Những ngày này trên những triền đồi dứa bạt ngàn ở xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu) nông dân đang tranh thủ thời tiết thuận lợi hối hả thu hoạch dứa. Xã Tân Thắng được coi là “vựa dứa” của Nghệ An khi diện tích trồng lên đến 1.200 ha, trong đó, hiện có 650 ha đang cho thu hoạch.
Năm nay, giá dứa tăng cao hơn các năm trước và còn rất dễ bán bởi tư thương đã liên kết, làm hợp đồng đặt cọc thu mua từ trước khi thu hoạch cả tháng. Với mức giá dao động từ 6.000-7.500 đồng/kg tùy loại quả to, nhỏ khác nhau, bình quân mỗi héc-ta trừ hết chi phí cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng/ha, người dân vô cùng phấn khởi. Nguyên nhân khiến giá dứa chính vụ tăng cao là do mới bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Ngoài ra, do những năm trước, giá dứa quả thấp, nông dân giảm diện tích trồng khiến vụ này sản lượng dứa giảm, nguồn cung khan hiếm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thắng Nguyễn Quốc Khánh cho hay: “Toàn xã có gần 400 hộ dân trồng dứa với diện tích hơn 1.200 ha, trong đó hiện có hơn 650 ha dứa đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 25.000 tấn, đem lại nguồn thu không nhỏ. Nhờ cây dứa mà tỷ lệ hộ nghèo của thôn hiện còn 2%.” Hiện nông dân đã làm chủ được quy trình sản xuất dứa để cho ra sản phẩm dứa theo yêu cầu, ngoài ra họ còn mạnh tay đầu tư vào chất lượng giống, hệ thống tấm lưới che nắng cho đồi dứa,... Từ đó, chất lượng, sản lượng dứa ngày càng tăng.
“Các năm trước, giá dứa thấp, đến lúc thu hoạch mới đánh xe đi thu mua, chọn đồi nào ưng ý, đẹp mã, chất lượng tốt thì mua. Còn như vụ này thì phải liên hệ với chủ đồi từ trước, cọc tiền mới có dứa để mua, để cung ứng cho khách. Dứa đắt, bán chạy thì không những nông dân hưởng lợi mà chúng tôi cũng phấn khởi vì chạy hàng, có tiền lãi”, một hộ dân trồng dứa tại xã Quỳnh Châu cho biết.
Dứa năm nay được mùa, được giá không chỉ người dân vui mừng mà các địa phương cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên, về lâu dài các địa phương cần đẩy mạnh kết nối với các nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sản phẩm dứa để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm dứa cho nông dân, đồng thời quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật, tiến tới cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có như vậy thì mới có thể duy trì và phát triển bền vững thương hiệu “Dứa Quỳnh Lưu”./.