Nâng cao sức khỏe đất góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp

“Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm triển khai, truyền thông phổ biến Đề án quan trọng này, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp lương thực mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Từ đó, tạo ra một lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu về phát triển nông nghiệp bền vững, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

nang-cao-suc-khoe-dat-1-1729474860.jpg
Hội nghị triển khai Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra vào ngày 18/10 vừa qua.

Nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả

Trước đó, ngày 11/10/2024, Bộ NN&PTNT chính thức phê duyệt “Đề án Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS Nguyễn Đăng Nghĩa, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, cho biết, đề án cần khai thác tiềm năng từ các doanh nghiệp về sữa và phân bón, bởi các doanh nghiệp này có nguồn phân bón hữu cơ rất lớn và dành nhiều nghiên cứu để sản xuất các loại phân bón hiệu quả.

Hiện nay, ông Nguyễn Đăng Nghĩa đã soạn thảo 6 bộ công thức phân bón hữu cơ, tuy nhiên, thủ tục kiểm nghiệm công thức phân bón hữu cơ ở Việt Nam còn hạn chế, thời gian xử lý lâu, chi phí cao và quy trình phức tạp. Điều này khiến doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị nhỏ e ngại và cản trở sự phát triển bền vững của ngành phân bón hữu cơ.

Vì vậy, ông Nghĩa mong muốn, Bộ NN&PTNT ủng hộ mạnh mẽ để hỗ trợ về cơ chế chính sách, thủ tục, từ đó khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia đóng góp cho Đề án.

nang-cao-suc-khoe-dat-2-1729474903.jpg
Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050”.

Còn theo Chuyên gia Phạm Quang Hà phân tích: Ở các nước phát triển, đất rất tốt, các chỉ số chất lượng đất rất giàu. Tất cả các nước "đất giàu" đều ở bán cầu Bắc, một số quốc gia "đất nghèo" như Israel đã thực hiện cải tạo hoang mạc, bán hoang mạc để trở thành "đất giàu", đất tốt. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ làm tốt cho sức khỏe đất sẽ đóng góp cho lộ trình nước ta thoát khỏi quốc gia có thu nhập trung bình để tiến lên có thu nhập khá.

“Sức khỏe đất giúp chúng ta sống trên vùng đất đó an lành. Đất ấy sẽ duy trì được vòng tuần hoàn nước, đó là quản lý liên ngành, phục vụ chức năng làm sạch”, chuyên gia Phạm Quang Hà chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu: Đề án được phê duyệt là điều rất tuyệt vời, bởi đất đai là đối tượng quản lý của rất nhiều bộ ngành. Đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng của rất nhiều các lĩnh vực xã hội.

Ông Bộ cho biết, để triển khai Đề án, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; Nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón; đẩy mạnh truyền thông, kỷ niệm Ngày đất và phân bón thế giới.

nang-cao-suc-khoe-dat-4-1729474848.jpg
Nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của đất và dinh dưỡng cây trồng trong nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nông nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp lương thực mà còn là yếu tố quan trọng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

“Quyết định số 1748 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung nâng cao sức khỏe đất và cây trồng. Phân bón chỉ là một yếu tố đầu vào. Chúng tôi đề nghị phải thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án; thứ hai, các địa phương cử người tham gia và tổ chức các hội thảo chuyên đề định kỳ; Lồng ghép các đề án liên quan tới sức khỏe của đất và cây trồng; Nội dung, nhiệm vụ cụ thể, cần thống nhất hệ thống phân loại đất; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất và phân bón. Đào tạo khuyến nông viên về nội dung này", PGS.TS Nguyễn Văn Bộ đưa ra kiến nghị.

“Đất khỏe là phải phát thải thấp, tích trữ carbon nhiều. Đề án phải thổi hồn vào đất”, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh.

Cần lồng ghép giữa hoàn thiện quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón

Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, mục tiêu của Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là bảo vệ cây trồng và năng suất, giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, từ đó bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, xây dựng đề án về nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng là cần thiết và phù hợp với mục tiêu toàn cầu.

Tuy nhiên, về mục tiêu cụ thể của đề án, cần lồng ghép giữa hoàn thiện quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón, quản lý sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng hiệu quả. Như vậy, mục tiêu này sẽ thống nhất thành một hệ thống, từ đó tránh lãng phí nguồn lực và triển khai một cách đồng đều, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam đề nghị Việt Nam xem xét kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Ví dụ, chương trình “Cây trồng thông minh” ở Indonesia cung cấp phần mềm hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật canh tác thông minh, quản lý nước hiệu quả và sử dụng giống cây trồng chịu hạn.

nang-cao-suc-khoe-dat-5-1729474993.jpg
Những mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao sức khỏe đất. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, phần mềm này còn số hóa thông tin thời tiết và phân tích các chất dinh dưỡng cần thiết cho từng loại cây trồng, từ đó đưa ra các khuyến cáo để người dân có thể canh tác có hiệu quả.

“Ví dụ từ Indonesia cho thấy, bên cạnh quy chuẩn chung, đề án cần quản lý sức khỏe và dinh dưỡng đất theo từng loại cây. Ngoài ra, cần đưa ra các biện pháp, lựa chọn để người trồng có thể áp dụng cách phù hợp nhất; đồng thời vẫn đảm bảo hài hòa giữa canh tác phát thải thấp và đa dạng vi sinh vật trong đất.

Vấn đề cấp thiết hiện nay là xây dựng lộ trình riêng hỗ trợ phục hồi cho các nhóm cây mà đất cằn và xấu nhất. Ngoài ra, tiếp tục giữ dinh dưỡng đất trồng cho các loại cây có giá trị xuất khẩu lớn tại Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tuất nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao ý kiến tham luận. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị Ban soạn thảo Đề án cần có lộ trình cụ thể, quy trách nhiệm rõ ràng tới từng địa phương. Sau đó, quá trình làm cần sơ kết, tổng kết, nhằm nhận diện khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ.

Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật tham gia xây dựng chi tiết này. Sau đó, Bộ sẽ tổ chức nghe ý kiến rộng rãi trước khi ban hành chính thức. "Truyền thông bao giờ cũng phải đi trước. Truyền thông về chính sách, về việc phải làm, cũng giúp các cá nhân, tập thể nâng cao trách nhiệm bản thân, tăng tính chủ động", Thứ trưởng Hoàng Trung nói.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục Bảo vệ thực vật phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào. Việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực.

nang-cao-suc-khoe-dat-3-1729475023.jpg
Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao ý kiến tham luận tại Hội nghị. (Ảnh minh họa)

Đối với Đề án về phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, đã thực hiện từ 2017 và có nhiều chuyển biến thực tế. Năm 2023, lượng phân bón hữu cơ đưa vào sử dụng là 3 triệu tấn, so với tổng số 7 triệu tấn phân hữu cơ và vô cơ. Con số này cho thấy phân hữu cơ đang được sử dụng nhiều lên.

Thứ trưởng Hoàng Trung đồng tình với đề xuất của các đại biểu về việc nâng tầm Đề án lên để trình Chính phủ ký ban hành. Về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án, Thứ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và nghiên cứu kỹ.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Cục Trồng trọt, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở. Đây chính là yếu tố then chốt đưa đề án vào cuộc sống./.

Bình Châu