Doanh nghiệp tham gia thị trường carbon cần có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng và đón trước những xu thế

Các chuyên gia nhận định: Thị trường carbon hướng tới giảm phát thải CO2 trong các ngành sản xuất công nghiệp đòi hỏi lớn về đầu tư công nghệ, nên các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng, đón trước những xu thế và bắt kịp để tạo thành cơ hội. Bằng việc bán tín chỉ carbon trên thị trường giao dịch, các DN có thể thu được tiền để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Do đó, thị trường carbon là một động lực rất tốt cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050.

Dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 - 2028 sẽ được triển khai thí điểm trên toàn quốc. Giai đoạn từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc và chuẩn bị cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với khu vực và thế giới. Hiện nay đã có nhiều DN triển khai thực hiện các chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon và trao đổi tín chỉ carbon ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM).

thi-truong-tin-chi-car-bon-1-1727401310.jpg
Thị trường carbon là một động lực rất tốt cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050. (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp bắt đầu chú trọng thị trường tín chỉ carbon

Theo bà Đặng Thị Thủy, Trưởng phòng Pháp luật quốc tế về tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: đề án phát triển thị trường carbon, do Bộ Tài chính chủ trì cùng sự phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng đầy đủ các quy định cần thiết để triển khai sớm nhất.

Đây là một bước đi chiến lược nhằm tham gia vào xu thế toàn cầu, khi nhiều nước như Liên minh Châu Âu (EU) và Singapore đã phát triển các mô hình thị trường carbon thành công.

Trong đó, thị trường tín chỉ carbon được xây dựng dựa trên Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và căn cứ vào Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, và Nghị quyết 93/NQ-CP phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, thị trường cũng phát triển dựa trên đề án phát triển thị trường carbon cũng dựa trên Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris (theo Quyết định 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016); Luật Bảo vệ môi trường 2020 (số 72/2020/QH14) nhấn mạnh vai trò của thị trường carbon nội địa trong việc giảm phát thải khí nhà kính, với các hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; và cuối cùng là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về việc trao đổi hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon thông qua sàn giao dịch, góp phần phát triển thị trường carbon trong nước.

Về nhiệm vụ phát triển thị trường carbon, bà Thủy cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành thị trường carbon, bao gồm: Phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và xác nhận tín chỉ carbon, các giao dịch này được thực hiện trên sàn; Xây dựng và thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; Hướng dẫn đấu giá, chuyển giao, vay mượn và nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, Bộ còn vận hành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon quốc tế. Bộ cũng sẽ thí điểm và triển khai sàn giao dịch tín chỉ carbon để quản lý, theo dõi và giám sát thị trường này.

thi-truong-tin-chi-car-bon-2-1727401357.jpg
Hoạt động trồng rừng phòng hộ chống biến đổi khí hậu tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.(Ảnh minh họa)

Thông tin từ ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động từ năm 2018, khi những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên của Việt Nam đã được đăng ký ở các tổ chức thẩm định hàng đầu thế giới, như Tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS) hay Tiêu chuẩn Gold Standard (GS).

Tuy nhiên ở thời điểm ban đầu, các dự án này tập trung chủ yếu từ những dự án về năng lượng tái tạo, thủy điện và một số các dự án cộng đồng và với số lượng tín chỉ cũng không quá nhiều so với các nước trên thế giới. Trong 2 năm trở lại đây, tín chỉ carbon, thị trường carbon và những chủ đề có liên quan thì mới bắt đầu nóng lên trong xã hội và cộng đồng các DN mới bắt đầu tìm hiểu.

“Cùng với các cam kết của Chính phủ với thế giới, tín hiệu đáng mừng hiện nay đã có một số DN, tập đoàn lớn và các DN FDI bắt đầu chú trọng vào phát triển các chiến lược xanh, từ đó tạo ra một xu thế chuyển đổi xanh trong cộng đồng. Các DN đã tạo nên mô hình có tính lan tỏa rất tốt để khởi động cho Việt Nam có một tương lai, một thị trường tín chỉ carbon mạnh trong khu vực và trên thế giới”, ông An lạc quan.

Là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính chiếm gần 80% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng, vì thế thời gian qua ngành xi măng đang đặt mục tiêu tham gia thị trường carbon sớm nhất. Thực tế theo PGS.TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình khoảng từ 62 - 70 triệu tấn CO2.

“Với hơn 60 nhà máy sản xuất xi măng trên toàn quốc đều nằm trong danh sách các DN phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định. Đến thời điểm này, tất cả các DN xi măng đã nhận thức được vấn đề và cùng có sự chuẩn bị khác nhau để đón nhận những quy định mới của Chính phủ, cũng như các giải pháp để có thể giảm thiểu được lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất của mình”, ông Long thông tin.

Doanh nghiệp cần tầm nhìn dài hạn và nắm bắt xu thế thị trường carbon

Trong Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã xác định hai loại hàng hóa chính gồm: hạn ngạch phát thải khí nhà kính (do Bộ Tài nguyên Môi trường phân bổ cho cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính) và tín chỉ carbon do Bộ Tài nguyên Môi trường xác nhận được giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon (được tạo ra từ chương trình, dự án tạo tín chỉ trong nước và quốc tế).

Thị trường carbon sẽ có sự tham gia của hai nhóm chủ thể chính là nhà đầu tư và tổ chức trung gian. Nhà đầu tư được hiểu bao gồm 3 đối tượng. Một là cơ sở thuộc Danh mục phải kiểm kê khí nhà kính. Hai là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ các bon trong nước hoặc quốc tế. Ba là tổ chức, cá nhân đủ điều kiện  tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon.

Bằng việc bán tín chỉ carbon trên thị trường giao dịch, các DN có thể thu được tiền để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Do đó, thị trường carbon là một động lực rất tốt cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050. Theo quan điểm của Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam - PGS.TS. Lương Đức Long, khi có thị trường carbon sẽ gắn với việc giao hạn ngạch carbon. Các DN được phép phát thải carbon bao nhiêu là tối đa, nếu cao hơn hạn ngạch nhưng DN tìm cách giảm phát thải sẽ tạo ra một hiệu ứng tốt, hệ quả tốt cho các DN.

“Thị trường carbon hoàn toàn tạo điều kiện để DN kiếm được tiền phục vụ cho sản xuất kinh doanh do đó sẽ tạo ra động lực. Khi DN thừa hạn ngạch sẽ được bán để thu tiền về để tái đầu tư cho công nghệ. Ngành xi măng đang rất mong có thị trường carbon chính thức, hướng tới giảm phát thải CO2 trong các ngành sản xuất công nghiệp nói chung, trong đó có ngành xi măng nói riêng”, ông Long nhìn nhận.

thi-truong-tin-chi-car-bon-3-1727401294.jpg
Hiện nay đã có một số DN, tập đoàn lớn và các DN FDI bắt đầu chú trọng vào phát triển các chiến lược xanh, từ đó tạo ra một xu thế chuyển đổi xanh trong cộng đồng.(Ảnh minh họa)

Trong xu thế định giá phát thải carbon rất cần dùng công cụ tài chính để kiềm chế được lượng phát thải. Chính vì thế, ông Hoàng Văn Tâm - Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho rằng, việc hình thành thị trường carbon sẽ là cơ hội để có thể định giá việc phát thải, cũng như tính toán được lợi nhuận từ việc giảm phát thải carbon.

Tuy nhiên theo ông Tâm, thách thức của thị trường carbon chính là về năng lực và con người. Khó khăn nữa là về tài chính và công nghệ, khi DN đầu tư giảm phát thải đòi hỏi những công nghệ mang tính đột phá. Hơn nữa, câu chuyện về tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính là những vấn đề còn khá mới đối với các DN Việt Nam.

Do đó, nhận thức về các vấn đề liên quan đến kiểm kê phát thải khí nhà kính từ người đứng đầu DN, cho đến các bộ phận chuyên môn kỹ thuật đều cần phải được nâng cao hơn nữa, hướng đến thị trường carbon mang tính bắt buộc.

“Các DN sẽ phải có tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của thị trường carbon để đón trước những xu thế và bắt kịp tạo thành cơ hội. Việc hình thành thị trường carbon cũng cần những quy định chặt chẽ để đem lại hiệu quả cao cho toàn xã hội trong công cuộc về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đây là những mục tiêu rất tham vọng trong dài hạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”, ông Tâm nêu rõ./.

Trọng Bình