Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI

Việc thu hút và giải ngân vốn FDI 9 tháng năm 2023 lập kỷ lục đã cho thấy Việt Nam đang là điểm đến của nhiều nhà đầu tư thế giới.
fdi-6-1696319865.png
Thu hút FDI 9 tháng năm 2023 lập kỷ lục. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, 9 tháng qua, thu hút FDI đạt trên 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Nếu đầu năm các dự án FDI giải ngân khá cầm chừng, thì kết thúc 9 tháng, tổng vốn giải ngân ước đạt 16,6 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 5 năm qua. Vốn FDI giải ngân tập trung nhiều ở những địa phương có thế mạnh về hạ tầng kết nối và môi trường đầu tư kinh doanh.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Điều đáng chú ý ở đây là tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành này, với sự gia tăng 15,5% so với cùng kỳ.  

Từ những kết quả trên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, họ đã thấy được cơ hội sản xuất kinh doanh cũng như chi phí cơ hội, tỷ suất lợi nhuận tích cực hơn.

Để tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn này, Tổng Cục Thống kê khuyến nghị, cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động sẽ phải áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Nghiên cứu bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng thời, theo Tổng Cục Thống kê, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài.

Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiêp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Về phía doanh nghiệp trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực để hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cơ hội liên kết. Loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước./.

Đông Nghi