Hội thảo “Chuyển đổi xanh trong sản xuất nông sản, thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu”, được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm SECC, TP. HCM do Bộ Công Thương phối hợp cùng Ủy ban Châu Âu tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Việt Nam Foodexpo) 2024, với sự góp mặt đặc biệt của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi Trường; Ông Jean - Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cùng các cơ quan, ban ngành liên quan cũng như các doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường Châu Âu
Mục tiêu hướng đến của buổi hội thảo là hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trung tâm xúc tiến thương mại, sở ban ngành địa phương Việt Nam cập nhật kiến thức thông qua các chia sẻ từ cơ quan, quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp từ Liên minh Châu Âu và Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm giải pháp và có sự chuẩn bị tốt nhất, vững vàng nhất cho công tác xuất khẩu nông sản và thực phẩm, giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường EU.
Ngoài ra, đích đến của chương trình năm nay còn tập trung cao và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản và thực phẩm Việt Nam trên thị trường Châu Âu, nhằm duy trì sự phát triển bền vững trong thời gian dài hạn. Đồng thời định hướng cho doanh nghiệp trong việc áp dụng các mô hình kinh doanh mới, công nghệ xanh, góp phần vào bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững.
Chứng kiến sự nóng lên của toàn cầu về nhu cầu chuyển hướng sang các mô hình kinh tế xanh, công nghệ sạch và các mô hình kinh tế tuần hoàn, EU và Việt Nam có tầm nhìn chung về phát triển bền vững, tiềm năng hợp tác song phương trong các lĩnh vực như: sản xuất xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydro xanh và năng lượng cao công nghệ là vô cùng lớn.
Trong lời phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã cho biết: “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các cơ quan EU để hổ trợ Việt Nam cộng đồng doanh nghiệp đổi mới chiến lược kinh doanh theo hướng bền vững, thực hiện bộ tiêu chuẩn ESG về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư giữa EU và Việt Nam về công nghệ, nguyên liệu và sản phẩm xanh”.
Trao đổi tham luận tại Hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) đã chỉ ra các thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt từ các rào cản ESG do EU áp đặt, bao gồm Cơ chế Điều chỉnh Carbon Biên giới (CBAM) và Quy định Chống Phá rừng (EUDR). Ông cũng đã đề cập đến “cơn nhức nhối” của toàn cầu với ba khủng hoảng chính đó là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học. Chính vì thế, ông khẳng định đây là thời điểm rất thích hợp và điều cần thiết cho Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế xanh, hướng đến một nền kinh tế ít phát thải, hiệu quả tài nguyên và bền vững.
Tiếp cận sâu vào mục tiêu, ông Laurent Lourdais - Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam chia sẻ về những tiêu chuẩn khắt khe mà EU áp dụng đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt tập trung vào các quy định như CBAM và EUDR. Ông nhấn mạnh rằng để duy trì sự hiện diện trên thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo các tiêu chí về môi trường và xã hội.
Bên cạnh đó, ông khuyến nghị doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, nhằm đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao từ người tiêu dùng Châu Âu.
“Chất lượng, An toàn, Chính hãng và Bền vững” là bốn trụ cột trong chính sách nông nghiệp của EU
Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thương mại nông sản giữa EU và Việt Nam vẫn đang theo chiều hướng tích cực, không chỉ dừng lại ở mức phát triển mạnh mẽ mà còn phát triển nhanh chóng. Điển hình, trong 4 năm qua, tổng thương mại nông sản đã tăng thêm 1,5 tỷ Euro, mang lại lợi ích cho Việt Nam với thặng dư thương mại lên đến hơn 1,8 tỷ Euro. Cùng với đó, đã tăng khoảng 40% về số lượng nông sản xuaaru khẩu từ thị trường Việt Nam kể từ năm 2020.
Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam khi phát triển xuất khẩu, cần lưu ý và nắm vững những yếu tố liên quan mật thiết đến chính sách nông nghiệp của thị trường Châu Âu. Ngành nông sản thực phẩm gần giống như các ngành khác, có trách nhiệm giảm phát thải carbon và phải có sự đóng góp nhất định vào các mục tiêu giảm phát thải, nhằm đạt được mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050.
Chính vì vậy, EU đã thiết lập một số mục tiêu định lượng và không định lượng để làm cho ngành nông nghiệp thực phẩm bền vững hơn và có sự tác động tích cực hơn nữa đến với khí hậu.
Song song đó, dưới góc nhìn của doanh nghiệp Việt Nam, đồng lòng cả hai tập đoàn Vinasy và Betrimex đều khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển bền vững thông qua ứng dụng công nghệ cao và tối ưu hoá tài nguyên, đảm bảo chất lượng và an toàn.
Cụ thể, đại diện Vinasoy nhấn mạnh đầu tư vào quy trình sản xuất không tạo bã (Okara), giúp tối ưu hoá việc sử dụng đậu nành và giảm thiểu lãng phí trong sản xuất sữa thực vật, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh.
Trong khi đó, Betrimex tập trung vào việc tận dụng toàn bộ giá trị của quả dừa, giảm thiểu lãng phí đến mức tối đa, đồng thời triển khai các dự án bù trừ carbon và năng lượng tái tạo. Công ty cũng đẩy mạnh hỗ trợ nông dân thông qua các mô hình canh tác bền vững và số hoá, nhằm gia tăng thu nhập và cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông thôn. Những nỗ lực này không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, khẳng định vị thế của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhìn chung, việc tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp tục hiện diện trên thị trường quốc tế mà còn tạo điều kiện để khai thác hiệu quả hơn các lợi thế sẵn có, nâng cao giá trị gia tăng và uy tín thương hiệu, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và cạnh tranh lâu dài cả thị trường trong nước, và thị trường quốc tế.
Sự thành công của Hội thảo được minh chứng bằng Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Trung tâm Ứngdunjg Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (INTEC) thuộc Cục Xúc tiến Thương mại, Công ty Tridge (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Xúc tiến Thương mại Đa kênh Việt Nam (TOPVN), nhằm thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam thông qua các nền tảng số hiện đại. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một nền kinh tế xanh bền vững, xuất phát từ sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam./.