Luận bàn về cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao Thủ đô

Hà Nội đã tổ chức tọa đàm để các ban ngành, chuyên gia, doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, chia sẻ về hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
nncnchn1-1651057075.jpg
Tọa đàm Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

Ngày 26/4, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) đã tổ chức tọa đàm Xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với chủ đề "Cơ hội và chính sách trong nông nghiệp công nghệ cao".

Với 150 khách mời đến từ các ban ngành của Thủ đô, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; chuyên gia một số hiệp hội về nông nghiệp; đại diện hội/hiệp hội, hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn Thành phố… đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra để phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội.

Đại diện cho HPA, Phó Giám đốc Lê Tự Lực cho biết HPA mong muốn cộng đồng doanh nghiệp vì sự nghiêp phát triển sản xuất nông nghiệp của chính mình để tích cực tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào tất cả các lĩnh vực sản xuất trong ngành nông nghiệp, đưa Hà Nội trở thành một thành phố của nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, tăng giá trị nông sản và hướng tới mục tiêu xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp để để phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những chính sách hỗ trợ, ưu tiên của Trung ương và Hà Nội, đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Quốc Việt (Viện Khoa học Quản lý và Sáng tạo ứng dụng), một trong những nguyên nhân chủ yếu là hàng nông sản không đạt chuẩn kỹ thuật như hàm lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng, biến đổi gen, canh tác, môi trường..., bên cạnh đó là quy cách đóng gói sản phản, nhãn mác, mã QR...

Vì thế, các đơn vị sản xuất, xuất khẩu nông sản tại Hà Nội cần phải có cẩm nang tình hình xuất nhập khẩu sản phẩm tại các thị trường chủ chốt; cần phối hợp với các cơ quan liên ngành để được hỗ trợ và thông tin, chính sách, luật, thị hiếu tiêu dùng của thị trường. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để đảm bảo về chất lượng, số lượng theo tiêu chí của thị trường.

Còn ThS. Nguyễn Thị Thoa (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) chỉ rõ những hạn chế trong khâu sản xuất. Theo bà Thoa, hiện Thủ đô mới chỉ có 1 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, việc nhân rộng các mô hình này còn hạn chế. Ngoài ra, Hà Nội ít tiếp cận với các ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành và sản xuất theo chuỗi giá trị, khả năng quản lý, giám sát, truy suất minh bạch, tính cạnh tranh... còn yếu.

Cũng tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến việc làm sao để xuất khẩu nhiều nhất sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường quốc tế, nhất là những thị trường khó tính với những rào cản về yêu cầu kỹ thuật. Những thách thức từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp đến từ thị trường EVFTA và CPTTP hiện cũng là lo lắng thường trực của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị về các chính sách, việc tiếp cận cũng như ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp; việc thiết kế hạ tầng, quy trình sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiêu thụ, quảng bá nông sản...

Cuối cùng, các ý kiến tại tọa đàm đều có chung quan điểm sản phẩm công nghệ cao muốn bảo quản và xuất khẩu ra thị trường thế giới thì chúng ta phải làm tốt từ những khâu đầu tiên, cho đến công đoạn cuối cùng một quy trình được kiểm soát chặt chẽ cho sản phẩm chất lượng, năng suất tốt mới là mục tiêu hướng tới của công nghệ cao trong nông nghiệp...