việt Nam cũng thu hút chưa đến 1% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi mức trung bình trên thế giới vào khoảng 3%. Tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ đạt 3,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng rất thấp trong tổng vốn FDI vào Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư cũng chưa nhiều, trong đó các nước như Đài Loan, quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan đã chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2020). Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nông nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao nên khó có tiềm lực để nhân rộng các mô hình nông nghiệp sinh thái. Đây là những thách thức lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp.

4.2.3. Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp sinh thái

Hạn chế về chuyển đổi khoa học công nghệ và ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp sinh thái. Với quy mô của nông nghiệp Việt Nam sử dụng các phương pháp truyền thống nhằm tăng nguồn lực đầu vào và lực lượng lao động để đạt được hiệu quả về mặt năng suất nông phẩm không thể giúp nền kinh tế nông nghiệp đạt được sự phát triển bền vững. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia (2018), tổng lượng nước thải phát sinh trong chăn nuôi ở Việt Nam lên đến 6,66 triệu m3/ngày.Cả nước hiện có 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình, 18.000 trang trại chăn nuôi tập trung, song mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10% và chỉ 0,6% số hộ có cam kết bảo vệ môi trường. Vẫn còn khoảng 23% số hộ chăn nuôi không xử lý chất thải bằng bất kỳ phương pháp nào mà xả thẳng ra môi trường bên ngoài (Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam, 2021). 

Vì vậy, chúng ta bắt buộc phải chuyển đổi phương thức sản xuất sang con đường công nghệ và sử dụng những yếu tố không gây hại cho môi trường để phát triển nông nghiệp sinh thái. 

4.2.4. Thiếu sự gắn kết trong chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái 

Thứ tư, hiện nay, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở Việt Nam còn tương đối lỏng lẻo, các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái hầu hết chỉ dừng lại ở các mô hình nhưng chưa được nhân rộng. Nguyên nhân chính là do liên kết hợp tác chưa mạnh, thiếu gắn kết giữa các tác nhân trong chuỗi. Việc chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và các tác nhân khác trong chuỗi giá trị chưa đạt được sự đồng thuận nhất định, khiến tình trạng tham gia liên kết còn ít, tình trạng bẻ kèo, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn diễn ra phổ biến.

4.2.5. Chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái 

Thứ năm, quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái đòi hỏi sự vào cuộc giữa các bộ, ngành, lĩnh vực và các bên liên quan. Chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp sinh thái cần được lồng ghép ở nhiều cấp độ (địa phương, quốc gia và quốc tế) và lĩnh vực (từ nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường). Hiện nay, động lực từ các chính sách thúc đẩy các hệ thống sản xuất nông nghiệp chưa đủ lớn để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho nông nghiệp sinh thái và các phương pháp tiếp cận nông nghiệp bền vững khác có tính đến yếu tố bên ngoài của hệ thống thực phẩm.

5. Giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam

5.1. Việt Nam cần hướng tới những giá trị xanh

Việt Nam cần thay đổi chi tiêu công trong nông nghiệp, cần chuyển dịch cơ cấu sở hữu đất đai để giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ lẻ manh mún. Nông nghiệp sinh thái Trung Quốc đã thực sự có thể mang lại những lợi ích đáng kể về mặt kinh tế và môi trường, tuy nhiên cần phải xét đến một yếu tố quan trọng - canh tác hộ gia đình quy mô nhỏ. Các nhà phát triển nông nghiệp sinh thái Trung Quốc đã phân tích rằng nếu nông nghiệp sinh thái muốn phát triển thì phải khuyến khích thực hiện canh tác và sản xuất nông nghiệp  mang tính tập thể hơn, như đã được áp dụng ở các làng xã ở một số khu vực giàu có hơn ở nông thôn Trung Quốc (Richard Sanders, 2010).

Các giải pháp về công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn dọc theo chuỗi giá trị. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các quy trình và giải pháp một cách khoa học để đảm bảo sản xuất và cung ứng cho người tiêu dùng, hơn nữa là đầu tư vào giáo dục và khuyến khích nghiên cứu khoa học về chủ đề nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp bền vững.
Bài học kinh nghiệm quý báu Việt Nam học được trong phát triển nông nghiệp sinh thái của Trung Quốc đó là cách chính phủ Trung Quốc đầu tư công vào nông nghiệp đúng hướng, hướng tới nông nghiệp xanh và tích cực ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chẳng hạn như hệ thống cấp nước, hệ thống thu hoạch, thiết bị chế biến và bảo quản nông phẩm. Muốn được như vậy, Trung Quốc trước đã giải quyết thành công những vấn đề về nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ gây cản trở phát triển nông nghiệp quy mô lớn. 

Trung Quốc đã phải trả giá đắt cho việc tăng trưởng sản lượng lương thực trong những năm trước bằng sự suy thoái tài nguyên và môi trường đe dọa tới phát triển bền vững. Để chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải, Trung Quốc đã ban hành chiến lược Dự trữ thực phẩm trong công nghệ từ năm 2015. Điểm nổi bật trong chiến lược là việc nâng cao, đổi mới năng lực nghiên cứu và phát triển, cụ thể là công nghệ sinh học và công nghệ kỹ thuật số. Chiến lược dự trữ thực phẩm trong đất từ năm 2015 của Trung Quốc đã đặt ra giới hạn về canh tác đất và đẩy mạnh cải thiện chất lượng đất đai dựa trên việc xây dựng các nông trại tiêu chuẩn cao.

Do đó, điều quan trọng là ngành nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và bền vững, từ tư duy khai thác sang tư duy nuôi dưỡng, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”.

5.2. Chính phủ Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong triển khai nông nghiệp sinh thái tại các địa phương

Hiện nay, có thể thấy ở nông nghiệp sinh thái Việt Nam với mắt xích yếu nhất đó là thiếu năng lực quản lý và thể chế để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái vượt ra khỏi cấp độ hộ gia đình. Như đã đề cập ở trên, Chính phủ Trung Quốc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể chế hóa các tiêu chuẩn nông nghiệp sinh thái và mang nông nghiệp sinh thái về áp dụng tại từng địa phương. Còn ở Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ Blockchain nhằm truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, sản phẩm vẫn chưa được áp dụng nhiều. Chính vì vậy, để ứng dụng rộng rãi công nghệ này, thời gian tới, cần có được khung pháp lý và môi trường thể chế thuận lợi cho Blockchain phát triển. Trước tiên, cần xác định đây là mục tiêu dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc trong dài hạn của Nhà nước. Hành lang pháp lý quy định về tự động hoá, số hóa các quy trình thủ tục liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp theo là, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cả hoạt động, quy trình cũng như tài chính (chính sách cắt giảm thuế, hỗ trợ vốn vay)… đối với một nhóm các doanh nghiệp tiên phong, từ đó tạo thành một môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp khác cũng như các chủ thể khác của nền kinh tế tận dụng đà tăng tốc phát triển. 

Một nghịch lý có thể dễ dàng nhận thấy được, đó là việc triển khai, thí điểm cho nông nghiệp sinh thái thì hoạt động rất tốt nhưng cho đến nay, việc chuyển đổi từ văn hóa nông nghiệp truyền thống sang văn hóa nông nghiệp bền vững còn tồn tại rất nhiều bất cập. Các nhà hoạch định chính sách của nông nghiệp sinh thái Trung Quốc rất hạn chế thí nghiệm cải cách nông nghiệp quy mô lớn mà thay vào đó là thử nghiệm ở quy mô nhỏ cấp địa phương, chỉ sau khi thí nghiệm được một chính sách chuyển đổi mang lại thành công mới được tiến hành ở cấp độ khu vực rộng lớn hơn. Với phương châm “dò đá qua sông” như vậy, Trung Quốc tỏ ra rất chậm rãi và từ từ trong việc thí điểm các phương pháp canh tác và sản xuất nông nghiệp sinh thái. Nhưng không vì vậy mà Trung Quốc dễ dàng từ bỏ mỗi khi thí điểm thất bại, ngược lại họ luôn kiên trì để tìm ra những hướng đi mới cho nông nghiệp sinh thái của quốc gia mình. 

5.3. Việt Nam cần nỗ lực chấn hưng nông thôn, tạo điểm tựa cho nông nghiệp sinh thái thông qua du lịch nông nghiệp sinh thái

Theo đài CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc) ngày 11/10/2023 với chuyên mục “Du lịch và phục hồi nông thôn”, trong việc xem xét các các địa phương Trung Quốc nỗ lực  xây dựng vùng nông thôn mới đáng sống dựa trên nguồn tài nguyên có sẵn, đã khẳng định rằng Trung Quốc đã làm rất tốt trong việc chấn hưng nông thôn. Núi Vạn Phong ở thành phố Hưng Nghĩa, Quý Châu là đại diện tiêu biểu của địa hình núi đá vôi, ở đây có tổng cộng 8 làng hành chính. Những năm gần đây, vùng này đã phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên, ngoài ra núi Vạn Phong cũng xây dựng tốt hành lang công nghiệp sinh thái ven sông mới. Điều đó đã tạo nên hiệu ứng rất tốt trong việc chấn hưng nông thôn, xây dựng môi trường nông thôn mới với tiêu chí “xanh” nhờ du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp sinh thái. 

Một khía cạnh quan trọng về ảnh hưởng của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái Trung Quốc đến từ các chính sách không nhắm trực tiếp vào nông nghiệp sinh thái, trong đó bao gồm sự can thiệp của nhà nước vào du lịch nông nghiệp sinh thái, tập trung đất đai và xây dựng nông thôn mới (Steffanie Scott và cộng sự, 2013).Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái của Trung Quốc có thể được coi là phương án giúp giảm thiểu hoặc loại bỏ những rủi ro về mặt tài chính cho nông dân thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp đa chức năng. Du lịch nông nghiệp sinh thái đã chiếm một vị trí quan trọng trong các chính sách công ở Trung Quốc, nó như một chiến lược của chính quyền địa phương nhằm phát triển và xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái như một cơ chế nhằm giải quyết khoảng cách ngày càng tăng về sinh kế giữa nông thôn và thành thị, nó góp phần liên kết nông nghiệp sinh thái với khả năng phát triển kinh tế sinh thái tại nông thôn (Brodt và công sự, 2006).

Hệ sinh thái tốt đã trở thành điểm hỗ trợ vững chắc cho quá trình tái thiết nông thôn và các địa phương nên tiến hành theo chiều sâu tùy thuộc vào điều kiện khách quan của từng vùng.  Không chỉ nông nghiệp, mà việc Việt Nam ứng dụng du lịch sinh thái còn rất nhiều hạn chế. Nông nghiệp sinh thái Việt Nam có thể giống với mô hình tại Trung Quốc, có mối liên hệ mạnh mẽ với du lịch sinh thái. Từ đó lấy môi trường sinh thái làm điểm tựa, tạo nên sự “xanh, sạch, đẹp” và trở thành một yếu tố quan trọng thu hút du lịch, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển nông nghiệp sinh thái và kinh tế sinh thái bởi du lịch nông nghiệp sinh thái là bước ngoặt để đạt được những mục tiêu này, và ngược lại, phát triển nông nghiệp sinh thái là điểm khởi đầu cho du lịch nông nghiệp (Tao và cộng sự, 2010).

Và một khuyến nghị cho Việt Nam khi phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái tại địa phương đó là tạo cơ hội cho các hộ gia đình và hợp tác xã vận hành những dự án du lịch sinh thái. Bởi điều này sẽ tạo cơ hội cho hợp tác xã và các nông hộ tăng thu nhập, giảm các rủi ro về mặt tài chính và mở rộng các kênh thị trường. 

5.4. Đẩy mạnh thành phần kinh tế tư nhân trong nông nghiệp sinh thái

Việt Nam cần phải đưa ra các chính sách khuyến khích, ủng hộ khu vực tư nhân tham gia vào nông nghiệp sinh thái. Tức cần trả lời câu hỏi khu vực tư nhân cần làm gì và khu vực công sẽ có những hỗ trợ như thế nào trong quá trình tăng trưởng do khu vực tư nhân làm chủ đạo, dẫn dắt. Điểm hạn chế trong nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam hiện nay là có rất ít doanh nghiệp tư nhân tham gia và đầu tư vào nông nghiệp sinh thái, vì vậy nông nghiệp sinh thái Việt Nam phát triển đa phần là nhờ vào các chính sách của Chính phủ và Nhà nước.

Vì vậy, việc khu vực tư nhân sẵn sàng cung cấp các nguồn lực đầu tư cho các dự án có thể mang lại sự chuyển đổi ở quy mô lớn và đem lại hiệu quả cao hơn cho việc Việt Nam ứng dụng nông nghiệp sinh thái. Hình thành hệ thống các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân (cung cấp đầu vào, chế biến, thương mại) liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường. Phát triển hệ sinh thái ngành hàng gắn kết giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ. Xây dựng và phát triển vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp. đó cũng là bài học mà mô hình nông nghiệp sinh thái ở Trung Quốc đã tiến hành và có hiệu quả rõ rệt. 

6. Kết luận

Như vậy, nông nghiệp sinh thái không đơn giản chỉ là một phương thức canh tác tiến bộ, thuận thiên, mà hơn thế, nó còn là một triết lý sống nhân bản và nhân văn của xã hội loài người; trên thực tế, đó là một quan niệm, một cách tiếp cận làm nông nghiệp hơn là một phương thức canh tác cụ thể mà chúng ta đang nghe, đang thấy hằng ngày như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, v.v… Nông nghiệp sinh thái cũng không loại trừ phân hóa học và các hóa chất phòng chống các loài ‘gây hại’ mà sử dụng chúng một cách hợp lý, có chọn lọc, được thiên nhiên, được sức khỏe của người tiêu dùng và sự an bình của cộng đồng chấp nhận.

Nông nghiệp sinh thái của Việt Nam hiện chưa có những bước tiến lớn, dù vấn đề môi trường và an ninh lương thực đang ngày một đe dọa đến nền nông nghiệp Việt Nam. Việc Việt Nam học hỏi kinh nghiệm và sự thành công của Trung Quốc trong phát triển nông nghiệp sinh thái là điều cần thiết bởi Trung Quốc đã thật sự thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn kể từ khi tiến hành cải cách mở cửa bắt đầu từ nông nghiệp, Trung Quốc đã có những bước đi thận trọng trong việc hướng tới văn minh sinh thái bởi chính vấn đề ô nhiễm môi trường tại nước họ. Tuy nhiên Việt Nam cần dựa vào thực tiễn khách quan và sự khác biệt về các điều kiện của từng vùng miền, địa phương để phát huy điểm mạnh vốn có và khắc phục được những thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là về nông nghiệp./. 

Danh mục tài liệu tham khảo

1.Xinghua Huang, XuZhi Li, “Comprehensive assessment of health and ecological risk of cadminum in agricultural soils across China: A tiered framework”, 2019.

2.Di Wang, Jingying Fu, Xiaolan Xie, “Spatiotemporal evolution of urban- agricultural - ecological space in China and its driving mechanism”, 2022.

3.Linqi Liu, Xin Yue Wang, “The coupling and coordination between food production security and agricultural ecological protection in main food - producing areas of China”, 2023.

4.Hui Xiang, “Economic - ecological services and their trade-offs or synergies of agricultural landscapes in Xiang Xi, central China”, 2023.

5.Xiaochen Yao, Weiwei Chen, “Sustainability and efficiency of water-land-energy-food nexus based on emergy-ecological footprint and data envelopment analysis: Case of an important agriculture and ecological region in Northeast China”, 2022.

6.Hui Xiao Wang, Long Lua Qin, Linlin Huang, “Ecological Agriculture in China: Principles and Applications”, 2007.

7.Guo Yong Wu, Noman Riaz, China’s agricultural ecological efficiency and spatial spillover effect, 2023.

8.Czyżewski, B., Matuszczak, A., & Muntean, Approaching environmental sustainability of agriculture: Environmental burden, eco-efficiency or ecoeffectiveness. Agricultural Economics (czech Republic), 2019.

9.Tian Shi, Moving towards sustainable development: rhetoric, policy and reality of ecological agriculture in China, 2009.

10.Richard Sanders, Political Economy of Chinese Ecological Agriculture: A case study of seven Chinese eco-villages, 2010.

11.Steffanie Scott, Zhen zhong Si, Theresa Schmilas, Aijuan Chen, Contradictions in state- and civil society-driven developments in China’s ecological agriculture sector, 2013.

12.Tian Shi, Ecological agriculture in China: Bridging the gap between rhetoric and practice of sustainability, 2002.

13. Song Cheng Jun, Sun Ren Hua, Shi Zuliang, Xue Yinghao, Wang Jiuchen, Xu Zhiyu, Gao Shangbin, Construction process and development trend of ecological agriculture in China, 2022.

Ngô Thị Hạ (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội)