Cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ứng dụng khoa học công nghệ nhằm số hóa trong mọi công đoạn sản xuất kinh doanh đã trở thành xu thế tất yếu cho các doanh nghiệp. Chuyển đổi số đang mở cánh cửa cho doanh nghiệp bứt phá nhằm nắm bắt lợi thế trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, nhu cầu, tâm lý, thói quen của người dùng và các mô hình sản xuất, kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn của chuyển đổi số đến đời sống xã hội và mọi ngành nghề hiện nay.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: Big data, IoT, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, cũng khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, giáo dục, truyền thông,… Đồng thời, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp,… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút,…
Tham gia quá trình chuyển đổi số, người điều hành sẽ có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: nhân viên ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty. Bởi, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời.
Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022, có đến 48,8% số doanh nghiệp từng chuyển đổi số nhưng hiện không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp. Còn theo tính toán, thực tế chi phí công nghệ trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí cho chuyển đổi số.
Một số đơn vị do thiếu kinh nghiệm cho nên áp dụng cùng lúc nhiều phần mềm, công nghệ, khiến dữ liệu và hệ thống thiếu liên kết, không đồng bộ trong truy xuất, dẫn tới nhiều sai sót, cả hệ thống liên tục trục trặc và khá rời rạc. Những thách thức nêu trên đã từng khiến tiến trình chuyển đổi số tại công ty rơi vào tình cảnh “bế tắc” do không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào cho đúng. Vì vậy, chuyển đổi số đang là một bài toán lớn đặt ra cho toàn bộ doanh nghiệp.
Để giải quyết được bài toán ấy, trước tiên người đứng đầu doanh nghiệp cần phải có tư duy số, hành động số. Tiếp sau đó mới tính đến việc số hóa, đổi mới từ hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số; chuyển đổi từ những kết quả số hóa để xây dựng hệ thống báo cáo quản trị có tính liên kết với cơ sở dữ liệu; cuối cùng là chuyển đổi toàn diện. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số không thành công hoặc nhầm lẫn giữa số hóa dữ liệu với chuyển đổi số, do vướng về vấn đề tài chính và thiếu am hiểu về công nghệ của người đứng đầu doanh nghiệp.
Phát triển nhân lực - yếu tố quyết định
Theo một khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 23,8% số doanh nghiệp được khảo sát biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện; 90% số doanh nghiệp được khảo sát đang cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công.
Chỉ có 11% số doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% số doanh nghiệp còn lại đang “lạc lối” trong quá trình chuyển đổi số với bốn lý do chính như: Nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đều cho rằng, chuyển đổi số là “sân chơi” của những ông lớn.
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa đánh giá, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì việc ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm giá trị kinh tế-xã hội theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang được đánh giá còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng doanh nghiệp chưa đồng đều, trình độ quản lý tương đối thấp, công nghệ số cung cấp chưa đầy đủ,...
Do đó, chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt, đổi mới cả tư duy lẫn hành động, từ cơ quan quản lý cũng như từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ đầu tư về mặt công nghệ, mà còn chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết công tác chuyển đổi số đã có những bước tiến rõ ràng qua 3 năm thực hiện, đồng thời tạo ra làn sóng về chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trên cổng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa SMEdx của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có trên 600.000 doanh nghiệp tiếp cận, tham khảo thông tin về các nền tảng được đăng tải trên đó; và khoảng 70.000 doanh nghiệp sử dụng một trong số các nền tảng của chương trình để chuyển đổi số, chiếm 1/10 số lượng doanh nghiệp.
Do đó, ông Đường cho biết, trên thực tế việc tiến hành chuyển đổi số mới chỉ ở phần nhận thức, thực chất đi vào sử dụng vẫn chưa nhiều. Để chuyển đổi số đi vào thực chất, cuối 2021 Bộ Thông tin truyền thông ban hành Bộ chỉ số đo lường mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm, chỉ có 500 doanh nghiệp tham gia và đăng ký tài khoản trên trang Cổng www.dbi.gov.vn. Trong số những doanh nghiệp đăng ký tài khoản, chỉ có khoảng 400 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ chuyển đổi số của mình và có một số nhỏ, khoảng vài chục doanh nghiệp thực hiện tư vấn đánh giá.
Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 2158/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số (Đề án). Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ về công nghệ, thông tin, tư vấn và đào tạo, hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và các giải pháp, chính sách hỗ trợ khác theo quy định.
Đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ kinh doanh tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Tăng cường xã hội hóa việc hỗ trợ, tham gia đóng góp nguồn lực trong cung ứng sản phẩm dịch vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ chuyển đổi số, các doanh nghiệp đã thích nghi với điều kiện sản xuất kinh doanh trong tình hình mới với sự ra đời các mô hình kinh doanh mới. Nắm bắt xu thế thời đại và các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp sẽ vượt qua thách thức và phát triển bền vững./.