Hòa Bình tập trung phát triển và nâng cao chất lượng cây có múi

Tỉnh Hòa Bình đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi tập trung, nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ từ đó góp phần nâng cao giá trị khi đưa ra thị trường.

Nhiều năm qua, cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi…) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình. Theo thống kê, diện tích cây có múi năm 2022 tỉnh Hòa Bình đạt 10.234 ha, diện tích hiện đang cho sản phẩm đạt khoảng 9.020 ha, tổng sản lượng đạt trên 192 nghìn tấn trong đó: Diện tích cam 4.112 ha, sản lượng 106 nghìn tấn; diện tích bưởi 5.366 ha, sản lượng trên 79 nghìn tấn.

2444f47ac1da1a8443cb-a2247-1701075103.jpg
Tỉnh Hòa Bình đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi tập trung.

Hiện cơ cấu giống, chủng loại chủ yếu gồm: Đối với cam: Nhóm chín sớm gồm cam CS1, cam Marss, quýt ôn châu chiếm 30% diện tích; nhóm chín chính vụ gồm cam Xã Đoài, cam Canh chiếm 40% diện tích; nhóm chín muộn cam V2 chiếm 30% diện tích. Đối với bưởi: Giống chín sớm gồm bưởi da xanh, bưởi đỏ Hòa Bình chiếm 40% diện tích; Bưởi diễn (chín muộn) chiếm 60% diện tích.

Đến tháng 6/2023, diện tích cây có múi được chứng nhận an toàn thực phẩm, GAP, hữu cơ đạt 1.825,8 ha trong đó diện tích chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm 1.110,2 ha; chứng nhận VietGAP, GlobalGAP 663,61 ha; chứng nhận hữu cơ Việt Nam 52 ha. Đã được cấp 33 mã số vùng trồng cây có múi (bưởi diễn, bưởi đỏ Hòa Bình, bưởi da xanh) trong đó có 24 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ, New zealand. Có 02 mã số cơ sở đóng gói cây có múi (bưởi) phục vụ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và New Zealand.

Sản phẩm cây ăn quả có múi của tỉnh hiện được tiêu thụ qua các kênh như: Tiêu thụ qua hợp đồng giữa các công ty; hợp tác xã; trang trại với các doanh nghiệp, siêu thị chiếm khoảng 18% sản lượng; Tiêu thụ qua hệ thống các thương lái hợp tác với nhà vườn chiếm 60%; Tiêu thụ qua kênh bán lẻ trực tiếp từ các nhà vườn chiếm khoảng 20%; Tiêu thụ qua các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, hội chợ chiếm khoảng 2-3%. Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn tập trung tại Hà Nội, các tỉnh lân cận và các thành phố lớn.

Năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu thành công 6 tấn (5.500 quả) bưởi đỏ Hòa Bình của huyện Tân Lạc, 11 tấn (9.900 quả) bưởi diễn của huyện Yên Thủy và 7 tấn cam của huyện Cao Phong sang thị trường Anh Quốc. Dự kiến sản lượng bưởi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu năm 2023 khoảng 1,15 triệu quả tương đương khoảng 1.000 - 1.200 tấn, mục tiêu các thị trường Hoa Kỳ, EU, NewZealand. Nhiều sản phẩm quả có múi của tỉnh đã được cấp chứng nhận Sở hữu Trí tuệ, trong đó có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong; 6 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm quả có múi của các địa phương: Tân Lạc, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi. Đã có 16 sản phẩm quả tươi và sản phẩm chế biến được chứng nhận Sản phẩm OCOP 3, 4 sao.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp tham mưu trình Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển bền vững cây ăn quả có múi nói riêng như: Chính sách khuyến khích phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực (hỗ trợ 20 triệu đồng/ha diện tích cây ăn quả có múi trồng mới); chính sách hỗ trợ cước vận chuyển nông sản; chính sách hỗ trợ chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc; chính sách hỗ trợ thành lập hợp tác xã…

Ngoài ra, nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại được tổ chức hàng năm như: Lễ hội cam Cao Phong; Tuần lễ nông sản Hòa Bình tại Hà Nội; ngày hội sản phẩm OCOP; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm… Một số loại cây ăn quả khác đã bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa, gây dựng thương hiệu như: Nhãn Sơn Thủy; na Đồng Tâm; thanh long ruột đỏ; chuối; mận, đào… Tỉnh cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dứa, chanh leo tại Lạc Sơn, Tân Lạc. Để góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên trong giai đoạn tới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh có những chủ trương, giải pháp phù hợp.

Trong đó, tập trung những nội dung như: Đẩy mạnh thành lập và nâng cao năng lực hoạt động trong tổ chức sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp; tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt về bảo quản, chế biến sản phẩm; lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ thể, nòng cốt để phát triển các chuỗi giá trị, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

ima-1701075188.jpg
Cây có múi hiện là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta. Ảnh: HP.

Cây có múi (cam, quýt, bưởi, chanh) là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng, địa phương trong cả nước. Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất cây có múi hàng hóa quy mô lớn, tập trung. Cây có múi hiện là nhóm cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta, tổng diện tích cây có múi cả nước đến hết năm 2022 đạt 262,179 nghìn ha, chiếm 21,47% tổng diện tích cây ăn quả; tiếp theo lần lượt là nhóm nhãn, vải, chôm chôm (12,89%); chuối (12,86%); xoài (9,48%); sầu riêng (9,18%)... Quả có múi ở nước ta (đặc biệt là cam, quýt) hiện chủ yếu được tiêu thụ dạng quả tươi tại thị trường nội địa là chính. Hai loại quả tham gia đóng góp xuất khẩu chủ yếu là bưởi và chanh.

Tổng giá trị xuất khẩu quả có múi từ năm 2015 liên tục tăng, từ 16,5 triệu USD lên 72,9 triệu USD năm 2022, trong đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm chanh và bưởi (chiếm khoảng 95-99,5%). Xuất khẩu quả có múi tiếp tục có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD. Xuất khẩu quả có múi tiếp tục có xu hướng tăng cao trong năm 2023, đến hết tháng 9/2023 đạt hơn 81 triệu USD.

Cục Trồng trọt nhấn mạnh: Các địa phương, doanh nghiệp trồng cây ăn quả có múi cần tập trung rà soát lại các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh. Tăng cường phát triển các giống cây có múi đặc sản địa phương có lợi thế cạnh tranh; ưu tiên công tác bình tuyển, phục tráng giống. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh... để kịp thời bổ sung cho sản xuất (trồng mới hoặc tái canh).

Thiết lập hệ thống sản xuất cây giống, cây có múi sạch bệnh theo quy trình nhà lưới 3 cấp phục vụ sản xuất tại các địa phương, vùng sản xuất tập trung. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, làm ảnh hưởng tuổi thọ vườn cây, chất lượng và an toàn thực phẩm. Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; Phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.