Về nơi cây gió trầm giúp người dân đổi đời

Gió trầm được mệnh danh là cây “xóa đói giảm nghèo” của người dân xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), nhờ loại cây này, nhiều gia đình bỗng chốc trở nên khá giả, xây nhà đẹp, sắm xe hơi, thay đổi cuộc sống.

Cây xóa đói giảm nghèo

Nhắc đến xã Phúc Trạch của huyện miền núi Hương Khê, nhiều người sẽ nghĩ đến loại quả đặc sản là bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, loại cây giúp người dân nơi đây “đổi đời, vươn lên thoát nghèo” lại là cây gió trầm (còn gọi dó bầu).

gio-5-1680682693.jpg
Cây gió trầm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình tại xã Phúc Trạch. Ảnh: N. Duyên.

Gần 10 năm trở lại đây, người dân đã “ồ ạt” chặt bỏ cây bưởi chuyển sang trồng cây gió lấy trầm. Bởi trầm từ loài cây này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với bưởi.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Trung Trực - Chủ nhiệm Hợp tác xã trầm hương Phúc Trạch, người được coi là tỷ phú trầm. Ông Trực cho biết, những năm 80 của thế kỷ trước, ông cùng những người bạn trong làng theo chân các thợ tìm trầm người Huế và Quảng Nam... vào đại ngàn Trường Sơn tìm trầm.

Sau một thời gian vất vả vượt núi băng rừng, ông và đám thợ này bất ngờ tìm được trầm trong một cây gió bị gãy đổ đã mục nát. Hóa ra trầm chính là thứ dầu được cây gió bao bọc lấy vết thương, theo thời gian tích tụ thành trầm. Ông bỗng giật mình vì Phúc Trạch quê ông có cây gió và người dân chưa biết hết giá trị của nó.

gio-1680682647.jpg
Ông Nguyễn Trung Trực bên cây gió có trầm tự nhiên của gia đình mình. Ảnh: N. Duyên

Về nhà, ông tìm hạt ươm và bắt đầu trồng thử nghiệm ngoài vườn. Từ đó đến nay, diện tích trồng gió trầm của gia đình ông đã có gần 1ha với khoảng hơn 1.800 cây, với nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, 10 cây từ 20 - 30 năm, 50 cây từ 10- 20 năm, số còn lại là dưới 10 năm tuổi.

Ông Trực cho hay, giá bán cây gió tùy thuộc vào độ tuổi của cây và chất lượng trầm có trong từng cây. Cây có tuổi trên 30 năm ít nhất cũng bán được hơn 100 triệu đồng, cây 8 - 10 năm tuổi trung bình 10 triệu đồng/cây. Năm 2014, gia đình ông thu được gần 1 tỷ đồng nhờ bán và chế tạo đồ mỹ nghệ từ cây gió.

Theo những người làm trầm, trầm hương có 2 loại là trầm tự nhiên và nhân tạo, trong đó, trầm tự nhiên có giá trị kinh tế cao hơn. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây gió, nó bị một loại sâu đục thân “khoan lỗ” vào cây tạo ra những vết thương. Để làm lành vết thương, cây gió tiết ra một loại dầu đặc biệt bịt các lỗ hổng do sâu tạo ra, dần dần tinh dầu đó tích tụ lại tạo thành trầm. Loại trầm tự nhiên có giá trị kinh tế rất cao nhờ được thị trường ưa chuộng.

gio-2-1680682731.jpg
Nhiều hộ dân ươm cây giống để bán. Ảnh: N. Duyên.

Còn trầm nhân tạo là khi trồng cây gió, người ta khoan lỗ vào thân cây, bơm vào thân cây 1 loại hóa chất đặc biệt để tạo trầm. Trầm nhân tạo vì thế có giá thành thấp hơn trầm tự nhiên, nhưng so với các loại cây trồng khác thì giá trị kinh tế vẫn cao hơn hàng chục lần.

Nững năm qua, ngoài trồng gió trầm, ông Trực và một số người dân còn thu mua cây gió đến độ tuổi khai thác của người dân mang về chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ, hương trầm… bán cho thương lái tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM... để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bà Thái Thị Bé (xóm 7, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) - một hộ dân trồng trầm so sánh: "Trồng bưởi khá kì công, từ khâu chọn giống, chăm sóc, thụ phấn, thế nhưng thu nhập cũng phụ thuộc vào thời tiết, hễ năm nào thời tiết không thuận lợi là mất trắng. Còn cây gió trầm thì khác, việc trồng và chăm sóc rất đơn giản, không phải lo mất mùa. Khi cây gió trầm được 7 - 8 năm tuổi, thương lái vào tận nhà làm hợp đồng, đặt cọc tiền, khoan cấy trầm nhân tạo rồi gửi lại đó. Chủ vườn chỉ việc bảo vệ và ngồi chờ đếm tiền. Đến kỳ khai thác họ vào lấy cả thân, rễ, lá chở đi".

z4239876223841-5ab2eaff0f8f7892481d5b9133365a50-1680683168.jpg
Người dân thu hoạch hạt gió để ươm cây hoặc bán hạt giống. Ảnh: N. Duyên.

Cây gió trầm từ 20 - 30 năm tuổi, lượng trầm nhiều, thương lái trả tới hàng 100 triệu đồng/cây. Tuy nhiên, không phải xã nào của huyện Hương Khê trồng gió cũng có trầm. Không hiểu sao chỉ có đất Phúc Trạch, cây gió mới cho trầm tự nhiên. Nhiều địa phương cũng đã trồng theo nhưng hiện bán không ai mua vì không có trầm. Hiện nay, trên địa bàn xã Phúc Trạch có hàng trăm hộ dân trồng cây gió trầm.

Xã có nhiều hộ giàu...

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Phúc Trạch có gần 200 gia đình trở nên khá giả từ việc bán gió trầm. Hàng năm, thu nhập từ việc bán gió trầm mang lại cho họ hàng tỷ đồng.

gio-4-1680682777.jpg
Những cây gió bị sâu đục, để làm lành vết thương, cây gió tiết ra một loại dầu đặc biệt bịt các lỗ hổng do sâu tạo ra, dần dần tinh dầu đó tích tụ lại tạo thành trầmcó thể sẽ cho trầm tự nhiên. Ảnh: N. Duyên.

Ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, nguồn thu của dân xã Phúc Trạch trước kia phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và trồng bưởi. Những năm trước đây, nhiều hộ dân đã chặt bỏ cây bưởi để chuyển sang trồng gió trầm. Trên địa bàn xã có gần 300 ha loại cây này, được trồng rải rác ở tất cả các xóm. Hiện nay, đây là cây trồng mũi nhọn, mang lại thu nhập cao nhất của bà con. Không chỉ trồng gió, nhiều hộ dân còn chế biến thành các sản phẩm từ cây gió trầm như vòng trầm, hương trầm, cây cảnh… Có những cây gió trầm bán được hàng trăm triệu đồng, nhờ cây gió trầm mà nhiều gia đình xây nhà tầng, sắm xe hơi.

gio-3-1680682809.jpg
Nhiều hộ dân trở nên khá giả nhờ cây gió trầm. Ảnh: N. Duyên.

Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, tổng diện tích trồng cây gió trầm trên địa bàn huyện là 565 ha; trong đó, trồng tập trung chủ yếu tại xã Phúc Trạch (gần 300 ha); số còn lại phân bố rải rác ở các xã: Hương Trạch, Hương Trà, Hương Lâm, Hương Liên, Hương Xuân, Lộc Yên, Thị Trấn, Gia Phố, Phú Gia, Hương Bình, Phúc Đồng, Hòa Hải, Hương Long.

Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Hương Khê đã chỉ đạo các phòng ngành, đơn vị liên quan làm việc với các cơ quan chuyên môn để đánh giá chất lượng, hiệu quả cây gió trầm như: Năm 2018, làm việc trường Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu “ xác định thành phần loài dó bầu có khả năng tạo trầm hương chất lượng cao tại Việt Nam”; năm 2020 làm việc với hội trầm hương Hàn Quốc IFA, hội trầm hương Việt Nam nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng cây gió trầm tại xã Phúc Trạch.

Kết quả đã bước đầu xác định chất lượng cây dó bầu (tên gọi khác của cây gió  trầm) và các sản phẩm trầm hương trên đất Hương Khê, đặc biệt là tại xã Phúc Trạch có chất lượng rất cao, "thuộc tốp đầu thế giới".

gio-6-1680682845.jpg
Từ cây gió, người dân chế tác nhiều sản phẩm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu của khách hàng. Ảnh: N. Duyên.

Hiện nay, người dân nơi đây chủ yếu đang trồng bán cả cây và gia công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu trầm, làm hương trầm, nụ trầm…mỗi năm doanh thu từ các hoạt động này đạt khoảng gần 100 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 5 cơ sở sản xuất các sản phẩm gió trầm đạt chuẩn OCOP, nhiều sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, sử dụng và ưa chuộng./.

Nguyễn Duyên