Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại sứ, tổng lãnh sự các nước; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với nhiều kỳ vọng mới, là niềm tin, cũng là khát vọng và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục phát huy tiềm năng - nội lực, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ, để xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển tỉnh Đắk Lắk, cùng các tỉnh Tây Nguyên sánh bước với cả nước trên con đường phát triển...”.
“Trong những ngày tham dự Lễ hội, tôi hy vọng quý vị đại biểu, du khách sẽ có những phút giây trải nghiệm thú vị, được đắm mình trong hương sắc cà phê, hòa mình vào những lễ hội truyền thống độc đáo trong thời khắc đẹp nhất của tháng Ba Tây Nguyên. Đồng thời, tỉnh Đắk Lắk luôn sẵn sàng “kết duyên lành” với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, để những ý tưởng, dự án đầu tư sớm trở thành hiện thực trên vùng đất bazan chan chứa tình người”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói.
Cũng tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, năm 2022 nước ta xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới (sau Brasil) với sản lượng 1,8 triệu tấn. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk chiếm 30% sản lượng. Tuy nhiên, hiện nay cà phê Việt Nam chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến còn hạn chế, còn nhiều thách thức với các thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao.
Trước những thách thức trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các địa phương đẩy mạnh cơ cấu lại ngành cà phê, thực hiện hiệu quả tái canh cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn; xây dựng chuỗi giá trị cà phê; đẩy mạnh công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cần nắm bắt xu thế tiêu dùng của thị trường, phải xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu, maketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của tỉnh. Cần xúc tiến mối quan hệ giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; đa dạng kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản với hương vị đặc thù được chứng nhận quốc tế.
Sau 4 năm do phải tạm hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, người nông dân, người yêu chuộng hương vị cà phê tham quan, thưởng thức, gặp gỡ, trao đổi, liên kết, xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường, qua đó góp phần quan trọng nâng tầm cà phê Việt. Đồng thời cũng là dịp thúc đẩy quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế -xã hội và giao lưu văn hóa, du lịch…
Ngay sau lễ Khai mạc, là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng đất, con người, văn hoá và cà phê Đắk Lắk. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 diễn ra đến hết ngày 14/3/2023.
Một số hình ảnh tại lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8