Hải Dương: Tổ chức lễ tế trời đất cầu quốc thái dân an trên núi Ngũ Nhạc

Ngày 7/2, (ngày 17 tháng Giêng), Ban Tổ chức Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023 tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc, cầu cho quốc thái dân an. Đây là nghi lễ quan trọng, đặc trưng của Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm.

Tham dự lễ tế có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Dự lễ tế còn có đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị; đoàn khách đến từ TP Suwon (Hàn Quốc).

hg-1675825024.jpg
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, địa phương dự lễ tế cầu quốc thái dân an trên núi Ngũ Nhạc

Theo nghi thức truyền thống, đoàn tế gồm đội lân, bát âm, chiêng trống, cùng các đại biểu, nhân dân và du khách đến dâng hương tại chân núi Ngũ Nhạc, Bắc Nhạc miếu. Tiếp đến, đoàn di chuyển lên Trung Nhạc miếu (trung cung) cử hành nghi lễ tế trời đất. Tại đây, các nhà sư làm lễ tế cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…

Khi nghi thức tế lễ kết thúc, lãnh đạo tỉnh tặng ngũ cốc cho đại diện các ngành, đoàn thể, người dân dự lễ. Ngũ cốc gồm 5 loại hạt giống: ngô, lúa, đỗ, lạc, kê với ý nghĩa những loại ngũ cốc này hấp thụ tinh hoa của trời đất và khí thiêng sông núi, phát để mọi người mang về gieo trồng, nhân giống. Sau lễ tế trời đất tại Trung cung, đoàn tế tiếp tục dâng hương tại Tây Nhạc miếu, Đông Nhạc miếu, Nam Nhạc miếu và kết thúc bằng lễ dâng hương tại đền thờ Trần Nguyên Đán, đền thờ Nguyễn Trãi.

Núi Ngũ Nhạc nằm ở phía đông bắc chùa Côn Sơn (TP Chí Linh) gồm 5 ngọn núi thiêng tượng trưng cho 5 phương tương ứng với các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Theo quan niệm của người xưa, Ngũ Nhạc vùng đất phúc, nơi ngự của Phật, Thánh và các vị thần cai quản việc cát, hung, họa, phúc của muôn loài. Trong tín ngưỡng dân gian, lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc để cầu phúc, tránh họa, mong cho mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an.

Lễ tế hàng năm đều thu hút đông nhân dân trong, ngoài tỉnh Hải Dương tham dự đã khẳng định những nỗ lực của địa phương trong quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị của nghi lễ độc đáo này cũng như của các giá trị di sản văn hóa dân tộc, đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân./.

Lê Quân