Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM ở các xã đặc biệt khó khăn được xem là bài toán cực kỳ nan giải. Nhưng cũng là cơ hội lớn để loại bỏ tập tục canh tác lạc hậu, xua đi cái đói nghèo đeo bám bà con bấy lâu nay.
Đích nông thôn mới và áp lực thoát nghèo
Tại Thanh Hóa, hơn một thập kỷ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những thành tựu ‘to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử’, trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng và mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần đưa Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào thực tiễn.
Những kết quả đạt được của Chương trình đã góp phần tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ, diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia tại một số xã miền núi đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chỉ tiêu khó thực hiện. Đây là bài toán khó không chỉ mình Thanh Hóa mà hầu hết các địa phương trên khắp cả nước.
Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 thì tỉnh Thanh Hóa có tới 19 xã, 169 thôn/ bản thuộc vùng III (vùng đặc biệt khó khăn), dẫn đến việc triển khai xây dựng NTM trên địa bàn không đồng đều.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 94% (96/102 xã) số xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện rất khó khăn; có 9 huyện chưa đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới, 3 huyện chưa đạt chỉ tiêu xã nông thôn mới kiểu mẫu, 5 huyện chưa đạt chỉ tiêu sản phẩm OCOP.
Đơn cử như xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) đây là xã khó khăn, có nhiều thôn đặc biệt khó khăn. Xây dựng cơ bản vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn hỗ trợ của nhà nước, nhân dân chỉ hỗ trợ thêm được công sức lao động. Đến nay, toàn xã vẫn còn 7 tiêu chí chưa đạt, đang nỗ lực để cán đích theo kế hoạch.
Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch xã Thanh Tân cho biết: “Thanh Tân là xã vừa thoát khỏi xã 135, nguồn ngân sách phụ thuộc vào ngân sách cấp trên, nguồn thu hạn chế do vậy không có nguồn kinh phí để hỗ trợ kích cầu cho các thôn xây dựng các công trình. Để về đích theo kế hoạch, các thôn đã vận động nhân dân đóng góp sức người sức của để sớm hoàn thành các tiêu chí”.
“Rớt hạng” khi đánh giá theo tiêu chí mới
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí mới (giai đoạn 2021-2025), hầu hết các xã của huyện đều gặp khó khăn, nhất là những tiêu chí đòi hỏi về nguồn kinh phí lớn, như: Cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hoá, tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, hộ nghèo đa chiều… Đặc biệt, một số thôn/bản, xã dù đã về đích, nhưng theo bộ tiêu chí mới vẫn chưa đạt.
Trong giai đoạn 2022-2025, huyện Lang Chánh phấn đấu có 2 xã gồm: Đồng Lương, Tân Phúc đạt chuẩn NTM. Mặc dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ tỉnh Thanh Hóa và huyện Lang Chánh cùng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân nhưng đến hết năm 2022, xã Đồng Lương mới đạt 13/19 tiêu chí NTM, còn xã Tân Phúc mới đạt 16/19 tiêu chí NTM.
Tại xã Đồng Lương, các tiêu chí chưa đạt, gồm: điện, lao động, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, nghèo đa chiều. Do đó, quá trình xây dựng NTM của xã vẫn còn nhiều hạn chế từ nội tại. Đơn cử như tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 là dưới 6,5%. Trong khi, người dân địa phương chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp nên thu nhập chưa cao.
Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chiếm 33,82%, hộ cận nghèo chiếm 32,4%. Một số tiêu chí mềm cũng cần thêm thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện sâu rộng trong nhân dân.
Hay như xã Tân Phúc huyện Lang Chánh, một trong những xã thuộc diện khó khăn. Theo Bộ tiêu chí cũ, thì xã cơ bản hoàn thành, đạt 19 tiêu chí. Tuy nhiên, với bộ tiêu chí mới thì xã vẫn còn 6 tiêu chí chưa đạt, nhiều tiêu chí khó có thể hoàn thành trong một vài năm tới.
Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch xã Tân Phúc chia sẻ: “Địa phương là xã vùng III, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Theo bộ tiêu chí 2016 – 2021 thì xã đã đạt đã19 tiêu chí để về đích NTM. Tuy nhiên với bộ tiêu chí mới thì xã vẫn còn thiếu 6 tiêu chí chưa đạt. Trong đó có những tiêu chí khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn như tiêu chí về thu nhập, về tỷ lệ hộ nghèo và nước sạch”.
Tại Mường Lát, một trong những huyện nằm trong nhóm nghèo nhất cả nước thuộc vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Toàn huyện có 7 xã, với 77 bản thuộc đối tượng triển khai xây dựng NTM. Đến nay, toàn huyện mới có 17/77 bản đạt chuẩn bản NTM, chiếm 22% số bản và vẫn “trắng” xã NTM, theo bình quân, mỗ xã mới đạt khoảng 5 tiêu chí.
Hành trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mường Lát được nhận định còn nhiều gian nan khi bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mà các xã miền núi khó thực hiện được. Đơn cử như: tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch tập trung; truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực; tỷ lệ người dân có sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ nghèo đa chiều... Theo khảo sát của UBND huyện Mường Lát, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn huyện chiếm 65,34% (hộ nghèo 47,71%, cận nghèo 17,63%), thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đạt 22,65 triệu đồng/người/năm.
Khi bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 được nâng cao hơn giai đoạn trước cả về số lượng và chất lượng. Vì vậy, nhiều nội dung tiêu chí rất khó khăn để thực hiện ở các xã miền núi, như: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống nước sạch tập trung, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều...
Có nhiều ý kiến cho rằng, để nâng cao số lượng, chất lượng các xã và thôn, bản đạt chuẩn NTM ở khu vực miền núi đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng từ người dân ở mỗi địa phương. Ngoài ra, cần huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Cùng với đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho những xã “vùng trũng” tháo gỡ “điểm nghẽn”, vươn lên cán đích NTM./.
Còn nữa.