Nỗ lực xây dựng chuỗi ngành hàng cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, ngày 12/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo Xây dựng ngành hàng và phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh thành phố trồng cà phê, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN), Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nông dân tiêu biểu đã tham gia hội thảo.

Theo báo cáo tại hội thảo, diện tích cà phê của Việt Nam hiện đạt hơn 710.000 ha, cho sản lượng hơn 1,8 triệu tấn. Trong đó, Tây Nguyên chiếm hơn 91% về diện tích và 93% về sản lượng cà phê cả nước. Ngành hàng cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và một số vùng trồng cà phê khác trên cả nước.

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 sau Brazil và đứng thứ nhất về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt trên 4 tỷ USD.

Còn tại Đắk Lắk được xem là thủ phủ cà phê của Việt Nam, với diện tích khoảng 213.000 ha (chiếm trên 30% diện tích cả nước), sản lượng đạt khoảng 558.000 tấn cà phê nhân. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh Đắk Lắk, với giá trị xuất khẩu gần 900 triệu USD/năm chiếm khoảng 55% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Hà, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá, xác định cây cà phê là thế mạnh của ngành kinh tế tỉnh Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh không tăng diện tích cà phê, tập trung tái canh theo kế hoạch và thực hiện phát triển cà phê theo hướng xanh bền vững ở cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong đó, phát triển cà phê chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, thu hút đầu tư vào hoạt động chế biến sâu, tìm kiếm thị trường mới được xem là định hướng quan trọng trong việc nâng cao giá trị ngành hàng cà phê của tỉnh trong giai đoạn tới, ông Hà thông tin.

Tại hội thảo, các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, những năm gần đây, cà phê Việt Nam - Đắk Lắk đã có bước tiến lớn về chất lượng, đặc biệt cà phê Robusta của Việt Nam được công nhận là ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu nên giá trị gia tăng chưa cao.

Chính vì vậy, xây dựng liên kết chuỗi sản xuất cà phê là một trong những hướng đi nhằm phát triển cà phê ổn định và bền vững. Sự liên kết chặt chẽ từ người nông dân đến với các công ty chế biến sẽ tạo nên một dây chuyền sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yếu tố môi trường và phát triển một cách bền vững.

Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê  - Ca cao Việt Nam kiến nghị, cần sớm đưa ra được các tiêu chuẩn của cà phê chất lượng cao.

“Hiện nay Việt Nam đang loay hoay về tiêu chuẩn cà phê chất lượng cao, Hiệp hội đề xuất nên lấy theo tiêu chuẩn của sàn giao dịch London và New Yok để cà phê Đắk Lắk, Kon Tum, Sơn La đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu. Thời gian tới cũng hướng tới sự thay đổi từ tăng sản lượng sang nâng cao chất lượng”, ông Tuấn đề xuất.

haicaphe-1543297082-1678622352.jpg

Ảnh minh họa.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, trong sản xuất cà phê, liên kết chuỗi sản xuất là một trong những hướng đi nhằm phát triển cà phê ổn định và bền vững. Sự liên kết chặt chẽ từ người nông dân đến với các công ty chế biến, sẽ tạo nên một dây chuyền sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng cao, đáp ứng yếu tố môi trường và phát triển một cách bền vững. 

Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản; hỗ trợ công nghệ cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến chế biến sâu, bảo quản để bảo chất lượng cà phê đặc sản có hương vị đặc trưng riêng, đáp ứng nhu cầu ở các thị trường cà phê đặc sản trong nước và quốc tế.

Cùng với đó là xem cà phê là sản phẩm quốc gia và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Đồng thời, xây dựng trung tâm đào tạo ngành cà phê tại Việt Nam, coi nghề cà phê là nghề chuyên nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng cho Tây Nguyên để tạo lợi thế cho hoạt động thương mại, giao thương hàng hóa…

Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ NN&PTNT đề xuất cần tạo ra các vùng nguyên liệu cà phê sạch, bằng kiểm soát và giảm thiểu các chất thải sử dụng năng lượng tái tạo thực hiện nông nghiệp bền vững. “Những sản phẩm cà phê hiện được áp dụng khá tốt. Tuy nhiên những sản phẩm phụ của cà phê cần được đầu tư công nghệ để có thể khai thác tốt hơn phụ phẩm một cách bền vững”, ông Tin định hướng.

Quan tâm đến thách thức của Việt Nam khi phải giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - sinh thái - môi trường trong quá trình xây dựng ngành hàng và phê Việt Nam chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bà Nguyễn Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, ngoài việc hợp pháp trong kinh doanh chế biến cà phê, sản phẩm cà phê chất lượng cao cần đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, liên quan đến sử dụng lao động và yếu tố sử dụng năng lượng tái tạo năng lượng xanh, giảm thiểu carbon.

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương, DN và người sản xuất cà phê cần nhìn nhận việc tăng giá trị cà phê không chỉ ở chế biến tinh, mà còn là giá trị văn hóa tiêu dùng. Do đó, cần xây dựng văn hóa cà phê Việt Nam để dẫn dắt ngành hàng cà phê trở thành một hướng đi tích hợp đa giá trị, mang tính nhân văn, để người trồng cà phê được chia sẻ giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng.

“Cần tích hợp yếu tố văn hoá vào sản xuất, kinh doanh để cộng hưởng làm gia tăng giá trị ngành hàng cà phê. Văn hoá cà phê Việt Nam bắt đầu từ người nông dân, tới các DN và các nhà phân phối để cộng hưởng thành một hình ảnh. Như vậy, chúng ta không chỉ bán cà phê mà bán cả văn hoá, bán cả không gian Tây Nguyên và núi rừng. Chúng ta kéo 1 dòng người đến Tây Nguyên nhiều hơn và đưa Tây Nguyên đi xa hơn bằng thương hiệu chung cà phê Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng.

Thi Nguyên (t/h)