Nhiều địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân

Từ nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, các địa phương lập tức thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, hướng đến môi trường xanh - sạch - bền vững.
1-1588066795170-1645356254.jpg
Một điểm đổi rác lấy quà tại TP.HCM

Từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực.

Luật đã thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân.

So với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật mới có những điểm mang tính đột phá chính như lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính...

Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường mới cũng bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải…

Từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua vào ngày 17/11/2020 đến nay, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo thói quen, ý thức tuân thủ ngay từ trước khi Luật có hiệu lực.

Gỡ nút thắt cho phân loại rác tại nguồn

Hoạt động phân loại rác tại nguồn nhằm giảm áp lực cho công tác thu gom-xử lý rác, giảm lượng rác thải ra môi trường, đã được Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm từ hơn 10 năm nay và chính thức triển khai trên toàn địa bàn thành phố từ năm 2018.

Những túi rác riêng biệt, cái chứa rác thải vô cơ (gồm vỏ chai, hộp nhựa, giấy cũ), cái chứa rác hữu cơ (phế phẩm thực phẩm, thức ăn), túi chứa kim loại, thủy tinh vỡ… được gia đình bà Bùi Diệu Tâm, để gọn gàng trước cổng chờ xe rác đến lấy.

Từ 7 năm nay, việc phân loại rác sinh hoạt đã được gia đình bà Tâm, cũng như các hộ dân ở hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, thực hiện đều đặn hằng ngày. Bà Bùi Diệu Tâm, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc phân loại rác được gia đình bà thực hiện từ 7 năm trước. Đến nay, gia đình bà đã quen với việc phân loại rác vô cơ và rác hữu cơ trước khi đưa ra xe rác.

Phường Bến Nghé thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn từ năm 2013. Thời gian đầu, phường chọn các tuyến hẻm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để làm mẫu. "Mưa dầm thấm lâu," đi từ những hộ tiên phong, từng con hẻm, từng khu phố một, đến giờ toàn bộ hộ dân phường Bến Nghé đã quen thuộc với việc phân loại rác tại nhà.

Bên cạnh những mô hình hay, cách làm mới, vẫn còn nhiều mặt tồn tại khiến mô hình phân loại rác tại nguồn chưa thể nhân rộng ra toàn Thành phố Hồ Chí Minh. Một số gia đình sau một thời gian chủ động phân loại rác nhưng lâu dần cũng không còn thực hiện việc này. Bà Hồ Thị Phú, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Mặc dù chúng tôi đã phân loại rác từ trong nhà, nhưng đến khi thu gom, tất cả rác lại bị trộn chung vào một chỗ. Như vậy, việc phân loại của chúng tôi trở thành vô ích."

Mỗi ngày Thành phố Hồ Chí Minh thải ra gần 10.000 tấn rác. Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ góp phần giảm lượng rác thải trực tiếp ra môi trường, tận dụng được nguồn tài nguyên rác để tái chế và sản xuất điện năng; đồng thời còn giảm áp lực cho công tác xử lý rác tốn gần 3.000 tỷ đồng của thành phố mỗi năm. Sớm gỡ nút thắt cho phân loại rác tại nguồn, sẽ đỡ được gánh nặng ngàn tỷ cho ngân sách thành phố. Để việc phân loại rác tại nguồn đạt được hiệu quả, cần có sự đầu tư chuẩn hóa hệ thống thu gom rác dân lập vào tận nhà dân để lấy rác.

Còn tại tỉnh Bình Dương, để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững, tỉnh này luôn xác định quan điểm định hướng phát triển công nghiệp theo hướng bảo vệ môi trường.

z2016602290600bcf4069ff89ec7b95e52b624d83d61d9-4941-1645356391.jpg
Nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Vsip II Bình Dương

Bà Nguyễn Trần Cao Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 từ ngày 1/1/2022 mới có hiệu lực, nhưng ngay từ khi luật được thông qua vào cuối năm 2020, Sở đã chủ động nghiên cứu và rà soát các quy định để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện trước một số công việc và nhiệm vụ để khi luật có hiệu lực là áp dụng được ngay. Theo đó, Bình Dương đã tích cực tuyên truyền phổ biến Luật này, triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp và các cán bộ làm công tác môi trường ở cấp xã để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có.

Hầu hết các khu công nghiệp ở Bình Dương đã đầu tư xây dựng mạng lưới tháo nước mưa và nước thải riêng biệt với trên 1.200km đường ống, tổng mức đầu tư hơn 2000 tỷ đồng. 27 khu công nghiệp đi vào hoạt động đã có hệ thống xử lý nuốc thải tập trung (đạt trên 96%). Nổi bật là Khu công nghiệp VSIP II tại tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 6000 m3/ngày.

Thực hiện Kế hoạch Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã ký kết các Nghị quyết Liên tịch với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh để phối hợp hành động bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Bình Dương ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến và hạn chế thu hút đầu tư các dự án mới bên ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời có kế hoạch thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cơ sở đã đầu tư vào khu vực phía Nam của tỉnh.

Bình Dương cũng sẽ đầu tư hệ thống quan trắc tự động không khí và ứng dụng các mô hình dự báo, lập bản đồ ô nhiễm đối với các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, thiết lập hệ thống cảnh báo, công khai thông tin về chất lượng môi trường không khí trên Cổng thông tin điện tử của ngành tài nguyên và môi trường tỉnh này.

Chủ động lắp đặt trạm quan trắc môi trường

Để thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022 của Chính phủ và Thông tư 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Thọ đang tích cực rà soát các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh để đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị trong việc chủ động lắp đặt sớm các trạm quan trắc môi trường tự động theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng VICEM Sông Thao cho biết ngay từ khi mới đi vào hoạt động (năm 2009) Công ty đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường, đặc biệt là hệ thống đo nồng độ bụi, khí trong dây chuyền và hệ thống giám sát bụi ống khói.

Tháng 4/2019, Công ty đầu tư gần 20 tỷ đồng lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải online và chính thức đấu nối, truyền số liệu về Trạm điều hành quan trắc tự động của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ và Tổng Công ty VICEM để theo dõi từ tháng 9/2019. Tháng 7/2021, Công ty tiếp tục lắp đặt bổ sung đầu đo áp suất tại các ống khói và lắp đặt camera theo dõi hệ thống quan trắc khí thải online, giúp việc giám sát môi trường được minh bạch, khách quan và liên tục.

he-thong-xu-ly-nuoc-thai-cum-cong-nghiep-1645356467.jpg
Hệ thống bể xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Phú Hà

Còn tại Khu công nghiệp Phú Hà, thị xã Phú Thọ, sự "đón đầu" của Tổng Công ty Viglacera khi xây dựng trạm xử lý nước thải của khu công nghiệp chính là quyết sách quan trọng, mang lại lợi ích kép khi vừa thể hiện được tránh nhiệm xã hội đối với môi trường của doanh nghiệp, vừa là yếu tố quan trọng để khu công nghiệp Phú Hà là điểm hấp dẫn thu hút đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Phó Giám đốc Công ty thi công cơ giới Viglacera, kiêm Giám đốc Xí nghiệp quản lý và vận hành khu công nghiệp Phú Hà, hệ thống quan trắc nước thải tự động của đơn vị hiện đã đáp ứng yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường cũng như các Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bất kỳ thông số nào trong nước thải sau khi xử lý cũng được hiển thị trực tiếp trên màn hình tại trạm và tín hiệu này cũng được đưa về màn hình riêng, để nhân viên vận hành hoặc cán bộ quản lý có thể kiểm soát thông số này. Khi các thông số vượt giới hạn, hệ thống sẽ tự động cảnh báo giúp đơn vị kịp thời phát hiện, bơm nước trở lại bể để xử lý lại.

Theo Nghị định 40/2009/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Phú Thọ có 26 doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có nguồn phát thải lớn, buộc phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động.

Ông Nguyễn Vĩnh An, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết, việc lắp đặt hệ thống quan tắc môi trường tự động giúp doanh nghiệp "chứng minh" được nguồn thải ra môi trường đang ở mức độ cho phép. Qua đây, các doanh nghiệp sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Còn đối với các nhà quản lý, có thể theo dõi, truy xuất dữ liệu xem nguồn thải có ảnh hưởng đến môi trường hay không để kịp thời nhắc nhở doanh nghiệp có sự điều chỉnh nguồn thải hợp lý, theo đúng quy định. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng theo quy định mới, để từ đó đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm theo các quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020./.