Trà Vinh xác định dựa vào tiềm năng đất đai, nguồn lợi từ biển là con đường phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi, nhanh và ổn định. Kinh tế biển là động lực quan trọng, nhưng để khai thác tốt tỉnh cần phải tháo gỡ khó khăn, thách thức.
* Khai thác lợi thế
Với lợi thế về vị trí trí địa lý ven biển, những năm qua, tỉnh Trà Vinh không ngừng tập trung đầu tư cho phát triển kinh tế biển, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kinh tế biển. Tỉnh có hơn 65 km chiều dài bờ biển, có một ngư trường khá rộng lớn. Các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, như: Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải là 5 địa phương ven biển có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển ở cả 2 lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản.
Để phát triển kinh tế biển, bài toán đặt ra cho tỉnh tìm lời giải là phải giải quyết về cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ giao thông, hệ thống thủy lợi, nguồn năng lượng, công nghiệp chế biến, khoa học kỹ thuật, lực lượng lao động trong khai thác và nuôi trồng thủy sản có trình độ, tay nghề làm chủ được các phương tiện, phương thức sản xuất hiện đại,… Để từ đây giúp người dân vùng biển làm ra sản phẩm thủy hải sản tăng về lượng, đảm bảo về chất, góp phần nâng cao đời sống và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tuy có khó khăn, nhưng Trà Vinh vẫn có sự thuận lợi là được Chính phủ và nhiều bộ, ngành Trung ương hỗ trợ các chương trình, dự án để phát triển kinh tế biển. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh tỉnh được Trung ương hỗ trợ đầu tư thực hiện 12 dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế biển, với tổng mức đầu tư hơn 1.850 tỷ đồng. Năm 2016, tỉnh tiếp tục được Trung ương hỗ trợ đầu tư 4 dự án, với tổng nguồn vốn gần 913 tỷ đồng. Có được nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển kinh tế biển, tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng đất đai để phát triển nhanh nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ, vùng ngập mặn. Đến nay, toàn tỉnh Trà Vinh có diện tích nuôi tôm trên 25.000 ha trong tổng diện tích 37.500ha ha đất nuôi trồng thủy sản vùng ven biển của tỉnh.
Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do đại dịch COVID – 19, nhưng đối lĩnh vực thủy sản của tỉnh vẫn đạt giá trị vượt kế hoạch. Cụ thể, tổng sản lượng thuỷ, hải sản trong năm đạt hơn 237.000 tấn, đạt 102,8% kế hoạch, tăng 3,6% tương đương tăng 8.145 tấn so với cùng kỳ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, sản lượng thủy sản tăng trong năm vừa qua chủ yếu là nhờ bước phát triển của nghề nuôi trồng. Có được cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật để chuyển đổi sang các mô hình nuôi thâm canh, thâm canh ứng dụng công nghệ cao tăng sản lượng từ 5 – 10 so với phương thức nuôi bán thâm canh.
Mùa vụ nuôi tôm năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 11.000ha nuôi sú sú, tôm thẻ thâm canh; trong đó, hơn 840 ha nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao cho năng suất 50-70 tấn/ha/vụ. Nhờ đó, kinh tế biển đạt tăng trưởng bình quân 10,5%/năm trong 5 năm gần đây, giá trị sản xuất ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản ven biển chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản của toàn tỉnh. Kết quả này, giúp cho tỉnh xác định vững chắc thêm về các giải pháp, hoạch định nguồn lực đầu tư để thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển trong giai đoạn mới.
* Động lực quan trọng
Trong Chương trình phát triển kinh tế biển, tỉnh Trà Vinh xác định nghề nuôi trồng là động lực quan trọng. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển nghề nuôi trồng vùng nước mặn tại 5 huyện, gồm: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải. Đây là vùng nuôi thuỷ sản có tiềm năng phát triển mạnh với đa dạng con nuôi bên cạnh nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Đây là những vùng nuôi đóng góp sản lượng thủy sản hàng năm khoảng 120.000 tấn.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, để đạt được mục tiêu phát triển nghề nuôi trồng thủy sản vùng ven biển đến năm 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch, ưu tiên phân bổ và có chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ trong nuôi thuỷ sản, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm tăng, đảm bảo đáp ứng về yêu cầu xuất khẩu.
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản ven biển của tỉnh phải theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Còn nuôi thủy sản khuyến khích nông dân lựa chọn các loài có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, tỉnh tổ chức thực hiện các dự án nghiên cứu sản xuất nguồn con giống chất lượng cao.
Ngoài con tôm, tỉnh hỗ trợ khuyến khích nông dân đa dạng các con nuôi như: nghêu, cua biển, sò huyết,.. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có khoảng 15.000ha nuôi thuỷ sản thâm canh theo hướng sạch, có chỉ dẫn địa lý; trong đó, có 1.100ha nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, các loài nhuyễn thể.
Việc phát triển và nâng cao hiệu quả nghề nuôi trồng thủy sản được tỉnh gắn kết với kế hoạch ưu tiên đầu tư và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất chế biến. Cụ thể, tỉnh ưu tiên đầu tư cho 3 nhóm dự án phát triển, gồm: thực hiện 25 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng về thủy lợi, giao thông, điện sản xuất cho nghề nuôi trồng với vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực quản lý và hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân và doanh nghiệp, vốn 105 tỷ đồng; ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư cho 5 dự án sản xuất và chế biến, vốn đầu tư khoảng 1.650 tỷ đồng.
Các địa phương ven biển được tỉnh chủ trương thực thi các chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh để mời gọi doanh nghiệp đầu tư, khai thác khoảng 50.000 ha đất ven biển và 15.000 ha đất bãi bồi, cồn nổi để nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, tạo giá trị gia tăng, gắn công nghiệp chế biến với thị trường xuất khẩu./.