Nét đẹp văn hóa xứ Thanh thông qua sản phẩm OCOP (Bài 2):

Hành trình vượt khó của bản vùng cao qua các sản vật truyền thống

Từ khi tham gia Chương trình OCOP, các sản vật truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa đã dần "lột xác", không chỉ dừng lại ở chỗ tự cung tự cấp mà đã trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị, giúp bản vùng cao vươn lên thoát nghèo
hanh-trinh-vuot-kho-1-1727213595.jpg
Lãnh đạo và nhân dân tham quan vùng lúa gạo nếp Cay Nọi của HTX Chung Thành (ảnh nhân vật cung cấp)

Khi lúa gác bếp trở thành “đặc sản” được săn đón

Chương trình OCOP được “khởi xướng” đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con, từ nền nông nghiệp thuần túy chuyển sang kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt ở những xã miền núi, OCOP đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đưa những sản vật địa phương trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần giảm nghèo, làm giàu và bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc.

Ghi nhận tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), một trong những huyện miền núi nghèo nhất cả nước, mới thấy rõ giá trị của Chương trình OCOP mang lại. Trước đây, đời sống của người dân vô cùng khó khăn, quanh năm quần quật với nương ngô, gốc lúa nhưng vẫn không đủ ăn. Không đành lòng sống “mòn” cùng núi, một số người đã bất chấp đạo lý, phát luật, thậm chí là cả tính mạng lao vào con đường làm giàu từ buôn bán ma túy và gieo rắc cái “chết trắng” cho bản...

Do đó, bản đã nghèo lại còn đói, khi đa phần đàn ông trong nhà đều chìm đắm trong cơn phê của nàng tiên trắng, bỏ mặc những người phụ nữ chân yếu, tay mềm và trẻ nhỏ còng lưng ghánh núi để mưu sinh.

Được sự quan tâm quyết liệt của chính quyền và lực lượng chức năng, những năm gần đây, tệ nạn ma túy ở Mường Lát đã dần được đẩy lùi, bà con nhân dân cũng yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên cuộc sống của đại bộ phận người dân nơi đây vẫn nghèo, do tư duy sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở chỗ tự cung tự cấp.

Với những thế mạnh phát triển giống lúa nếp Cay Nọi, một trong những giống lúa quý, gắn liền với đời sống của người Thái từ bao đời nay, và được xem như một báu vật của bản làng. Trước kia, lúa làm ra chỉ để ăn vào những dịp lễ, tết hay chiêu đãi khách quý nên khả năng vươn xa cũng như giá trị kinh tế của “đặc sản” này mang lại cho bản làng chưa cao.

Do đó, làm thế nào để biến “hạt ngọc” quý của bản thành một sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đã trở thành câu hỏi bức thiết, ám ảnh biết bao thế hệ.

Từ khi có chương trình OCOP, với sự hướng dẫn của các sở ban ngành và chính quyền sở tại, chị Lương Thị Nồng (SN 1990) trú tại xã Quang Chiểu đã bàn với chồng mình là anh Lò Văn Liêm, Bí thư Chi đoàn xã tìm hướng đi mới cho lúa Cay Nọi. Sau nhiều ngày tìm hiểu, vợ chồng Lương Thị Nồng quyết định thành lập HTX Nông lâm Chung Thành để quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu lúa nếp Cay Nọi. Mặt khác, anh chị cũng bắt đầu đưa gạo Cay Nọi đi tiếp thị tại các trung tâm thương mại, các hội chợ trong và ngoài tỉnh.

Năm 2021, sản phẩm lúa nếp Cay Nọi đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Mường Lát, mở ra cơ hội mới để Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Quang Chiểu phát huy thế mạnh trong xây dựng nông thôn mới. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, lúa nếp Cay Nọi đã bắt đầu mở rộng thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Chị Lương Thị Nồng, Giám đốc HTX Nông lâm Chung Thành (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi quen với lối canh tác tự cung tự cấp, không buôn bán, giao thương. Năm được mùa không ăn hết thì phơi khô, hong ở bếp để dành hoặc để nuôi gà, nuôi lợn. Từ khi triển khai Chương trình OCOP, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các cấp chính quyền đã giúp người dân chúng tôi mở rộng vùng sản xuất, đưa lúa gạo trở thành hàng hóa để giao thương. Năm 2021, gạo nếp Cay Nọi của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP, giá trị của hạt gạo được nâng lên, đời sống của bà con cũng từng bước được cải thiện. Hiện nay HTX đã quy hoạch được hơn 70ha để trồng lúa Cay Nọi, mỗi năm thu về hơn 250 tấn gạo với giá bán ra thị trường 35.000đ/kg”.

Sự thành công của gạo nếp Cay Nọi từ khi được công nhận là OCOP không chỉ góp phần làm thay diện mạo của bà con ở bản vùng cao, mà quan trọng hơn, nó còn cổ vũ cho người nông dân phát triển kinh tế từ những thứ tưởng chừng như rất bình dị. Từ đó, khơi gợi tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích họ tìm tòi, khám phá và phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Ông Vi Văn Hiện, Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: “Chương OCOP có tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân trong quá trình lao động sản xuất. Trước đây, bà con thường tra xong hạt ngô, hạt thóc bỏ mặc cho mẹ thiên nhiên thì giờ đây họ đã bắt đầu quan tâm, có trách nhiệm hơn với những sản phẩm của mình. Sản phẩm làm ra không chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng mà còn trở thành hàng hóa. Đây được xem là mấu chốt trong công tác xóa đói giảm nghèo”.

Khi sản phẩm làng nghề được gắn sao OCOP

Không chỉ dừng lại ở những nông sản sẵn có trong vùng, mà các huyện miền núi cũng khéo léo xây dựng sản phẩm làng nghề trở thành sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần khôi phục và phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân.

hanh-trinh-vuot-kho-2-1727213775.jpg
Từ khi triển khai Chương trình OCOP, nghề dệt thổ cẩm làng Lặn xã Lũng Niêm huyện Bá Thước được khôi phục và phát triển.

Tại huyện Bá Thước, nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm, từng là niềm tự hào của người dân nơi đây. Những đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ đã tạo nên những tấm vải thổ cẩm với hoa văn tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nghề dệt truyền thống này từng có nguy cơ mai một.

Bà Lô Thị Tằm (80 tuổi) trú tại thôn Lặn, xã Lũng Niềm, (Bá Thước) cho biết: “Trước kia, trong quan niệm truyền thống của người Thái là con gái phải biết dệt vải, contrai biết đan chài. Nên từ khi mới chỉ là những cô bé 8-9 tuổi, các bà, các mẹ đã dạy cho con gái học cách nhuộm vải, se tơ, thêu thùa, dệt thổ cẩm… và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự khéo léo, chăm chỉ của người con gái”.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của cuộc sống hiện đại, cộng với sự giao thoa giữa các nền văn hóa, sản phẩm không thể cạnh tranh với những đồ may mặc công nghiệp. Mặt khác, giới trẻ ngày nay đa số sử dụng đồ may sẵn thay vì những đồ thêu dệt, dẫn đến nghề dệt của làng Lặn đã dần bị mai một.

Để khôi phục và phát huy giá trị của nghề dệt, chính quyền và người dân đã không ngừng nỗ lực. Qua các lớp tập huấn, những kỹ thuật dệt truyền thống được truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, thổi một làn gió mới vào làng nghề cổ. Nhờ đó, nghề dệt thổ cẩm không chỉ được phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ.

Đặc biệt, năm 2023, sản phẩm khăn dệt thổ cẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, đây là niềm vinh dự tự hào của người dân địa phương, là minh chứng cho sự thành công của quá trình khôi phục làng nghề. Hiện nay, hàng trăm hộ dân ở xã Lũng niêm đã tham gia làm nghề, sản phẩm làm ra cũng đa dạng hơn như vải, khăn, quần áo, túi xách... với chất lượng cao, được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.

Ông Bùi Văn Tùng, Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm, cho biết: "Việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Sản phẩm thổ cẩm Lũng Niêm đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và mua sắm”.

Có thể nhận thấy, Chương trình OCOP đã trở thành "cánh chim" giúp những sản phẩm địa phương chưa có thương hiệu "cất cánh", mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước đây. Nhờ đó, tư duy sản xuất của người dân đã có sự chuyển mình rõ rệt, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang hướng tới sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.

Ngoài ra, sản phẩm OCOP còn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải những câu chuyện văn hóa của bản làng trên từng sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa riêng biệt. Mỗi sản phẩm OCOP như một cuốn sách, kể lại câu chuyện về lịch sử, về con người ưu chuộng lao động đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo./.

(Còn tiếp)

Hà Khải