Nan giải trong hành trình đi tìm nước sạch tại các bản vùng cao xứ Thanh

Những dòng nước trong lành chảy ra từ các mó đá trên núi hay được thẩm thấu qua những chiếc giếng khơi được đào bới thủ công... Tất cả đều được sử dụng phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt của bà con vùng núi cao Thanh Hóa từ bao đời nay. Thế nhưng theo tiêu chuẩn của mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới thì nguồn nước trên vẫn chưa đủ tiêu chí nước “sạch”.
nuoc-sach-1716729250.jpg
Từ bao đời nay, người dân ở các bản vùng cao Thanh Hóa đều sử dụng nước từ mó hay từ các giếng khơi.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã tạo bước “chuyển mình” rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt của nông thôn. Nhiều nơi, kết cấu hạ tầng điện đường, trường, trạm được xây dựng đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn được đồng bộ hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện ở vùng núi đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tiêu chí nước sạch.

Khi dòng nước mó không làm vơi cơn “khát”

Để có thể cảm nhận rõ hơn cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi vùng núi cao, chúng tôi đã tìm về với huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa), trong những ngày nắng nóng như đổ lửa. Trên đường đi, lâu lâu lại xuất hiện những nếp nhà sàn đơn sơ của bà con đồng bào người Thái được bao bọc bởi những thửa ruộng bậc thang mềm mại, xa xa là những rừng luồng xanh tươi ngút ngàn. Tất cả kết hợp với nhau một cách hành hòa như để khắc họa thêm nét đẹp của những bản làng giữa núi rừng hoang vu.

Vừa đặt chân đến bản Mòng, xã Tân Phúc (Lang Chánh) tôi và mọi người đã vục đầu ngay vào dòng nước trong veo đang chảy ra từ thân cây luồng. Những dòng nước mát không chỉ giúp chúng tôi qua cơn khát, mà còn góp phần xóa tan đi cái nóng của một buổi trưa hè, tiếp thêm sức mạnh cho hành trình sắp tới của chúng tôi. Hỏi ra mới rõ, đây là nguồn nước mó chảy từ núi cao, được người dân dùng ống luồng dẫn về để phục vụ sinh hoạt.

Tại đây, cuộc sống bà con lâu nay vẫn vậy, nguồn nước để duy trì sự sống của họ chủ yếu chảy từ các mó nước hay thẩm thấu, kết tụ lại từ những giếng khơi. Họ chưa bao giờ bận tâm đến việc nguồn nước đang dùng hàng ngày đã đủ “sạch”, đáp ứng tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM hay chưa, miễn rằng nước họ dùng chỉ cần không đục, không bốc mùi là được.

Ông Vi Văn Thuyết (83 tuổi), trú tại Bản Mòng, xã Tân Phúc chia sẻ, nước mó được tổ tiên khai thác và sử dụng để sinh hoạt từ bao đời nay. Trước kia khi rừng già còn nhiều thì nước chảy mạnh hơn, không chỉ đủ uống mà còn có thể tích trữ tạo thành những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa. Tuy nhiên, vài thập niên trở lại đây, rừng bị chặt phá nhiều, nguồn nước cũng bắt đầu chảy ít dần, nhưng vẫn đủ để sinh hoạt.

Không chỉ có nhà ông Thuyết hay những hộ dân tại bản Mòng, mà hầu hết các bản vùng cao Thanh Hóa hiện nay vẫn chung thành với nguồn nước từ mó hoặc những giếng khơi, giếng khoan. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con mà còn gây khó khăn lớn đối với chính quyền sở tại trong quá trình xây dựng NTM.

Đây được xem là thách thức lớn đối với các xã miền núi trong thực hiện và hoàn thành các tiêu chí NTM, bởi hầu hết các công trình cấp nước tập trung có quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao. Trong khi tham chiếu theo tiêu chí số 17.1 của Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 quy định, các xã phải có công trình cấp nước tập trung và ít nhất 20% số hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.

nuoc-sach-1-1716729453.jpg
Những dòng nước  trong mát được người dân dùng ống luồng nối từ trên đỉnh núi cao về sử dụng

Bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sạch, hay nhà máy nước tại các huyện miền núi cũng gặp rất nhiều khó khăn về địa hình, dân cư sống không tập trung. Trong khi đó, các nhà máy nước mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ hộ dân ở vùng lân cận thị trấn. Dẫn đến cơn khát nước “sạch” của bà con vùng cao vẫn tiếp tục kéo dài từ tháng này qua năm khác.

Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc cho biết: “Theo Bộ tiêu chí mới thì xã Tân Phúc còn 6 tiêu chí chưa đạt. Trong đấy, khó khăn nhất vẫn là tiêu chí nước sạch tập trung. Được sự quan tâm của UBND, địa phương được phân bổ vốn để duy tu bảo dưỡng 2 công trình cấp nước tự chảy. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của môi trường, thiên tai, bão lũ nên hệ thống đường ống dẫn nước hư hỏng nhiều, khả năng dẫn nước kém, chất lượng nguồn nước thấp… ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân”.

Kỳ vọng từ những công trình chứa nước tập trung

Để giải quyết những khó khăn trong thực hiện tiêu chí về nước sạch vùng cao cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ từ Nhà nước, ngân sách địa phương, cần phải có sự chung tay xây dựng của các doanh nghiệp. Có như vậy mới trách được tình trạng “đơn phương độc mã” trong việc phát triển kinh tế vùng cao.

Được sự quan tâm của các sở ban ngành, cùng với sự hậu thuẫn vững chắc từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn Tung ương, hàng trăm công trình cấp, chứa nước đã được đầu tư xây dựng ở các huyện miền núi. Những công trình này được kỳ vọng sẽ giúp bà con vượt qua “cơn khát” kéo dài trong bao năm qua. Qua đó, góp phần thu hẹp sự chênh lệch giàu, nghèo giữa vùng núi và đồng bằng, giữa trung du và ven biển.

nuoc-sach-2-1716729536.jpg
Nhiều công trình cấp nước tập trung ở miền núi đã hư hỏng, hay hoạt động không hiệu quả.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện có 540 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, trong đó chỉ có 36 công trình có chất lượng nước đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Còn lại hơn 500 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi là các công trình cấp nước tự chảy có quy mô cấp nước cho thôn/bản, kỹ thuật đơn giản, chất lượng nước chỉ đảm bảo hợp vệ sinh.

Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, nhiều hạng mục của công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho cho bà con tại các huyện miền núi đã hư hỏng, xuống cấp, tường nứt, sụt lún, không cung cấp đủ nhu cầu cấp nước cho người dân. Để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, nhiều hộ dân đã quay lại với giếng khơi, giếng khoan hay những mó nước từ các núi đá.

Ông Phạm Bá Thống, thôn Tân Phong, xã Tân Phúc chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, công trình nước sạch được xây dựng, nhưng hoạt động thời gian ngắn đã bị bỏ hoang, trong khi người dân không có nước cho sinh hoạt hằng ngày. Sau khi có hệ thống nước tự chảy, gia đình cũng làm ống đấu nối từ bể về dùng, thế nhưng lâu nay đã bị cạn kiệt, có hôm phải đem can nhựa vào tận khe suối để lấy. Nhà có 6 nhân khẩu, để bảo đảm đủ nước nấu ăn và giặt giũ, có ngày ông phải vào tận khe lấy 10 can, mỗi can 20 lít”.

Không chỉ riêng huyện Lang Chánh, mà hầu hết ở các huyện miền núi đều xảy ra tình trạng các công trình cấp nước tập trung sau một thời gian sử dụng đã hư hại, hoặc không đạt theo yêu cầu. Các công trình này được đầu tư xây dựng với số tiền lớn, nhưng đến nay hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí nguồn lực và kéo theo nhiều hệ lụy, chưa có hướng giải quyết.

Nghị quyết 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 65% và đến năm 2030 đạt 75%. Đây là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa đi tìm lời giải cho cơn khát nước “sạch” ở các bản vùng cao./.

Hà Khải