Khởi nghiệp từ một bài báo
Năm 2015, ở bản Chong, xã Thiên Phủ, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, ông Hà Văn Thính (62 tuổi) khiến cả bản bàn tán xôn xao khi chặt bỏ toàn bộ rừng luồng trên đồi nhà mình – thứ cây được xem là “cần câu cơm” bao đời nay – để trồng một loại cây mới toanh mà người dân chưa từng nghe tên: mắc ca.
Khi đó, cây luồng vẫn được xem là cây chủ lực của các huyện miền núi Thanh Hóa. Nhà nào cũng trồng luồng, bán luồng, sống nhờ luồng. Vậy nên, chuyện ông Thính bỏ luồng để trồng mắc ca bị xem là… gàn.
“Không phải tôi không tiếc luồng. Nhưng luồng ngày càng khó bán, giá thấp, lại tốn công chăm sóc, khai thác. Vợ chồng tôi sức yếu, cứ thế này thì mãi nghèo. Tôi biết là liều, nhưng không thử thì không biết sẽ có gì khác”, ông Thính nhớ lại.
Cái “liều” của ông bắt nguồn từ một bài báo viết về một mô hình trồng mắc ca thành công ở huyện Thạch Thành. Tò mò, ông khăn gói tìm đến tận nơi học hỏi. “Lúc ấy tôi còn chưa biết cây mắc ca trông ra sao. Nhưng nghe họ kể, thấy được tiềm năng, tôi quyết thử”, ông kể.
Được chủ vườn chia sẻ kỹ thuật, ông Thính xin ở lại nửa tháng để học cách trồng, chăm sóc. Về đến nhà, ông huy động vợ con lên đồi phát luồng, cải tạo đất. Cả gia đình 4 người thay nhau cuốc đất dốc, đồi cằn cỗi, không máy móc hỗ trợ. Vay thêm 20 triệu đồng, ông lên tận Ba Vì mua 200 cây giống mắc ca về trồng thử nghiệm trên 1ha đất.
Bốn năm sau, những cây mắc ca đầu tiên bắt đầu ra hoa, kết trái. Hôm bóc hạt mắc ca do chính tay mình trồng, ông và vợ bật khóc. Không chỉ vì vị bùi ngậy của hạt, mà là cảm giác giấc mơ mình nuôi đã có hình hài.
Nhìn thấy rõ tiềm năng, ông tiếp tục trồng thêm 1ha nữa. Đến năm 2024, vườn cây 2ha của ông đã cho thu hoạch ổn định, sản lượng đạt khoảng 3 tấn quả tươi mỗi năm, trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Lan tỏa màu xanh, thay đổi nếp nghĩ
Khi hiệu quả đã thấy rõ, người dân quanh vùng bắt đầu thay đổi cái nhìn. Những người từng chê bai, dè bỉu ông Thính là “người gàn” giờ tìm đến học hỏi, xin giống. Từ xã Thiên Phủ đến các xã lân cận như Quan Sơn, Bá Thước, nhiều hộ đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Anh Hà Văn Mừng – Chủ tịch Hội Nông dân xã – là một trong những người đầu tiên làm theo ông Thính. Năm 2021, anh trồng thử 100 gốc mắc ca, đến nay cây đã ra hoa, đậu quả. “Ngày trước tôi cũng nghĩ ông ấy dở người. Ai ngờ, ông ấy là người mở đường thật sự”, anh Mừng nói.
Không giữ bí quyết cho riêng mình, ông Thính nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Mỗi cuối tuần, ông lại cùng bà con lên đồi, cầm tay chỉ việc: cách đào hố, cách chọn giống, bón phân, tỉa cành… Với ông, “học từ đất, học từ thực tế” là cách truyền nghề hiệu quả nhất.
Đến nay, xã Thiên Phủ đã có hơn 12ha mắc ca với 42 hộ tham gia trồng. Từ vài trăm cây của ông Thính, cây mắc ca đã dần bén rễ trên vùng đất từng bị xem là khó canh tác.
Không dừng lại ở trồng và bán quả tươi, ông Thính nghĩ xa hơn. Ông đầu tư mua máy tách vỏ, tủ sấy để chế biến mắc ca khô – loại sản phẩm có giá trị cao gấp nhiều lần quả tươi. “Tôi muốn nâng giá trị hạt mắc ca lên, không để bà con chỉ dừng ở trồng”, ông nói.
Hiện ông đang hướng dẫn bà con cách bảo quản, sơ chế sau thu hoạch. Mắc ca sau khi sấy, đóng gói sạch sẽ có thể vào siêu thị hoặc bán qua mạng, mở ra hướng đi bền vững cho nông sản vùng cao.
Mong muốn lớn nhất của ông Thính bây giờ là thành lập Hợp tác xã Nông – Lâm nghiệp xã Thiên Phủ. “Có hợp tác xã thì sản phẩm mới có đầu ra ổn định, mới có thể làm nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu địa phương. Cả xã sẽ cùng nhau đi lên, chứ không riêng gì ai”, ông chia sẻ.
Ông Lê Văn Nam – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quan Hóa – cho biết, từ mô hình của ông Thính, huyện đã đưa mắc ca vào danh mục cây trồng định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phát triển 40ha trên toàn huyện. Việc chuyển đổi đất rừng luồng thoái hóa sang trồng mắc ca đang được nhiều xã quan tâm.
Giữa những đồi đất khô nẻ của Thiên Phủ, màu xanh của mắc ca đang dần phủ kín. Giữa thời đại mà người ta ưa sống nhanh, chọn lối dễ, ông Hà Văn Thính chọn gieo một giấc mơ… chậm. Chậm nhưng bền, như chính cái cách ông vun từng gốc cây, giữ từng giọt nước tưới, và kiên nhẫn chờ những mùa quả chín.
“Người ta bảo tôi liều. Nhưng tôi không liều với đất, tôi chỉ tin vào những gì mình đã bỏ công ra chăm bón. Đất không phụ người”, ông Thính nói, mắt vẫn dõi theo những chùm quả mắc ca đang lớn dần trong nắng./.