PV: Ông có thể cho biết, công tác Hội sẽ đổi mới như thế nào để vừa thiết thực vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên?
NB Trần Đăng Mậu: Hoạt động công tác hội luôn đồng hành với sự nghiệp đổi mới của báo chí. Tôi cho rằng, để bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, công tác hội cần quan tâm hơn nữa tới công tác xây dựng đội ngũ người làm báo vững vàng về tư tưởng, chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Hội phải thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi thiết thực, phù hợp, mang tính đặc thù của hội; chú trọng đến việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, xây dựng lộ trình, tập hợp lực lượng, định hướng đề tài, chỉ đạo thực hiện và có cơ chế động viên, sát cánh với các hội viên để có các tác phẩm báo chí chất lượng, từng bước nâng cao tầm vóc, uy tín của giải báo chí tỉnh Quảng Trị; từ đó tạo nguồn tác phẩm đủ sức tham dự và giành các giải thưởng cao tại giải báo chí quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành của Trung ương.
PV: Trở lại với câu chuyện nghề, xin ông lý giải đôi chút nguyên do vì sao lại chuyển từ nghề làm truyền hình để sang làm công tác quản lý Hội?
NB Trần Đăng Mậu: Tôi là một nhà báo, một cán bộ làm công tác báo chí nên khi có sự điều động công tác của cấp trên, tôi phải nghiêm túc tuân thủ. Và tôi nghĩ đã là nhà báo thì ở môi trường nào cũng phải thích ứng, vấn đề là phải có kế hoạch hợp lý để vừa hoàn thành nhiệm vụ quản lý công tác Hội, vừa làm tham gia tác nghiệp để khỏi “nhớ nghề”, để có các tác phẩm truyền hình theo khả năng đóng góp của mình.
PV: Bộ phim tài liệu nào có ảnh hưởng đến cách làm phim của đạo diễn Trần Đăng Mậu?
NB Trần Đăng Mậu: nhiều lắm, cái hay, cái đẹp, cái chân, thiện, mỹ... có nhiều trong các phim tài liệu mà tôi từng xem, tôi “cóp nhặt” lại để tham khảo, học hỏi trong quá trình làm nghề của mình. Trong số đó, phim tài liệu: “Sắc màu ký ức” gây cho tôi nhiều xúc động hơn cả. Phim lần theo những địa chỉ từ mỗi bức chân dung trong cuốn “Ký họa thời chiến” của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu. Suốt gần 3 tháng, tôi đi khắp các làng quê, góc phố, vào tận TP. Hồ Chí Minh tìm những chân dung mà ngày ấy họa sĩ đã ký thác qua từng nét vẽ của mình. Và thế là sau gần 40 năm, có những cuộc hội ngộ bất ngờ và xúc động giữa tác giả và nhân vật trong tranh, đó là những dân quân, lão ngư, những o du kích mà tác giả chưa có dịp gặp lại.
Với lợi thế chất giọng ấm, với nguồn cảm hứng sáng tạo và bút lực dồi dào của họa sĩ Phạm ngọc liệu, nên khi xây dựng kịch bản, tôi nghĩ đây là điều kiện thuận lợi để triển khai phim theo trình tự đan xen giữa lời tự sự của họa sĩ với lời bình của tác giả. Ở đây, chỉ có lời tự sự của họa sĩ hay những cuộc hội thoại giữa họa sĩ với nhân vật mới bộc lộ hết nội tâm, cảm xúc của mình trước cảnh vật, con người sau gần 4 thập niên gặp lại; còn lời bình là để dẫn dắt câu chuyện, mạch phim, thể hiện tính khách quan khi bình phẩm về những tác phẩm nghệ thuật của họa sỹ.
Phim thể hiện cuộc tìm về là dịp để họa sĩ cúi đầu tri ân trước Hiền lương - bến Hải, trước “lũy thép” Vĩnh linh, trước “đất thiêng” Quảng Trị, trả ơn nghĩa sâu dày với đồng bào, đồng đội nơi chiến trường một thời máu lửa đang hồi sinh từng ngày.
PV: Kỷ niệm nào với các đồng nghiệp ở VTV khiến ông không thể quên?
NB Trần Đăng Mậu: Kỷ niệm với các đồng nghiệp ở VTV thì rất nhiều, nhưng để lại dấu ấn trong đời làm báo của tôi là được tham gia tổ chức sản xuất các chương trình giao lưu nghệ thuật ở Quảng Trị do VTV tổ chức, như: Huyền thoại Trường Sơn, người đương thời, một thời hoa lửa, Khúc tráng ca về một dòng sông, Quảng Trị - Sáng mãi niềm tin chiến thắng..., là được VTV điều động làm đạo diễn hình bộ môn Pencak Silat trong khuôn khổ SEA games 22 tổ chức tại Hà nội năm 2003; được VTV điều động tham gia làm giám khảo chương trình phóng sự trong liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 32, tại thành phố Vinh - 2012. ngoài ra, thỉnh thoảng tôi còn hợp tác với đồng nghiệp ở Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự để thực hiện tác phẩm, với chức danh kịch bản hoặc có khi đạo diễn.
PV: Ông nghĩ sao về ý kiến, phim tài liệu về Quảng Trị thành công nhờ vào mảnh đất lịch sử hơn là tài năng của tác giả?
NB Trần Đăng Mậu: Trong những năm tháng chiến tranh, mảnh đất Quảng Trị trải qua nhiều chiến dịch lớn của quân và dân ta, có nhiều địa danh đã đi vào lịch sử, nơi ấy mỗi một tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đều gắn với những chiến công bất tử. Vì thế cũng không ngoa khi nói rằng, Quảng Trị là phim trường sống động cho những ai muốn khám phá, thử thách mình qua mỗi thước phim tài liệu, là đất thiêng cho những đề tài về chiến tranh, cho đến ngày nay vẫn còn đó những nhân vật, câu chuyện bi hùng, in đậm kỳ tích trước mỗi chiến công. Vấn đề là tài năng khai thác, phong cách thể hiện của nhà báo trước hiện thực phong phú ấy.
PV: Điều gì mà ông cảm thấy thiếu hụt trong hoạt động tác nghiệp của hội viên trong thời kỳ công nghệ số?
NB Trần Đăng Mậu: Trong tác nghiệp tôi vẫn mong muốn có một quay phim giỏi. Ở Quảng Trị phần lớn quay phim chưa được đào tạo bài bản qua trường lớp, chưa có ai tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Truyền hình thì hình ảnh là “chính văn”, nếu không có hình ảnh “biết nói” thì đó là điều thiếu hụt trong tác nghiệp. bên cạnh tính chuyên nghiệp, biết sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các nhà báo trẻ cần nâng cao tinh thần tự học để tiến tới làm báo theo hướng đa phương tiện, mài giũa kỹ năng tư duy hình ảnh để có sản phẩm báo hình vừa “đúng, trúng, hay”...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!