Sơn La: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, thời gian qua tỉnh Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao thu nhập, phát triển đời sống.
l3-2-1696466357.png
Sản phẩm gạo nếp Tan Ngọc Chiến không chỉ là sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: NV

Gạo nếp Tan Ngọc Chiến là sản phẩm gạo nếp đã được đồng bào dân tộc Thái xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La)  trồng từ nhiều đời nay. Đây là giống gạo nếp có những đặc tính quý như gạo trắng trong, hạt bầu bóng, chất lượng gạo dẻo, mùi hương thơm dịu, vị gạo ngậy bùi. Ngày nay, giống lúa đặc sản này đã trở thành sản phẩm hàng hóa, khẳng định chất lượng và có giá trị trên thị trường, giúp người nông dân có thu nhập ổn định.

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Thỏa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) cho biết: Xã đã quy hoạch vùng trồng và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân theo hướng sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị, tạo sản phẩm đặc trưng, gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Xã Ngọc Chiến hiện có 250 ha, với năng suất bình quân từ 4 - 4,5 tấn/ha. Đến nay, sản phẩm gạo nếp Tan Ngọc Chiến không chỉ là sản phẩm OCOP đạt 4 sao cấp tỉnh mà vẻ đẹp của những cánh đồng lúa nơi đây còn tương hỗ cho du lịch cộng đồng phát triển.

Khai thác thế mạnh của địa phương gắn với thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến nay, huyện Mường La (Sơn La) đã xây dựng được 6 sản phẩm OCOP gồm: Tinh dầu sả java, thịt bò hun khói, gạo nếp Tan xã Ngọc Chiến, gạo tẻ nương xã Chiềng Ân, cá sấy sông Đà xã Chiềng Hoa, táo đại và xoài xã Mường Bú. Các sản phẩm có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: Thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", huyện Mường La đã đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến cơ chế, chính sách về phát triển ngành nghề, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, lợi ích khi tham gia chương trình OCOP. Huyện đã hỗ trợ hơn 1,7 tỷ đồng giúp các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX có thêm điều kiện hoàn thiện, chuẩn hóa 6 sản phẩm về thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế website... Phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn ghi nhãn mác hàng hóa, mã số, mã vạch; đăng ký tham gia chương trình. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Khi tham gia chương trình OCOP, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp còn được huyện, tỉnh hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với sơ chế, chế biến và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm. Với sự quan tâm hỗ trợ của các ngành chuyên môn và địa phương, các hộ dân, HTX, doanh nghiệp đã tập trung mở rộng diện tích những loại cây trồng theo hướng hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

l2-2-1696466501.png
Nhờ đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, nông sản của huyện Mường La đã từng bước khẳng định được chất lượng. Ảnh: Văn Ngọc

Đến nay, tỉnh Sơn La có 110 sản phẩm (OCOP) được đánh giá, phân hạng và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có: có 58 sản phẩm đạt 3 sao; có 51 sản phẩm đạt 4 sao và 01 sản phẩm được công nhận sản phẩm quốc gia 5 sao. Năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ lắp đặt 10 điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn 8 huyện, thành phố.

l-2-1696466546.png
Tỉnh Sơn La đẩy mạnh cải tiến nhãn mác, bao bì, quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Sơn La cho biết: Để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP, tỉnh Sơn La tổ chức triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Bộ tiêu chí mới đã điều chỉnh, bổ sung một số nội dung phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, tăng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình tham gia chương trình OCOP. Một trong những điểm mới của Quyết định 148 là việc đánh giá, phân hạng sản phẩm được thực hiện từ ngay cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương trong việc chủ động lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian và chi phí thực hiện cho các chủ thể.

Cũng trong bộ tiêu chí mới, các hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP dành cho các chủ thể đã sửa đổi theo hướng giảm nội dung và hướng dẫn chi tiết việc thực hiện. Điều này, giúp các địa phương, các chủ thể dễ thực hiện hơn, đồng thời tăng số lượng và chất lượng sản phẩm đủ điều kiện đạt chứng nhận OCOP. Tỉnh cũng lưu ý các địa phương phát triển số lượng đi đôi với chất lượng giữ vững thương hiệu để sản phẩm thực sự thành hàng hóa.

Năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu xây dựng từ 70-80 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao đến 4 sao; mỗi huyện, thành phố ít nhất phải chứng nhận được 5 sản phẩm OCOP trở lên. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung: Tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ quản lý nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm./.