Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bảo vệ đất nông nghiệp phải là nguyên tắc

Căn cứ vào phần 2, Mục 2 Nghị quyết 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong bài viết này, tác giả xin đóng góp một số ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật.

Thứ nhất, bổ sung vấn đề triệt để bảo vệ đất nông nghiệp vào Nguyên tắc sử dụng đất

Sở dĩ như vậy vì chúng ta có thế mạnh là nằm ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nên sản phẩm nông nghiệp (lúa, hoa màu, cây ăn quả,...) rất phong phú có thể về xuất khẩu, giúp nông nghiệp là một trong những trụ đỡ cho nền kinh tế nước nhà.

dat-1679023282.jpg
Ảnh minh họa.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt nhiều mục tiêu cao cho nông nghiệp như: Bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng 42%,... phấn đấu để xuất khẩu nông sản đạt 50-60 tỉ $/năm (năm 2022 đạt 53 tỉ).

Tuy vậy, nhìn xa hơn thì thấy diện tích đất nông nghiệp của ta không lớn so với các nước trên thế giới thậm chí là với các nước trong khu vực. Vậy mà, về dân số, ta lại được xếp vào thứ hạng cao trên thế giới. Nước ta nằm trong tốp đầu chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong 5 nước đầu chịu hậu quả của tình trạng nước biển dâng cao. Mươi năm tới, khi trái đất nóng thêm, 7% đất nông nghiệp của ta sẽ bị xoá sổ dẫn tới thất thu 7 triệu tấn lương thực/năm. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia nông nghiệp của ta đã lên tiếng khẩn thiết yêu cầu Nhà nước có biện pháp cấp bách bảo vệ đất nông nghiệp.

Vì thế, việc tiết kiệm đất nông nghiệp chẳng những là vấn đề có ý nghĩa trước mắt mà còn là trách nhiệm đối với thế hệ mai sau.

Hiện tại, dự thảo đã quy định ba nguyên tắc sử dụng đất (Điều 7). Tôi kiến nghị đưa thêm nguyên tắc này vào và đặt ở vị trí số một, bởi vì nguyên tắc này còn chi phối phần lớn các nguyên tắc khác. Chẳng hạn, chi phối các nguyên tắc 2,3 (mới), khi các cơ quan quản lý đất xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đề ra mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển đổi mục đất sử dụng đất… Nguyên tắc này cũng chi phối cơ quan quản lý đất khi định ra quỹ đất sử dụng ổn định, lâu dài (Điều 140), khi xác định phần đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (Điều 148), khi UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất cho hộ cá nhân làm nhà ở (Điều 162), giao đất xây dựng khu chung cư (Điều 164), giao đất quy hoạch mở rộng đô thị (Điều 165),… Trong tất cả những công đoạn đó, nhà quản lý đều phải tìm mọi giải pháp để tiết kiệm đất nông nghiệp.

Thứ hai, bổ sung một chế định mới về việc các cấp chính quyền (tỉnh, huyện) nơi không có đất trống, đồi núi trọc có thể thuê đất của các địa phương có đất trống, đồi núi trọc để mở khu công nghiệp, khu chế xuất

Đây có thể xem là một bước đột phá trong tư duy về tiết kiệm đất nông nghiệp, đảm bảo không sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất,... mà các công trình này bắt buộc phải xây dựng ở những vùng trung du, đất trống, đồi núi trọc. Nay nhìn lại, quá trình xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất có thể thấy rằng ta đã nghiêng về việc thu hút vốn đầu tư, nghiêng về việc trải thảm đỏ đón các dòng tiền từ trong nước hoặc nước ngoài nên các khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm mất nhiều đất nông nghiệp, kể cả đất lúa. Chẳng hạn, ta nhìn vào phân bố số khu công nghiệp sau đây để sáng tỏ nhận định này: Long An 36, Đồng Nai 31, Bình Dương 28, TP. Hồ Chí Minh 22, Bà Rịa Vũng tàu 11, Hà Nội 14, Bắc Ninh 15, Hải Dương 11, trong khi: Kon-Tum 0, Đắc Nông 1, Đắk Lắk 1, Gia Lai 1,...

Trong vòng 10 năm tới, dự kiến, nước ta sẽ tăng thêm 117 khu công nghiệp với 115.000 ha, nâng tổng diện tích khu công nghiệp cả nước lên 205.800 ha; trong đất khu công nghiệp có 46.070 ha đất trồng lúa, 64.360 ha đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm.

Chế định mới này vừa cứu được diện tích đất nông nghiệp trong định hướng trên nhưng đồng thời cũng mở lối thoát cho các địa phương chỉ có đất nông nghiệp mà vẫn có thể phát triển công nghiệp. Như vậy luật cần đề ra các nguyên tắc, các chế định về cho thuê đất kiểu này, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến quản lý hành chính, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quản lý đất đai, quản lý tài chính, bảo vệ môi trường,… theo mô hình này.

Rõ ràng rằng, thực hiện được bước đột phá này, chúng ta chẳng những tiết kiệm được triệt để đất nông nghiệp mà còn có ý nghĩa lớn trong phân bố lại dân cư, tránh được những xáo trộn, tiêu cực khi nông dân phải ly nông, để miền xuôi góp sức làm giàu cho miền núi, giảm được áp lực mật độ dân số cao ở các tỉnh miền xuôi, tránh được việc phải quy hoạch lại địa giới hành chính (do không đạt tiêu chuẩn về diện tích và dân số), thu hẹp khoảng cách về kinh tế, văn hoá, xã hội giữa trung du, miền núi và đồng bằng,… Hơn nữa, thực hiện bước đột phá này mới thực sự là sử dụng đất một cách hợp lý trên cơ sở một quỹ đất sạch có sẵn không phải mất tiền giải phóng mặt bằng./.