Áp lực canh tác tăng năng suất khiến Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nguy cơ suy thoái đất

Trong thực tế canh tác người dân vẫn áp dụng các kỹ thuật canh tác truyền thống, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất trồng lúa, gây suy thoái đất đai, ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất nông nghiệp. Tại các vùng đất trồng lúa 3 vụ ở Đồng bằng sông Cửu Long, áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến sử dụng phân bón không hợp lý, làm cho chất lượng đất giảm, qua thời gian để duy trì năng suất người dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Thay đổi quy trình canh tác, ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật theo hướng thông minh, tăng trưởng xanh, an toàn là giải pháp căn cơ giúp vựa lúa quan trọng của đất nước tiếp tục phát triển ổn định, hiệu quả bền vững.

suy-thoai-dat-dbscl-1-1728444565.jpg
Nông dân chăm sóc lúa tại ĐBSCL. (Ảnh VOV)

Nguồn tài nguyên đất bị mất cân đối dinh dưỡng, nguy cơ suy thoái gia tăng

Nằm phía cuối hạ nguồn sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những điểm nóng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu. Vùng lương thực trọng điểm này đang phải đối mặt với thực trạng nguồn tài nguyên đất bị mất cân đối dinh dưỡng, nguy cơ suy thoái gia tăng.

Tại hội thảo quốc gia về Đất và Phân bón lần đầu tiên được tổ chức, nhiều báo cáo tham luận nghiên cứu của các chuyên gia nông nghiệp cho thấy, cả 3 vùng sinh thái khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều có tình trạng đất bị suy thoái. Toàn bộ đang là đất chua với chỉ số pH từ 5,0 - dưới 5,5. Trong khi ngưỡng pH tối ưu để cây lúa phát triển tốt thường nằm trong khoảng từ 5,5 đến 6,5.

Với diện tích đất trồng lúa trên 1,5 triệu ha, vùng ĐBSCL hàng năm đóng góp tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Việc thâm canh tăng vụ trong thời gian dài, sử dụng phân bón không hợp lý đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, gây suy thoái đất đai. Những con số thống kê của cơ quan chức năng đã chỉ rõ, mỗi năm vùng ĐBSCL tạo ra khoảng từ 25 – 26 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% lượng rơm rạ bị đốt, vùi vào đất, gây ngộ độc hữu cơ, lãng phí tài nguyên, tăng phát thải khí nhà kính.

Tại các vùng đất trồng lúa 3 vụ của Đồng Tháp, An Giang, áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến sử dụng phân bón không hợp lý, làm cho chất lượng đất giảm, qua thời gian để duy trì năng suất người dân buộc phải tăng lượng phân bón trên đồng ruộng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Anh Lê Văn Giàu, nông dân trồng lúa ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước đây lượng phân bón sử dụng trong canh tác lúa từ 40 – 50kg/công, thì hiện nay đã tăng lên 60 – 70kg/công, việc thâm canh tăng vụ, sử dụng phân không đúng cách đã khiến cho vựa lúa ĐBSCL bị suy thoái đất đai, gia tăng dịch bệnh trên lúa.

"Bà con nông dân canh tác liền 3 vụ là lượng phân sẽ cao hơn, mỗi vụ mỗi nâng lên. Tại vì canh tác liên tục chất màu mỡ của đất không còn cho cây lúa, người dân phải bổ sung phân nhiều hơn. Hồi đó với diện tích 1.300 m3 người dân sử dụng chừng 1 bao phân, bây giờ phải nâng lên tầm sáu chục đến sáu mấy kg/1 công mới đủ cho lúa, nặng phân hơn rất nhiều", anh Lê Văn Giàu cho biết.

suy-thoai-dat-dbscl-2-1728444637.jpg
Lạm dụng phân bón hóa học vừa lãng phí, vừa làm mất cân bằng hệ dinh dưỡng trong đất.(Ảnh nongnghiep.vn)

Canh tác lúa tại ĐBSCL còn ghi nhận tình trạng đốt rơm rạ trên đồng, hay vùi rơm rạ vào đồng ruộng sau khi thu hoạch. Việc đốt rơm rạ gây lãng phí, làm ô nhiễm môi trường, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Bên cạnh đó, việc vùi rơm rạ chưa qua xử lý gây ra ngộ độc hữu cơ, tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Phan Văn Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, để cải thiện độ phì nhiêu đất, cung cấp vi sinh vật, hạ phèn, trả lại dinh dưỡng cho đất, hạn chế ngộ độc hữu cơ người dân cần sử dụng loại phân bón thế hệ mới để cải thiện môi trường đất, phân hủy rơm rạ nhanh, giảm khả năng ngộ độc hữu cơ cho lúa, giúp bộ rễ phát triển, góp phần tăng năng xuất, chất lượng lúa gạo, chung tay thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

"Qua phân tích đất chúng tôi thấy rằng thành phần dinh dưỡng trong đất có sự biến động rất lớn, đặc biệt là chất hữu cơ trong đất hiện nay số lượng lớn nhưng mà chất lượng  không có do chúng ta canh tác liên tục, ngập nước liên tục nên các chất hữu cơ ở trong đất còn nhiều nhưng mà cây trồng không sử dụng được, giống như lượng đạm cũng vậy, lân cũng vậy mặc dù rất cao nhưng cây trồng không hấp thu được. Chính vì vậy sử dụng những sản phẩm với công nghệ tiên tiến mới NPK được bọc những dòng vi sinh mới để đưa vào giải phóng các chất dinh dưỡng nằm trong đất, giúp cho đất được cân bằng, màu mỡ hơn, qua đó giúp bà con nông dân sử dụng phân bón ít lại, giảm được phát thải khí nhà kính, như vậy chúng ta sản xuất nông nghiệp một cách bền vững", ông Phan Văn Tâm chia sẻ.

Giải pháp tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm phát thải trong sản xuất lúa

Nhấn mạnh về giải pháp tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm phát thải trong sản xuất lúa, PGS - TS Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI cho rằng, hiện nay người dân vẫn canh tác theo tập quán cũ, chưa có niềm tin vào các mô hình thực hành nông nghiệp tốt. Bên cạnh đó sạ lan, bón phân dư thừa, bón không đúng cách, đúng chỗ và đốt rơm rạ tràn lan đã làm mất dinh dưỡng trong đất, gây ngộ độc hữu cơ.

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Hùng, giải pháp hiện nay là áp dụng cơ giới hóa trong khâu xuống giống bằng hình thức sạ cụm nhằm giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, đây là giải pháp đang được các địa phương vùng ĐBSCL quan tâm do tính hiệu quả vượt trội.

"Trên thế giới chi phí sản xuất phân bón cho lúa gạo nằm ở mức 40 – 50%, ở ĐBSCL điều tra 10.000 nông dân cho thấy đang nằm ở mức khoảng 30%. Cái thứ hai là phát thải khí nhà kính, nếu tính sử dụng đạm để canh tác lúa thì ít chỉ từ 3 đến 5%. Tuy nhiên, phát thải khí nhà kính từ nhà sản xuất phân bón từ 20 – 30% cho tổng chi phí sản xuất của vòng đời lúa gạo. Cho nên chuyện phân bón với phát thải khí nhà kính là cực kỳ quan trọng, cộng với chi phí canh tác", PGS  - TS Nguyễn Văn Hùng nêu vấn đề.

suy-thoai-dat-dbscl-5-1728444684.jpg
Các mô hình "Canh tác lúa thông minh" cho thấy: Nếu bón đúng phân, đúng phương pháp và liều lượng thì không sợ làm đất lúa bị thoái hóa mà còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất.(Ảnh Tư liệu)

Để duy trì năng suất nông dân ở các vùng trồng lúa buộc phải tăng lượng phân bón dẫn đến lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính. TS Phạm Hà, Chủ tịch hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, mặt khác ngành nông nghiệp cũng làm tăng phát thải khí nhà kính từ quá trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc ưu tiên cần phải thực hiện ngay là điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, ưu tiên sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên từ khoáng chất, thực vật.

"Phân bón gây ra khí thải nhà kính chủ yếu là những vùng trồng lúa, nhìn chung theo các nghiên cứu cây trồng hấp thụ một nửa lượng phân bón chúng ta bón thôi, còn lại là chôn xuống đất xong rồi gây ô nhiễm môi trường. Thứ nhất nông nghiệp bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng cùng là gây ra biến đổi khí hậu cho nên là chúng ta phải có một biện pháp nào đấy để thực hiện Net Zero. Trong phân bón đóng vai trò quan trọng chiếm khoảng từ 20 – 40%, thì một số biện pháp như là sản xuất cho tới sử dụng phân bón", TS Phạm Hà cho biết thêm.

suy-thoai-dat-dbscl-4-1728444728.jpg
Để canh tác lúa bền vững cần một giải pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa giúp canh tác hiệu quả mà không ảnh hưởng, làm suy giảm chất lượng đất. (Ảnh Tư liệu)

Trong thực tế canh tác người dân vẫn áp dụng các kỹ thuật canh tác truyền thống, làm ảnh hưởng đến chất lượng đất trồng lúa, gây suy thoái đất đai, ảnh hưởng lâu dài đến sản xuất nông nghiệp. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, để canh tác lúa bền vững cần một giải pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa giúp canh tác hiệu quả mà không ảnh hưởng, làm suy giảm chất lượng đất đó chính là đề án 1 triệu ha đang được Bộ NN thí điểm tại 7 mô hình, từ thực tế của các mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao khi tăng năng suất chất lượng đều tăng, mô hình đã chứng minh giảm phân bón, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến tăng trưởng xanh.

"Trước những biến động về nguồn nước tưới, biến động về tình hình khí tượng thủy văn, biến động về các điều kiện về biến đổi khí hậu. Ngoài các mặt phía trên thì tác động về đất đai rất là nhiều, nhưng mà giải pháp nào, đánh giá như thế nào, chúng ta biết thực trạng ra sao, có những giải pháp thích ứng, phù hợp cho việc sử dụng đất đai, đó là vấn đề, do đó đánh giá độ phì của đất. Chúng ta chỉ đánh giá khoảng 5 năm gần đây thôi, những biến động về độ phì thực tế của đất đai nó sẽ tác động như thế nào đến việc mà chúng ta canh tác đó là vấn đề quan trọng. Chúng ta đang hướng tới đề án 1 triệu ha với những trọng tâm làm giảm chi phí, tăng giá trị, giảm phát thải khí nhà kính và tăng trưởng xanh", ông Lê Thanh Tùng nêu rõ./.

Trọng Bình