Phát huy nguồn lực từ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số cho doanh nghiệp

Chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo mục tiêu kinh doanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và vận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của doanh nghiệp.
techfest1-1732675666.jpg
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) phát biểu tại Hội thảo.

TECHFEST Việt Nam 2024 là chuỗi sự kiện lớn nhất trong năm của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức từ ngày 26-28/11/2024.

Chuỗi sự kiện không chỉ là nơi để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình mà còn là cầu nối quan trọng để kết nối các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, các các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, Hội thảo "Khai thác nguồn lực từ Chuyển đổi kép (Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh) cho khởi nghiệp sáng tạo" diễn ra vào ngày 26/11, đã thu hút được đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đến phát triển bền vững dựa trên xu hướng chuyển đổi xanh kết hợp với chuyển đổi số.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, với định hướng phát triển công nghệ để hội nhập toàn cầu nhưng phải tuần thủ các tiêu chí phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo đó, chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý mà còn là một công cụ quan trọng để tạo ra giá trị mới, đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường được xem là sự lựa chọn tất yếu và là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực.

Theo ông Phạm Hồng Quất, “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050” và “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như giảm thiểu cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP với mức giảm tối thiểu so với năm 2014 là 15% vào năm 2030 và 30% vào năm 2050.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Chính vì vậy, chuyển đổi kép (chuyển đổi số và chuyển đổi xanh) là một trong những giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo mục tiêu kinh doanh, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và vận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình.

techfest2-1732675666.jpg
TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng cộng đồng Ecotech.

Trong phiên thảo luận “Chuyển đổi kép - Từ chiến lược đến thực tiễn”, TS. Phạm Thị Hồng Phượng – Trưởng cộng đồng Ecotech, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ trường đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Là chuyên gia đã đồng hành, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp, tôi nhận thấy các doanh nghiệp hiện nay rất nhanh nhạy, kịp thời, nắm bắt cơ hội trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới giá trị bao trùm để thay đổi mô hình quản trị, quy trình sản xuất”.

Ông Nguyễn Văn Minh Tâm, quản lý vùng ĐBSL, Công ty TNHH TM Thủy sản ALOFISH, chia sẻ trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đối với các doanh nghiệp là cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, từ việc đầu tư công nghệ đến thay đổi nhận thức nguồn nhân lực. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia cùng cơ quan quản lý để vượt qua những thách thức. Sự hợp tác chặt chẽ sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng, đổi mới và phát triển.

techfest4-1732675665.jpg
Ông Nguyễn Thế Tùng, chủ trang trại Queen Farm.

Đồng tình với chia sẻ trên, ông Nguyễn Thế Tùng, chủ trang trại Queen Farm, Chủ tịch Công ty Công nghệ Of Arm Tech cho biết bản thân đã khởi nghiệp trong hai lĩnh vực: nông nghiệp và công nghệ số. Với nông nghiệp, ông đầu tư nông nghiệp hiện đại với trang trại 55ha đất trồng sầu riêng ở Tây Nguyên. Trang trại quy mô lớn nhưng chỉ cần 13 người canh tác, quản lý bởi chủ yếu áp dụng khoa học công nghệ như hệ thống tưới tiêu thông minh và quản lý dữ liệu, truy suất nguồn gốc đến từng trái. Vào mùa khô năm 2024, nhờ trang trại áp dụng khoa học công nghệ và quản lý bằng phương pháp khoa học nên cây vẫn có đủ nước để tồn tại qua mùa hạn hán.

Theo ông Tùng, nông nghiệp xanh và áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp là hai lĩnh vực gắn bó mật thiết với nhau. Việc áp dụng công nghệ trong sản xuất, như hệ thống tưới tiêu thông minh và quản lý dữ liệu, không chỉ giúp cải thiện năng suất mà còn bảo đảm tính thân thiện với môi trường. Đồng thời, chuyển đổi xanh giúp tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ khách hàng về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Góp ý tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đều chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, phân tích sâu sắc về cơ hội và thách thức mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang đối mặt khi tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng tới một nền kinh tế bền vững./.

Hương Lan