Nét đẹp văn hóa xứ Thanh thông qua sản phẩm OCOP (Bài 3):

Mỗi một sản phẩm là những nhịp cầu kết nối văn hóa

Trong hàng trăm sản phẩm OCOP đã được công nhận tại Thanh Hóa, mỗi sản phẩm đều mang trong mình một phần hồn của quê hương. Đó là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa bàn tay khéo léo của người nghệ nhân và sự sáng tạo không ngừng của những chủ thể.
cau-chuyen-van-hoa-1-1727709017.jpg
sản phẩm OCOP bánh tiến vua răng bừa là một món ăn truyền thống đặc sản của xứ Thanh, nổi tiếng với hương vị thơm ngon, dân dã và có một câu chuyện lịch sử vô cùng thú vị.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng viết: "Mỗi món ăn là một tác phẩm nghệ thuật". Và điều ấy đúng hơn bao giờ hết với hàng trăm sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa hiện nay. Mặc dù vẫn còn nhiều OCOP trùng lắp, những mỗi một sản phẩm đều chứa đựng trong mình những câu chuyện về quê hương, gia đình để cùng nhau xây dựng nên một bức tranh đa sắc màu về văn hóa xứ Thanh.

OCOP từ bánh rang bừa tiến vua

Theo sách địa chí xã Xuân Lập và lời kể của những người già làng, bánh lá răng bừa Xuân Lập mang trong mình một câu chuyện lịch sử sâu sắc. Truyền thuyết kể rằng, vào thời vua Lê Đại Hành, khi đất nước vừa trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhà vua đã đích thân xuống đồng cày ruộng để cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa.

Để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng nhà vua, người dân làng Trung Lập, với đôi bàn tay khéo léo, đã tạo ra những chiếc bánh đặc biệt hình răng bừa – công cụ lao động quen thuộc của người nông dân. Hình dáng chiếc bánh không chỉ gợi nhớ đến nghi lễ cày tịch điền mà còn tượng trưng cho sự no ấm, thịnh vượng. Từ đó, bánh lá răng bừa trở thành một nét văn hóa đặc trưng của vùng đất này.

Bánh lá rang bừa được làm từ bột gạo tẻ cùng hành khô, mộc nhĩ, thịt heo xay, bọc trong lá chuối xanh, bánh răng bừa - một món ăn dân dã từng là sản vật dùng để tiến vua ở vùng đất cổ Lam Kinh của xứ Thanh - rất được ưa chuộng dịp Tết. Ngày nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đều làm bánh răng bừa và được làm quanh năm để phục vụ ngày lễ, Tết, phục vụ du khách khi về với xứ Thanh.

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay trên địa bàn tỉnh có 15 sản phẩm bánh lá răng bừa đạt từ 3 đến 4 sao, chủ yếu là ở các huyện có truyền thống làm bánh răng bừa như: bánh lá răng bừa Hà Lai (Hà Trung) 4 sao; bánh lá răng bừa Xuân Lập (Thọ Xuân) 3 sao. Nguyên liệu thuận lợi cùng với nghề truyền thống của địa phương, sự sáng tạo khéo léo của người dân nên bánh lá răng bừa đã nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Mỗi sản phẩm đều mang đến hương vị sản vật quê hương.

Từ khi được OCOP nâng bước, bánh lá răng bừa làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu gia đình, mà còn được mở rộng phát triển mạnh mẽ, trở thành hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hà Lai, cho biết: “Mặc dù thời tiết Tết Nguyên đán 2024 khá khắc nghiệt với cái lạnh buốt giá và những cơn mưa rả rích, nhưng chị em trong HTX vẫn miệt mài gói bánh phục vụ bà con tại quảng trường Lam Sơn suốt 3 ngày. Với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, mỗi ngày, HTX đã cung cấp ra thị trường 1.000 chiếc bánh lá răng bừa thơm ngon. Nhờ đó, thu nhập bình quân của mỗi người đạt tới 300.000 đồng/ngày, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của chị em”.

Từ một góc bếp nhỏ, với bàn tay khéo léo nhào nặn bột gạo, từng đường nét đều chứa đựng kinh nghiệm của bao đời. Chiếc bánh răng bừa không chỉ là món ăn mà còn là cả một câu chuyện về quê hương, về tình yêu với nghề của những người dân xứ Thanh. Ngày nay, nhờ chương trình OCOP, bánh răng bừa không chỉ là đặc sản của địa phương mà còn vươn xa, giới thiệu với bạn bè khắp mọi miền về một nét đẹp văn hóa độc đáo.

Câu chuyện về món ăn bỏ trong ống luồng

Hương thơm nồng nàn của tỏi tươi hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường đỏ, vị cay nồng của ớt chỉ thiên tạo nên một bản giao hưởng hương vị độc đáo. Thêm vào đó, thính ngô và thính đậu rang thơm lừng càng làm tăng thêm sự hấp dẫn cho sản phẩm nem ống luồng OCOP.

cau-chuyen-van-hoa-2-1727709198.jpg
Nem chua ống luồng, một món ăn của người Thái cổ ở Bến En

Nem ống luồng còn được biết đến là nem lợn mán, xuất hiện từ rất lâu tại vùng Bến En, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa, có đặc tính vượt trội hơn so với các loại nem lá khác về khâu bảo quản và vận chuyển.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nem lợn mán có từ rất lâu. Lúc đấy, khu vực Bến En và các vùng lân cận còn nhiều thú rừng, người dân trong bản làng đa số sống bằng nghề săn bắn. Mỗi khi bắn được những con lợn to, ăn không hết, những nhà đồng bào người Thái, người Mường họ lại dồi thị vào các ống tre, nứa để làm thịt chua dự trữ ăn dần.

Tuy nhiên cách làm thịt chua cũng không bảo quản được lâu. Để cho thịt luôn tươi ngon, người dân đã chặt những cây luồng to, không quá già, dùng cưa cắt bỏ hai đầu ống luồng làm hộp dựng. Về phần thịt, trộn đều với thính và một số gia vị rồi cho vào ống, dùng giấy cứng bịt hai đầu ống lại. Nem ống luồng ra đời từ đó.

Ông Lê Hữu An, chủ cơ sở sản xuất nem ống Luồng An Cúc tại khu phố 2, thị trấn Bến Sung, Như Thanh cho hay, “Về lịch sử của nem ống luồng thì có lâu rồi, nhưng ít người sản xuất vì giá thành cao, với lại tìm được nguồn nguyên liệu khó, vì trước kia nem toàn làm bằng thịt lợn rừng. Năm 2014, tôi mới tìm tòi nghiên cứu dùng thịt lợn mán thay thế, hương vị cũng như lợn rừng, giá thành rẻ hơn nên được đông đảo người dùng đón nhận nên tôi đã quyết tâm phục dựng lại loại nem này”.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử hình thành và phát triển, nem ống luồng đã dần định hình nên thương hiệu, trở thành món ăn không thể thiếu trong những mâm cỗ của người dân trong vùng. Không chỉ có vậy, nem ống luồng còn được xem sản phẩm được du khách lựa chọn hàng đầu.

Ông Đặng Văn Tâm, một du khách kể: “Mỗi khi đi du lịch ở Bến En, tôi đều qua cơ sở sản xuất An Cúc để mua nem về làm quà, nem có độ dai, dẻo của thịt và giòn của da, hòa quện cùng mùi thơm của tỏi và thính nên tôi rất thích. Không chỉ có vậy, nem còn được bảo quản trong ống luồng rất bắt mắt, tiện cho việc di chuyển đem về làm quà biếu cho mọi người”.

Với tâm huyết và những nỗ lực “khôi phục” món ăn truyền thống của ông An, năm 2022, sản phẩm nem ống luồng của cơ sở An Cúc được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ đó đưa giá trị và thương hiệu sản phẩm lên một tầm cao mới. Hiện nay nem ống luồng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Giá thành của nem giao động từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/ ống.

Từ những thành công đấy, năm 2023, cơ sở sản xuất nem An Cúc được Ban Hội nhập và hợp tác phát triển Quốc tế công nhận là đơn vị đạt tốp 10 sản phẩm dịch vụ chất lượng cao vì người tiêu dùng. Từ đó giúp thương hiệu nem ống luồng trở thành món quà quê mang đậm nét văn hóa vùng núi Bến En, Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Không chỉ bánh lá răng bừa, hay nem chua ống luồng, mà hầu hết các sản phẩm OCOP tại Thanh Hóa đều đóng vai trò như một nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Qua đó, các sản phẩm hiện lên không chỉ đơn thuần là những sản phẩm hàng hóa mà còn là những chiếc cầu nối văn hóa, giúp chúng ta khám phá và trân trọng những giá trị truyền thống của quê hương.

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà đây còn là cơ hội để góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của xứ Thanh./.

Hà Khải