Chăn nuôi chuyển đổi xanh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế

Nhằm đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và nhu cầu phát triển bền vững của ngành, chuyển đổi sang nền chăn nuôi xanh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
chan-nuoi-xanh-3-1730259523.jpg
Chuyển đổi sang nền chăn nuôi xanh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng ấn tượng vào năm 2023 với mức tăng 3,83%, cao nhất tính từ năm 2019. Trong đó, chiếm hơn 1/4 tỉ trọng ngành nông nghiệp, chăn nuôi Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế.

Cụ thể, năm 2023, tổng sản lượng của ngành chăn nuôi tăng 6,38% so với năm trước đó. Chăn nuôi lợn đứng thứ 6 thế giới về sản lượng, giúp cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi. Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm trước đó. Dự báo, năm 2024, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng so với năm trước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và nguồn tài nguyên hạn hẹp, việc duy trì mô hình chăn nuôi truyền thống đang đặt ra nhiều thách thức.

Theo đó, nhằm đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và nhu cầu phát triển bền vững của ngành, chuyển đổi sang nền chăn nuôi xanh trở thành một xu hướng tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, trong đó tập trung triển khai các mô hình ứng dụng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Các mô hình chăn nuôi an toàn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ đó, tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn được 90 tổ chức, cá nhân tham gia các đề án về chuỗi chăn nuôi. Cụ thể, chuỗi chăn nuôi và chế biến thịt có 15 đơn vị tham gia, bao gồm: 10 đơn vị chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn, 4 đơn vị chăn nuôi gia cầm và 1 đơn vị chăn nuôi bò. Đối với chuỗi chăn nuôi, quy trình chăn nuôi và giết mổ, chế biến sản phẩm được thực hiện khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững.

chan-nuoi-xanh-1-1730259577.jpg
Trang trại chăn nuôi áp dụng quy trình tuần hoàn tại xã Thiện Phiến (Tiên Lữ, Hưng Yên). (Ảnh baohungyen.vn)

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên), từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, chứng nhận duy trì mở rộng VietGAP, VietGAP cho gần 80 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích trên 750 ha, trên 83.000 con gia súc, gia cầm. Nhằm hiện thực hóa đề án, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn đối tượng tham gia đề án; tổ chức tập huấn quy trình sản xuất VietGAP trong chăn nuôi; hỗ trợ hệ thống điện, xử lý chất thải cho các đối tượng tham gia.

Chăn nuôi chuyển dần theo hướng giảm chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường đã góp phần hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Nhận định về xu hướng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học tại địa phương, ông Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, nhằm khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thời gian tới, Sở tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Hiện tại, Sở NN&PTNT cũng đang phối hợp với các địa phương rà soát thực trạng chăn nuôi để xây dựng đề án chăn nuôi xa khu dân cư gắn với giết mổ tập trung để bảo đảm quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

chan-nuoi-xanh-4-1730259611.jpg
C.P. Việt Nam được đánh giá cao về nỗ lực ứng dụng công nghệ và giải pháp phát triển ngành nông nghiệp hướng tới công nghệ cao tại Việt Nam, góp phần thay đổi tư duy của người chăn nuôi. (Ảnh: C.P Việt Nam)

Chuyển đổi xanh hiện nay đã là xu hướng không thể đảo ngược. Trong khi đó, ngành chăn nuôi là một trong các nguồn phát thải khí nhà kính gây căng thẳng thêm cho hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Theo ông TS.Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, hiện trên thế giới, các nước có ngành chăn nuôi phát triển phải kể đến như các nước Bắc Mỹ, Châu Âu, Úc, Newzeland,...

Đây là những nước có lợi thế hơn Việt Nam nhiều. Bởi, họ có những cánh đồng cỏ lớn, họ quan tâm giảm phát thải CH4 nên các lĩnh vực chăn nuôi như bò, dê, cừu cũng phát triển lớn. Thậm chí, có những nước, đàn dê, cừu còn lớn hơn cả dân số của họ. Với nhiều nước, chăn nuôi là nơi họ tập trung các giải pháp giảm phát thải CH4.

Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua trên cả nước có nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành và đang được nhân rộng; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín với quy mô lớn và sản xuất theo hướng tuần hoàn. Tuy nhiên, chăn nuôi tuần hoàn ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho nông nghiệp tuần hoàn.

Quy định pháp luật riêng về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chưa đầy đủ. Vùng nguyên liệu đầu vào để thực hiện tuần hoàn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp chưa ổn định; thiếu hệ thống dữ liệu thông tin phụ phẩm nông nghiệp cho nên việc đánh giá tiềm năng sử dụng ở Việt Nam còn hạn chế.

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, khái niệm tuần hoàn xuất phát từ mô hình kinh tế tuần hoàn, giờ áp dụng vào các ngành nông nghiệp, chăn nuôi. Về văn bản, hiện chúng ta mới được đưa vào văn bản quản lý, về quy phạm vẫn chưa có văn bản bắt buộc trên phạm vi toàn quốc. Chăn nuôi theo quy mô tuần hoàn, đầu ra, đầu vào đánh giá định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu vắng.

Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng quy chuẩn, quy định áp dụng cho các đối tượng chính nhưng chưa thể áp dụng cho các loại vật nuôi. Quy định phải liên quan phải được chứng nhận của các cơ quan nhà nước. Trong đó có thuộc tính bảo vệ môi trường, tiết kiệm về tài nguyên khi sản xuất ra một sản phẩm chăn nuôi./.

Trọng Bình