Theo Cơ chế JCM do Chính phủ Nhật Bản đề xuất từ năm 2013 và hàng năm đã đóng góp đều đặn vào việc giảm và loại bỏ phát thải khí nhà kính toàn cầu, thông qua hơn 250 dự án khử carbon hợp tác với các nước đối tác. Trong khuôn khổ Hội nghị COP29 tại Azerbaijan, Nhật Bản đã tổ chức Hội nghị cấp cao các nước đối tác Cơ chế tín chỉ chung JCM lần thứ 10, với sự tham gia của các nước đối tác.
Ông Asao Keiichiro, Bộ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản chủ trì Hội nghị cho biết: JCM là một trong những nỗ lực tích cực nhất như một cách tiếp cận hợp tác phù hợp với Điều 6 của Thỏa thuận Paris. Việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các quốc gia đối tác sẽ giúp các quốc gia cùng hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững. Nhật Bản sẽ nỗ lực tốt nhất để triển khai cơ chế này và mong muốn tiếp tục những mối quan hệ hợp tác bền chặt – yếu tố rất quan trọng để triển khai thành công khai cơ chế JCM.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - Phó Trưởng đoàn Đàm phán Việt Nam tại Hội nghị COP 29 nhận định: Việt Nam và Nhật Bản đều nhận thức rõ tiềm năng mở rộng Cơ chế JCM và đã triển khai nhiều biện pháp chính sách và kỹ thuật để thực hiện hiệu quả hơn, quy mô lớn hơn, thu được nhiều kết quả giảm phát thải khí nhà kính hơn và đặc biệt là mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng hơn trong quá trình triển khai các dự án JCM.
Ông Phạm Văn Tấn đề xuất, thứ nhất, Nhật Bản và Việt Nam cần triển khai thực chất và quyết tâm cao để đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà hai quốc gia đã cam kết đến năm 2030.
Thứ hai, cần bảo đảm nguồn lực, không chỉ về công nghệ mà còn về các vấn đề về năng lực, xã hội có liên quan để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án JCM.
Thứ ba, cần có những hợp tác mạnh mẽ hơn từ khối tài chính của cả hai quốc gia trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Việc phân bổ nguồn tài chính nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án JCM cần có những chính sách hỗ trợ, tiêu chí rõ ràng và được đồng thuận từ cả hai quốc gia. Sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính, đặc biệt là các tập đoàn của hai quốc gia cùng triển khai các dự án JCM sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng của Cơ chế JCM và thúc đẩy thực hiện để đạt được các mục tiêu khí hậu của cả hai quốc gia.
Bên lề COP 29 tại Azerbaijan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng có cuộc gặp song phương với ông Stanley Loh, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Phát triển bền vững Singapore. Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Stanley Loh bày tỏ mong muốn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động hợp tác hơn nữa với Việt Nam trong các lĩnh vực như phát triển năng lượng tái tạo, thị trường carbon, kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất lượng không khí, giảm rác thải nhựa và nhiều vấn đề môi trường mà khu vực cùng quan tâm.
Ghi nhận các kết quả tốt đẹp trong triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cùng Bộ Môi trường và Tài nguyên nước Singapore, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung một số quy định có liên quan trao đổi tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Kinh nghiệm về mặt xây dựng quy định tương tự của Singapore sẽ rất hữu ích đối với Việt Nam. Về trao đổi tín chỉ carbon theo Điều 6 Thỏa thuận Paris, Việt Nam đang sửa đổi quy định pháp luật để có thể triển khai thực hiện ngay mà không cần qua bước thí điểm, và đề xuất trao đổi kinh nghiệm với Singapore trong vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Stanley Loh, kinh nghiệm của Singapore cho thấy, việc phân loại, tái chế rác thải hoàn toàn có thể trở thành một ngành công nghiệp xanh, tạo ra thêm nhiều việc làm xanh và giải quyết đáng kể nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, những giải pháp đổi mới sáng tạo, giúp tăng khả năng tái chế rác thải điện tử, nhựa hay pin xe điện... có tiềm năng rất lớn, vượt ra khỏi phạm vi quốc gia. Ví dụ, Singapore đã tái chế tái chế pin xe điện và dầu ăn đã qua sử dụng làm nhiên liệu máy bay, nhằm chuẩn bị đến tháng 1/2026 sẽ áp đặt các hãng bay phải sử dụng tỷ lệ nhất định nhiên liệu hàng không bền vững. Các giải pháp kinh tế xanh tương tự hoàn toàn có thể được đưa vào thử nghiệm trước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế chung của Việt Nam - Singapore.
Trong giai đoạn đang thiếu các nguồn năng lượng tái tạo, Singapore cho rằng nên tận dụng nguồn năng lượng chuyển tiếp là khí thiên nhiên hóa lỏng LNG và thúc đẩy hợp tác khu vực ASEAN để khuyến khích sử dụng nguồn điện hạt nhân, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cao nhất./.