1. Giới thiệu
Du lịch sinh thái (DLST) là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ tài nguyên môi trường (Quốc Hội, 2017). Nguồn lực du lịch sinh thái có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển du lịch nói chung và DLST nói riêng, nó là cơ sở là tiền đề để hình thành nên chuỗi du lịch. Chính vì vậy, các cơ sở du lịch luôn quan tâm đầu tư cho nguồn lực cho sự phát triển du lịch. Nguồn lực trong phát triển du lịch bao gồm: Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch (Hệ thống giao thông, hạ tầng điện nước, viễn thông, cơ sở vật chất (biển chỉ dẫn du lịch, dịch vụ ăn uống...); Nguồn lực lao động hoạt động du lịch; Khách du lịch. Tuy nhiên, do điều kiện ở mỗi cơ sở du lịch khác nhau nên có mức độ đầu tư về nguồn lực khác nhau, do đó, hình thành nên các điểm du lịch có những đặc thù riêng. Điểm du lịch trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được công nhận theo Quyết định số 417/QĐ-SVHTTDL ngày 17/11/2021. DLST, tại Trường đang trong giai đoạn khởi điểm của phát triển du lịch chưa bài bản, mới chỉ dừng lại ở xây dựng kết cấu hạ tầng cho các hoạt động tham quan du lịch, hoạt động quảng cáo chưa nhiều, chưa có biển chỉ dẫn du lịch (Bản đồ chỉ dẫn khu du lịch; Biển chỉ đường, chỉ hướng; Biển cấm; …). Đặc biệt, chủ yếu mang tính tự phát, và chưa có sự gắn kết với chuỗi quần thể du lịch của tỉnh. Chính vì vậy, để đánh giá nguồn lực cho sự phát triển du lịch, cần nghiên cứu đánh giá nguồn lực tại Trường, từ đó đưa các giải pháp nhằm hoàn thiện nguồn lực cho sự phát triển du lịch tại Trường.
2. Cơ sở lý thuyết
2.1. Khái niệm du lịch sinh thái
Theo Luật du lịch Việt Nam có thể hiểu Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.
DLST là một loại hình du lịch mới và đang có xu hướng phát triển nhanh chóng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) có thể hiểu DLST là loại hình du lịch và tham quan có trách nhiệm với môi trường tại những vùng tương đối còn nguyên sơ để thưởng thức và hiểu biết thiên nhiên (có kèm theo các đặc trưng văn hóa – quá khứ cũng như hiện tại) có hỗ trợ đối với bảo tồn, giảm thiểu các tác động từ du khách, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân địa phương.
Theo Hiệp hội Du lịch Sinh thái (Ecotouriwm Society) DLST là du lịch có trách nhiệm đối với các khu thiên nhiên, nơi môi trường được bảo tồn và lợi ích của nhân dân địa phương được bảo đảm.
Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, hỗ trợ các hoạt động bảo tồn và được quản lý bền vững về mặt sinh thái. Du khách sẽ được hướng dẫn tham quan với những diễn giải cần thiết về môi trường để nâng cao hiểu biết, cảm nhận được giá trị thiên nhiên và văn hóa mà không gây ra những tác động không thể chấp nhận đối với các hệ sinh thái và văn hóa bản địa (Phạm Trung Lương, 2004).
Theo Điều 3, Luật Du lịch Việt Nam 2017 định nghĩa: “DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”.
2.2. Đặc điểm du lịch sinh thái
+ Tính đa ngành: Phát triển DLST thường được tổ chức ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các vùng sinh thái tự nhiên, nhân tạo, nơi tài nguyên thuộc quản lý của các ngành khác nhau theo quy định của pháp luật.
+ Tính đa mục tiêu: Tính đa mục tiêu biểu hiện ở những lợi ích đa dạng của DLST là bảo vệ môi trường và duy trì tính đa dạng sinh học.
+ Tính xã hội hóa: Tính xã hội hóa thể hiện trước hết ở DLST đã thu hút nhiều thành phần trong xã hội tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động nghiên cứu, quản lý và kinh doanh du lịch.
+ Tính thời vụ: Hoạt động DLST gắn liền với thiên nhiên, đặc biệt là dựa trên sự đa dạng sinh học. Mỗi nước, mỗi vùng đều có những yếu tố khi hậu, thời tiết thay đổi theo mùa, điều đó làm cho đặc điểm sinh trưởng của các loài sinh vật theo thời gian trong năm.
+ Tính giáo dục và môi trường: Đây là đặc trương riêng của DLST được tạo ra từ sự khác biệt từ các loại hình du lịch, (Đoàn Thị Quỳnh Dung, 2019).
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp và bộ số liệu điều tra 240 khách du lịch nhằm phân tích nguồn lực phát triển du lịch sinh thái từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện nguồn lực cho sự phát triển du lịch.
4. Kết quả và thảo luận
4.1. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch
Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nằm thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là một trường Đại học có cảnh quan thiên nhiên được xếp vào tốp trường Đại học đẹp nhất phía Bắc. Trường có tổng diện tích tự nhiên 58,9 ha. Diện tích mặt nước khoảng hơn 20ha được sử dụng cho mục đích câu cá giải trí, thư giãn và trải nghiệm có diện tích khoảng 10ha với các loại cá chủ yếu từ 5 -25kg. Du khách đến hồ có thể sử dụng dịch vụ trải nghiệm câu cá thư giãn, nướng cá tại bờ hồ, cắm trại và vui chơi tại bờ hồ hoặc có thể mua cá tại hồ để thưởng thức sản phẩm cá tự nhiên. Phần diện tích mặt nước còn lại được trồng hoa sen, hoa súng và dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ du khách đến thăm quan và trải nghiệm tại trường.
Diện tích đất nông nghiệp gần 6 ha sử dụng cho phát triển nông nghiệp phục vụ cho chuyển giao công nghệ trồng nho và các giống cây trồng khác như: bưởi, quýt, gấc.... Đồng thời, nhà trường trồng các loại hoa. Đến nơi đây chúng ta có thể thăm quan và check in trong các các vườn hoa như: vườn hoa Bafu, Vườn hoa Dã Quỳ, vườn Hoa hồng....
Đặc biệt, điểm nổi bật và hiếm thấy ở khuôn viên trường Đại học đó là sở hữu hệ sinh thái chim nước được bảo tồn hàng chục năm qua với số lượng chim nước khoảng trên 10 nghìn cá thể với 14 loài. Các loài chim nước sinh sống tập trung tại 3 gò đất trên hồ. Diện tích mặt hồ nước bao quanh điểm du lịch rộng khoảng hơn 20ha cùng với nhiều cây xanh mang lại không gian xanh và không khí trong lành rất phù hợp với du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất của trường phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp được thể hiện ở bảng 1.
Bảng 1. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch
Hạng mục |
Đơn vị |
Số lượng |
Tổng diện tích tự nhiên |
ha |
58,9 |
Tổng diện tích phục vụ đào tạo, NCKH |
m2 |
13.948 |
Tổng diện tích mặt nước |
ha |
20 |
Tổng diện tích trồng cây ăn quả, trồng hoa |
ha |
6,0 |
Tổng diện tích phục vụ cho khu vui chơi trẻ em |
ha |
1,0 |
Tổng diện tích sân bóng, nhà thi đấu và sân phục vụ cho tập golf |
m2 |
19.890 |
Nguồn: Trường ĐHNL Bắc Giang (2023)
Trường Đại học NLBG có cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất hiện tại tương đối đáp ứng được yêu cầu của việc đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Hiện nay, trường có 3 trục đường giao thông chính dài 1,6km nằm trong khuôn viên trường được mở rộng và dải alpha thuận lợi cho việc lưu thông các phương tiện, xung quanh các bờ hồ được đổ bê tông 1 cách kiên cố, tạo cảnh quan khang trang, sạch sẽ.
Trên các trục đường chính và các khu vui chơi, khu luyện tập thể dục thể thao và xung quanh bờ hồ được bố trí điện cao áp thắp sáng, xen kẽ điện cao áp trong khuôn viên trường còn lắp đặt 15 cột đèn trang trí, vào buổi tối cảnh quan của trường trở lên lung linh và huyền ảo.
Để thuận lợi cho việc kết lối và lấy thông tin cũng như truyển tải, chia sẻ các thông tin. Bên cạnh đó việc quảng bá hình ảnh của trường ra bên ngoài thì không thể thiếu các điểm truy cập internet. Hiện nay toàn trường có 6 điểm truy cấp Internet với tốc độ cao. Hệ thống internet truy cập không dây đã phủ khắp tất cả các khu vực làm việc, học tập, cũng như khu vui chơi, giải trí. 100% hệ thống máy tính trong nhà trường được nối mạng internet tốc độ cao bằng hệ thống đường truyền cáp quang.
Việc lắp đặt các biển chỉ dẫn, mặc dù chưa đầy đủ nhưng trường cũng đã có các biển chỉ dẫn đối với các khu vực trọng yếu của nhà trường, thuận lợi cho cán bộ nhân viên, người lao động, người học và các khách đến liên hệ làm việc cũng như du khách đến thăm quan được thuận lợi tìm kiếm khu vực mình cần.
Đối với dịch vụ ăn uống hiện nay trong khuôn viên trường có 2 điểm phục vụ dịch vụ ăn uống đó là nhà bếp của cơ quan và căng tin tại khu ký túc xá và 2 điểm phục vụ đồ uống và ăn nhẹ trong trường rất thuận tiện cho du khách đặt cơm, hoặc phục vụ cho các hội nghị được diễn ra tại trường. Trên địa bàn huyện có khoảng gần 20 nhà hàng lớn phục vụ dịch vụ ăn uống và một số nhà hàng phục vụ đồ uống với cảnh quan đẹp rất hợp với du khách muốn trải nghiệm và check in. Bên cạnh đó Trường có vị trí rất gần với thành phố Bắc Giang và thành phố Bắc Ninh nên việc thưởng thức văn hóa ẩm thực rất phong phúc.
Khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ karaoke cũng ngày càng phát triển và hiện đại, từng bước ghi dấu ấn cho du khách muốn nghỉ ngơi khi đến Bắc Giang du lịch nói chung và đến với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp tại huyện Việt Yên và trường ĐHNL Bắc Giang nói riêng.Để có sự đánh giá khách quan về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất chúng tôi tiến hành khảo sát 240 du khách kết quả cho thấy: (1) Dịch vụ ăn uống, trên 8,33% du khách đánh giá khá hài lòng và 37,35% du khách đánh giá hài lòng. Tuy nhiên, 5,42% du khách đánh giá chưa hài lòng về dịch vụ ăn uống, đây cũng là điểm hạn chế của phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp tại trường. (2) Hệ thống bảng chỉ dẫn khá cần thiết trong phát triển du lịch. Vì vậy, Nhà trường cũng đã đầu tư các bảng chỉ dẫn để thuận cho việc thăm quan, trải nghiệm của du khách, tuy nhiên, do nhà trường đang trong giai đoạn đầu của phát triển du lịch nên hiện nay hệ thống bảng chỉ dẫn vẫn chưa thực sự đầy đủ. Theo điều tra có trên 61% du khách hài lòng và rất hài lòng với hệ thống bảng chỉ dẫn. 37,5% tạm hài lòng và vẫn còn 1,25% đánh giá không hài lòng.
Như vậy, Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất của trường như: Diện tích nước mặt, diện tích đất nông nghiệp trồng hoa va cây ăn quả, các trục đường giao thông, các điểm dịch vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí, vườn nho, vườn chim nước, ... hiện nay rất phù hợp và thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Mặc dù, số lượng biển chỉ dẫn, và điểm phát wifi phục vụ du lịch còn hạn chế nhưng với tiềm năng của trường đây không phải là vấn đề quá khó khăn. Chính vì vậy, trong thời gian tới nhà trường, Trung tâm Dịch vụ Giáo dục và Sinh thái môi trường cần quan tâm đầu tư đồng bộ và đầy đủ hơn hệ thống bảng chỉ dẫn để đáp ứng nhu cầu của du khách thăm quan giúp khách thăm quan biết rõ các địa điểm – nơi mình đến.
4.2. Nguồn lực lao động hoạt động du lịch
Để quản lý các hoạt động du lịch ngày 29 tháng 4 năm 2022 nhà trường đã thành lập ban quản lý hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm Bắc - Giang quyết định Số 290/QĐ-ĐHNLBG – TCHC.
Bộ máy quản lý du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp tại Trường có chức năng, nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, lập Quy hoạch, kế hoạch, giám sát quá trình đầu tư đầu tư sản xuất, xây dựng tài nguyên du lịch sinh thái nông nghiệp, nghiệm thu đưa vào sử dụng các tài nguyên du lịch;
Thứ hai, lập kế hoạch dài hạn và hàng năm, phương án, quy chế tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái nông nghiệp;
Thứ ba, tổ chức phối hợp các đơn vị liên quan trong trường để thực hiện các hoạt động cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp;
Thứ tư, tổ chức liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để phát triển nguồn lực, mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật;
Thứ năm, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng giải quyết các vấn đề có liên quan (an ninh trật tự, môi trường…) đến hoạt động trong điểm du lịch.
Thứ sáu, là đầu mối tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Cung cấp địa điểm thực hành, thực tập, rèn nghề cho sinh viên chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và các môn học có liên quan của các ngành đào tạo khác.
Bên cạnh đó, việc khai thác các điểm mạnh và nổi bật về cảnh quan tự nhiên tại trường để phát triển du lịch sinh thái được giao trực tiếp cho Trung tâm Dịch vụ Giáo dục và Sinh thái môi trường tham mưu, tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm và quản lý, khai thác cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch sinh thái của Trường và liên kết với các đơn vị ngoài Trường tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.
Đội ngũ cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Giáo dục và Sinh thái môi trường có kiến thức chuyên sâu cộng với trình độ từ đại học trở lên, (4 thạc sỹ và 1 đại học) cộng với sự nhiệt huyết trong công việc đã và đang từng bước đưa ra những ý tưởng tốt, những dịch vụ tốt nhằm phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp của trường, thu hút nhiều du khách đến thăm quan và trải nghiệm tại trường.
Theo đánh giá của 39 khách du lịch đặt tour tại trường bảng 3.4 cho thấy có đến 76,92% du khách hài lòng hoặc rất hài lòng với tính hợp lý của lịch trình tour du lịch tại trường. Bên cạnh đó, khảo sát 240 du khách có trên 80% hài lòng, hoặc rất hài lòng đối với thái độ, nghiệp vụ và kiến thức của hướng dẫn viên du lịch. Có gần 50% du khách hài lòng với chất lượng xe và thái độ phục vụ của tài xế, đặc biệt có trên 30% du khách rất hài lòng với thái độ phục vụ của tài xế. Phần nhỏ du khách còn lại là hài lòng với hướng dẫn viên, chất lượng xe và thái độ của tài xế.
Mặc dù nhà trường đã thành lập ban quản lý hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp với đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng cao, nhiệt huyết. Tuy nhiên, cán bộ quản lý du lịch chủ yếu là tận dụng từ đơn vị khác chuyển sang nên kỹ năng hướng dẫn du lịch còn hạn chế, du lịch của nhà trường mới diễn ra nên còn chưa đầu tư tập huấn các kiến thức hướng dẫn du lịch và hướng dẫn viên chuyên nghiệp chưa có.
4.3. Khách du lịch thăm quan, trải nghiệm tại trường.
Ngày 17 tháng 11năm 2021 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 417/QĐ-SVHTTDL Công nhận Điểm du lịch sinh thái Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang. Đến nay, trường đã đón rất nhiều lượt du khách đến thăm quan và trải nghiệm tại trường. Các du khách có độ tuổi, giới tính, trình độ, thu nhập khác nhau.
Bảng 4. Tình hình chung về khách du lịch điều tra năm 2023
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Tỷ lệ (%) |
1. Tuổi |
|
|
|
- Đến 20 tuổi |
Tuổi |
110 |
45,83 |
- Trên 20 đến 30 |
Tuổi |
81 |
33,75 |
- Trên 30 đến 40 |
Tuổi |
34 |
14,16 |
- Trên 40 |
Tuổi |
15 |
6,26 |
2. Giới tính |
|
||
- Nam |
Người |
78 |
32,5 |
- Nữ |
Người |
162 |
67,5 |
3. Trình độ học vấn |
|||
- Cấp 2 trở xuống |
Người |
1 |
0,42 |
- Cấp 3 |
Người |
67 |
27,92 |
- Trung cấp trở lên |
Người |
172 |
71,67 |
4. Nghề nghiệp |
|||
- CNVCNN |
Người |
67 |
29,52 |
- Cơ quan tư nhân |
Người |
20 |
8,81 |
- Tự kinh doanh |
Người |
19 |
8,37 |
- Nông dân |
Người |
1 |
0,44 |
- Công nhân |
Người |
22 |
9,69 |
- Khác |
Người |
98 |
43,17 |
5. Thu nhập hàng tháng |
|||
- Dưới 7 triệu đồng |
Người |
146 |
60,83 |
- Từ 7-12 triệu đồng |
Người |
72 |
30,00 |
- Từ 13 -20 triệu đồng |
Người |
16 |
6,67 |
- Trên 20 triệu đồng |
Người |
6 |
2,50 |
Nguồn: Tống hợp số liệu điều tra (2023)
Tính từ tháng 4 năm 2022 đến tháng 4 năm 2023 trường đã đón khoảng gần 20.000 lượt khách đến thăm quan và trải nghiệm. Du khách đến trường vào cuối tuần và các dịp ngày nghỉ lễ, ngày hè. Họ trong các độ tuổi khác nhau nhưng chủ yếu là các học sinh, sinh viên, công nhân, cán bộ công chức nhà nước. Du khách có độ tuổi từ 16 đến 20 tuổi chiếm 45,83%, du khách trên 20 tuổi đến 30 tuổi chiếm 33,75% và du khách trên 30 tuổi chiếm 20,42%. Du khách có trình độ học vấn từ cấp 3 trở lên chiếm 99,58%.
Du khách đến thăm quan trường chủ yếu là những người có thu nhập dưới 7 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ mức thu nhập này chiếm 60,83%. Du khách đến thăm quan có mức thu nhập từ 7 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng chiếm 30% , còn lại du khách có thu nhập trên 13 triệu đồng/năm chiếm 9,17%.
Kết quả khảo sát 240 du khách về thói quen của khách du lịch (Bảng 3.6) chỉ ra rằng có tới 66,67% du khách được hỏi có mức độ thường xuyên đi du lịch, còn lại là không thường xuyên đi du lịch. Số lần đi du lịch của du khách chủ yếu là 2 lần trong năm chiếm 54,58%, 1 lần/ năm là 34,17%, và 3 lần/năm chiếm 1 tỷ lệ tương đối nhỏ. Thời gian đi du lịch chủ yếu vào cuối tuần chiếm 57,72% và vào ngày hè 24,17%. Số du khách còn lại thường đi du lịch vào ngày lễ và ngày thường. Khách du lịch đến với du lịch tại Đại học Nông - Lâm Bắc Giang chủ yếu tự tổ chức chiếm một tỷ lệ đđáng kể là 91,25%. Chi phí cho chuyến du lịch dưới 3 triệu đồng chiếm 58,16%, từ 3 triệu đến 5 triệu đồng chiếm 22,18%. Điều này cho thấy chi phí cho chuyến du lịch không nhiều so với thu nhập của du khách. Đây cũng được coi là lợi thế thu hút khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm tại khu du lịch sinh thái nông nghiệp tại trường. Hình thức đi theo tour chỉ chiếm 7,08% với chi phí theo tour là trên 5 triệu đồng có kết hợp thăm quan các khu du lịch văn hóa và khu du lịch tâm linh trên địa bàn huyện và các huyện lân cận.
Bảng 5. Đánh giá thói quen du lịch của du khách điều tra năm 2023
Chỉ tiêu |
Đơn vị tính |
Số lượng |
Tỷ lệ (%) |
1. Mức độ thường xuyên du lịch |
|
|
|
- Có |
|
160 |
66,67 |
- Không |
|
80 |
33,33 |
2. Số lần đi du lịch |
|
|
|
- 01 lần /năm |
|
131 |
54,58 |
- 02 lần /năm |
|
82 |
34,17 |
- 03 lần/năm |
|
11 |
4,58 |
- Trên 3 lần/năm |
|
15 |
6,25 |
- Khác |
|
1 |
0,42 |
3. Lần thứ đi du lịch |
|
|
|
- Lần đầu tiên |
|
89 |
37,08 |
- Lần thứ 2 |
|
54 |
22,50 |
- Lần thứ 3 |
|
17 |
7,08 |
- Trên 3 lần |
|
80 |
33,33 |
4. Thời gian đi du lịch |
|
|
|
- Ngày thường |
|
24 |
10,13 |
- Nghỉ hè |
|
58 |
24,17 |
- Lễ, Tết |
|
13 |
5,42 |
- Cuối tuần |
|
142 |
57,72 |
- Thường xuyên |
|
3 |
0,94 |
5. Cách tiếp cận du lịch |
|
|
|
- Báo, tạp chí |
|
6 |
2,51 |
- Internet |
|
73 |
30,54 |
- Dịch vụ du lịch |
|
4 |
1,67 |
- Người thân, bạn bè, đồng nghiệp |
|
151 |
63,18 |
- Khác |
|
5 |
2,09 |
6. Chi phí chuyến đi |
|
|
|
- Theo gói của tour du lịch |
|
37 |
15,48 |
- Dưới 3 triệu đồng |
|
139 |
58,16 |
- Từ 3 – 5 triệu đồng |
|
53 |
22,18 |
- Từ trên 5 triệu đồng |
|
10 |
4,18 |
7. Lý do đến du lịch ở trường |
|
|
|
- Đi du lịch thuần túy |
|
92 |
38,33 |
- Đi học tập, nghiên cứu |
|
58 |
24,17 |
- Kết hợp đi công tác |
|
11 |
4,58 |
- Kết hợp đi thăm người thân, bạn bè |
|
71 |
29,58 |
- Khác |
|
8 |
3,33 |
8. Du lịch cùng ai |
|
|
|
- Đi một mình |
|
21 |
8,79 |
- Đi cùng gia đình |
|
47 |
19,67 |
- Đi cùng bạn bè |
|
150 |
62,76 |
- Đi cùng đồng nghiệp |
|
19 |
7,95 |
- Khác |
|
2 |
0,84 |
9. Hình thức tổ chức chuyến đi |
|
|
|
- Tự tổ chức đi |
|
219 |
91,25 |
- Đi theo tour của công ty du lịch |
|
17 |
7,08 |
- Khác |
|
4 |
1,67 |
Nguồn: Tống hợp số liệu điều tra (2023)
Qua điều tra khách du lịch kênh thông tin khách du lịch biết đến địa điểm du lịch sinh thái tại trường chủ yếu là từ người thân, bạn bè chiếm 63,18%. Có thể nói, đây là một kênh quảng bá quan trọng đưa hình ảnh của trường đến gần với du khách một cách chân thực nhất. Bên cạnh đó, du khách cũng biết đến điểm du lịch sinh thái của trường thông qua mạng internet, có 30,54% trong tổng số 240 du khách biết đến qua kênh này. Mạng internet là một kênh có sức lan tỏa hình ảnh của trường đến với du khách ở các tỉnh lân cận thậm trí cả các tỉnh xa cũng biết đến. 62,76% du khách đến thăm quan du lịch tại khu du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp của trường đi cùng bạn bè. Số du khách kết hợp đi du lịch với thăm người thân, bạn bè chiếm 29,58%. 24,17% du khách đi du lịch kết hợp học tập nghiên cứu. Đặc biệt, du khách đã biết đến khu du lịch sinh thái, du lịch tại trường và lựa chọn là điểm dừng chân cho chuyến thăm quan du lịch của mình chiếm 38,33%. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong việc đầu tư thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm tại trường.
Nhìn chung, du khách đến thăm quan du lịch ở trường chủ yếu trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận đến thăm quan và check in khi vào dịp những vườn hoa nở rộ như: Vườn hoa Bafu, Vườn hoa Dã quỳ, Vườn hoa Hồng và Khổng tú cầu...và thăm và trải nghiệm mô hình trồng nho, ngắm cò và câu cá. Bên cạnh đó trường còn đón rất nhiều các trường Tiểu học, mẫu giáo đến thăm quan, trải nghiệm một ngày làm nông nghiệp, ngắm đảo cò và thăm quan vườn nho. Hiện nay, một số các hội nghị tổng kết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng lựa chọn trường ĐHNL Bắc Giang làm nơi tổ chức hội nghị. Đây cũng là một cơ hội để trường giới thiệu đến với các vị đại biểu về điểm du lịch sinh thái đặc sắc của trường, đưa hình ảnh của trường đến gần hơn với các tỉnh lân cận. Có thể nói, đến nơi đây du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành và được tham quan trải nghiệm những điểm nhấn có giá trị nổi bật của trường. Để phát triển du lịch Nhà trường đã và đang chuẩn bị các dịch vụ lưu trú (homestay nhỏ) để phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Đây sẽ là nơi dừng chân lý tưởng trong chuỗi liên kết du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh chùa Bổ Đà - làng cổ Thổ Hà - điểm du lịch sinh thái Đại học Nông - Lâm Bắc Giang - chùa Vĩnh Nghiêm.
4.4. Các giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại trường
Nhà trường cần tận dụng tối đa Chính sách của địa phương trong phát triển du lịch. Cụ thể, tận dụng chính sách phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 của huyện về tập trung phát triển sản phẩm, loại hình du lịch có chất lượng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, trở thành một trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh của tỉnh theo các không gian du lịch quy hoạch như: Du lịch golf, trải nghiệm ẩm thực, ngắm cảnh kết hợp vui chơi giải trí... Trong đó, cần khai thác hợp lý cảnh quan thiên nhiên, tiếp tục đầu tư các điểm thăm quan, các vườn hoa trong bốn mùa, xây dựng hoàn thiện các khu vui chơi, phát triển dịch vụ ăn uống và các khu nghỉ dưỡng để đáp ứng nhu cầu khách lưu trú trên địa bàn. Hình thành nên khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao giải trí gắn với cảnh quan sinh thái tự nhiên, kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái vùng vườn cây ăn quả đặc sản và du lịch trải nghiệm tại địa phương để du khách đến trường quanh năm thay vì du khách đến du lịch tại huyện và trường Đại Học Nông - Lâm Bắc Giang vào mùa lễ hội hoặc khi vào mùa thu hoạch nho và vườn hoa nở rộ, từ đó hình thành một điểm đến lý tưởng trong tour du lịch.
Tạo dựng được cơ sở vật chất, xây dựng bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.
Nhà trường cần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, trong đó, xây dựng trang web giới thiệu về các điểm du lịch để quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số… Cần có nhiều kênh quảng bá hình ảnh của trường, nên có xây dựng riêng trang web giới thiệu về cảnh quan thiên nhiên, những hình ảnh đẹp, sản phẩm đặc trưng... để giới thiệu về trường đến với du khách. Kết hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên và Công đoàn tổ chức thường xuyên các cuộc thi như: Nét đẹp bafu, hoặc cuộc thi video giới thiệu về trường... không giới hạn đối tượng tham gia. Cần phủ sóng wifi miễn phí cho khách du lịch để phục vụ like stream và share ảnh, ... để nhiều người biết đến điểm du lịch tại trường.
5. Kết luận
Nghiên cứu cho thấy thực trạng nguồn lực phát triển du lịch sinh thái cho thấy cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch hiện nay rất phù hợp và thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Mặc dù, số lượng biển chỉ dẫn, và điểm phát wifi phục vụ du lịch còn hạn chế nhưng với tiềm năng của trường đây không phải là vấn đề quá khó khăn. Nhà trường đã thành lập ban quản lý hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp với đội ngũ cán bộ quản lý chất lượng cao, nhiệt huyết. Tuy nhiên, cán bộ quản lý du lịch chủ yếu là tận dụng từ đơn vị khác chuyển sang nên kỹ năng hướng dẫn du lịch còn hạn chế, du lịch của nhà trường mới diễn ra nên còn chưa đầu tư tập huấn các kiến thức hướng dẫn du lịch và hướng dẫn viên chuyên nghiệp chưa có. Du khách đến thăm quan du lịch ở trường chủ yếu trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận đến thăm quan và check in khi vào dịp những vườn hoa nở rộ. Để hoàn thiện nguồn lực phát triển du lịch các giải pháp cần thực hiện: Nhà trường cần tận dụng tối đa Chính sách của địa phương trong phát triển du lịch, Tạo dựng được cơ sở vật chất, xây dựng bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai, Nhà trường cần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1] Đoàn Thị Quỳnh Dung (2019). Phát triển du lịch sinh thải ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Luận văn thạc sĩ Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng .
[2] Phạm Trung Lương (2004). Du lịch sinh thái - những vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam. NXB Hà Nội.
[3] Quốc hội (2017). Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017.