Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương

Các cơ quan báo chí truyền thông thông qua các tin bài điều tra, phản ánh về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đặc biệt quan trọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, doanh nghiệp giúp giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
b760be48-bde4-4805-ad11-344a5f9f1078-6788-1658401356.jpeg
 

Sáng 21/7, Báo điện tử VTC News phối hợp cùng Ban Quản lý Dự án về “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” tại Việt Nam - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) tổ chức chương trình tập huấn năm 2022 với chủ đề “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương”.

Chương trình tập huấn nhằm nâng cao kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm viết bài tuyên truyền về chính sách pháp luật của Nhà nước trong quản lý rác thải nhựa, sử dụng đồ nhựa một lần và túi nilon khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Đồng thời, chương trình cũng tạo cơ hội để các phóng viên được học hỏi, nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: "Rác thải nhựa đang được xem là hiện tượng “báo động đỏ”, là vấn đề cấp bách tại khu vực Asean nói riêng và toàn cầu nói chung. Riêng tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, chúng ta cần phải khẩn trương hành động để ngăn chặn nguy cơ "tương lai đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá".

2dfba59b-f3d9-40f2-b965-c0121dca3cb2-265-1658401372.jpeg
Chương trình Tập huấn được đông đảo phóng viên, biên tập viên và cán bộ làm công tác về môi trường ở các địa phương tham gia.

Trong những năm qua, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới."

7dfd24d0-e2b8-4705-8282-2ce4064ac61f-1370-1658401394.jpeg
Ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn.

Ông Lưu Anh Đức nhấn mạnh: "Bên cạnh sự chung tay từ các bộ ngành, Chính phủ và các tổ chức nước ngoài về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thì phải kể đến vai trọng quan trong của báo chí trong công tác thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống và định hướng dư luận xã hội; giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường biển nói chung và giảm thiểu rác thải nhưạ đại dương nói riêng.

Công tác truyền thông báo chí tốt sẽ giúp các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về rác thải nhựa lan tỏa đến với cộng đồng xã hội một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả."

3e5b094e-fe52-41be-a704-74e09124d500-4289-1658401409.jpeg
Chương trình tập huấn cũng tạo cơ hội để các cán bộ của dự án và các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được học hỏi và chia sẻ các khó khăn, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các hoạt động truyền thông về giảm ô nhiễm nhựa đại dương.

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia tập trung chủ yếu về thực trạng công tác truyền thông thực thi chính sách, pháp luật về quản lý rác thải nhựa; Vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt trong quản lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương....

Thông qua chương trình tập huấn, ban tổ chức khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong giảm rác thải nhựa đại dương và là một trong các quốc gia tham gia xây dựng khung thoả thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.