Chủ động đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0
Tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 31 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng dần qua từng quý, đón dòng vốn chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, góp phần quan trọng “nâng chất” nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương nhận định: “Các nhà đầu tư nhìn thấy rõ Việt Nam có những động thái hết sức cụ thể trong việc chuẩn bị để sẵn sàng thu hút các dự án của các nhà đầu tư. Về các điều kiện cơ bản của các dự án đầu tư nước ngoài như: đất đai, năng lượng, nguồn nhân lực thì chúng ta đã có rất nhiều cái mới trong năm 2024.
Nguồn nhân lực thì chúng ta sẵn sàng rồi và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao nhiệm vụ hướng tới đào tạo 50 nghìn kỹ sư, cũng như là người lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Chúng ta tham gia các chuỗi cung ứng hoặc là chuỗi sản xuất, thì rõ ràng cải thiện được vị thế trên trường quốc tế trong công tác đối ngoại, sẽ là tiền đề cơ bản để tham gia vào các chuỗi trong kinh tế và sản xuất kinh doanh”.
Tháng 11/2024, vốn thực hiện ước đạt hơn 21 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 do nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và tăng vốn, cho thấy có một luồng vốn quan trọng đã và đang thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Tại tỉnh Bình Dương thời gian qua đã tập trung thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của tỉnh.
Đây là bước đột phá để Bình Dương đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu khu vực. Hiện Bình Dương đã khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối năm 2024, Bình Dương đã thu hút khoảng trên 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, vượt kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, tỉnh đã có 4.372 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 42,1 tỷ USD, đứng trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, chia sẻ địa phương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến thu hút các dự án công nghệ cao, hạ tầng giao thông hiện đại và công nghiệp xanh. Đồng thời, tỉnh cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại Bình Dương.
Những ngày cuối năm 2024, Bình Dương liên tiếp đã đón tiếp nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến khảo sát và xúc tiến đầu tư, nổi bật trong đó là Tập đoàn IHI (Nhật Bản) và Daewoo E&C (Hàn Quốc).
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, ông Konosuke Yoshii, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế của Tập đoàn IHI, cho biết doanh nghiệp rất ấn tượng với quy hoạch chiến lược của địa phương, đặc biệt là tầm nhìn đưa tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp dịch vụ và đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2050.
IHI mong muốn đóng góp vào quá trình phát triển năng động này thông qua các dự án về giao thông công cộng (TOD), đường sắt đô thị (MRT) và công nghiệp xanh.
Dòng vốn FDI đầu tư ngày càng được chọn lọc theo hướng công nghệ cao, bền vững
Thực tế cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế đã và đang tin tưởng và đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Ichkawa Hideo, Cố vấn Tập đoàn Resonac Holdings, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật-Việt cho biết: “Đến nay, Việt Nam đã là một quốc gia có tình hình chính trị-xã hội ổn định, là thị trường hấp dẫn đầu tư Nhật Bản hàng đầu thế giới với nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua các hoạt động, Nhật Bản đã có nhiều hợp tác phát triển nền công nghiệp phụ trợ, phát triển nhân lực, tuy nhiên chúng tôi đề xuất xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa ở Việt Nam. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước tiếp tục mở ra nhiều triển vọng hợp tác, khám phá những tiềm năng đầu tư mới".
Năm 2024 và những năm tiếp theo, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam ngày càng được chọn lọc kỹ càng hơn theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn và tạo lan tỏa với khu vực trong nước.
Ông Vũ Quốc Huy- Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Bộ Kế hoạch và đầu tư NIC cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng được một hệ thống các đối tác lớn trong hệ sinh thái, bao gồm rất nhiều doanh nghiệp tập đoàn trong nước và quốc tế rất nhiều các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước kết nối các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để tạo ra một sự hợp tác hiệu quả để tạo ra những giá trị các công nghệ thúc đẩy việc thương mại hóa thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo cho những công nghệ, các sản phẩm mới phù hợp với lĩnh vực trọng tâm, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Theo các chuyên gia, năm 2024 và những năm tiếp theo, Việt Nam tiếp tục định hướng chính sách, thu hút đầu tư nước ngoài chủ động, hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, lựa chọn, các dự án chất lượng theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia, để nguồn lực đầu tư nước ngoài mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư, Nhà nước, nền kinh tế ở cả góc độ kinh tế, xã hội, môi trường...
Từng bước triển khai hiệu quả Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Và không chỉ là số vốn, điều quan trọng là, nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có bước dịch chuyển lớn - đó là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, từng bước đưa Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn phát triển mới./.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 (Luật sửa 4 Luật), có hiệu lực từ đầu năm 2025. Trong đó có quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.