Tuyên Quang: Huyện Hàm Yên xóa nghèo nhờ cây ăn quả có múi

Nhiều cây ăn quả có múi như cam, quýt, bưởi, chanh... đang được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông hộ của huyện Hàm Yên. Nhiều người dân đã đã thoát nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no và vươn lên làm giàu...

Người dân thị trấn Tân Yên (Hàm Yên, Tuyên Quang) đã có nghề trồng cam lâu đời. Với 225 ha cam, trung bình mỗi năm thị trấn Tân Yên thu khoảng 10 tấn cam/ha, mang lại giá trị kinh tế cao và cơ hội việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Tại xã Phù Lưu có diện tích trồng cam lớn của huyện với hơn 2.400 ha, trong đó có hơn 130ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Cam là cây truyền thống và cũng chính là cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, người trồng cam trên địa bàn đã chú trọng việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy từ ngày cam sành có thương hiệu, thị trường buôn bán được mở rộng hơn.

Trao đổi với PV, anh Nông Văn Chuyền, thôn Pá Han, xã Phù Lưu cho biết, năm 2003, gia đình anh di dời từ Xuân Tân (Na Hang) về khu tái định cư thôn Pá Han. Nhờ tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu phù hợp với cây cam, chanh và được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để phát triển sản xuất, anh mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng cam sành và chanh tứ mùa.

"Đến nay, vườn cam 3 ha và vườn chanh tứ thì 3.000 m2, mỗi năm cho gia đình tôi thu nhập trên 300 - 400 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình anh ngày một khấm khá hơn trên quê hương mới", anh Chuyền cho hay.

Cây cam được coi là một trong những loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông hộ của huyện Hàm Yên. Từ năm 2005 trở lại đây, cây cam sành phát triển mạnh cả về số lượng, chất lượng; mẫu mã sản phẩm cam quả từng bước được nâng lên, chất lượng thơm ngon.

Vùng cam của huyện tập trung chủ yếu ở 13 xã, thị trấn với 7.200 ha và hơn 5.600 gia đình trồng cam. Ngoài cam, cây bưởi hiện cũng đang là cây trồng phát triển nhanh về diện tích và sản lượng. Tổng diện tích bưởi toàn huyện hiện đạt 360 ha. Trong số này có trên 250 ha bưởi cho thu hoạch ổn định.

cam-sanh-ham-yen-1662708567.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Anh Hoàng Văn Trưởng, thôn Minh Hà, xã Minh Khương chia sẻ, năm 2010, ngay sau khi lập gia đình, để phát triển kinh tế, anh đã cải tạo hơn 1 ha đất để trồng 300 gốc bưởi Hoàng, 140 gốc bưởi Diễn. Ngoài ra, không để lãng phí nguồn tài nguyên đất nên anh đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi thêm gà thả dưới tán bưởi.

"Nguồn phân từ gà được sử dụng để bón cho cây trồng. Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, tôi đã xây dựng trang trại rộng 2,2 ha, trong đó 1,7 ha bưởi và 2 dãy chuồng nuôi 13.000 con gà/năm. Trừ chi phí, mỗi năm tôi đã thu lãi gần 900 triệu đồng", anh Trường vui mừng chia sẻ.

Hai loại cây có múi khác là chanh và quýt cũng có diện tích tương đối ổn định. Trong đó, quýt trên 52 ha, chanh là 940 ha. Riêng cây chanh, năng suất bình quân năm 2021 đạt 21 tấn/ha, sản lượng đạt gần 16.000 tấn; giá trị doanh thu đạt trên 157,5 tỷ đồng/năm; giá trị sản phẩm đạt trên 210 triệu đồng/ha.

Toàn huyện Hàm Yên hiện có 7.200 ha diện tích cây cam, 52 ha quýt, 360 ha bưởi, 940 ha chanh. Cây cam sành hiện nay vẫn là cây trồng chủ lực của huyện. Bên cạnh các giống cam truyền thống, huyện đã đưa vào nhiều giống cam mới như cam chanh, cam Vinh, cam V2, cam rải vụ… nhằm đa dạng hóa giống cam, rải vụ thu hoạch.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, huyện tích cực vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất VietGAP, hữu cơ. Đến nay, diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP 870,8 ha cam, 15,5 ha bưởi; hữu cơ là 22,4 ha cam, 10 ha bưởi.

Trao đổi với PV, ông Vũ Tất Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, thời gian tới, để phát triển cây ăn quả có múi bền vững, huyện Hàm Yên tiếp tục xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về VietGAP, hữu cơ, đi đôi với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm gắn với quảng bá sản phẩm; triển khai lồng ghép, huy động các nguồn lực, kinh phí hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tranh thủ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế thông qua các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn…

Thi Nguyên (t/h)