Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp nông dân làm giàu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các loại nông sản ngoại tràn vào thị trường khiến sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Để thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, người nông dân cần thay đổi căn bản về tư duy sản xuất.
lt-1669003496.jpg
Ứng dụng công nghệ là chìa khóa để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm nghèo, làm giàu bền vững

Trong xu thế đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi đang được nhiều địa phương trên cả nước chú trọng, trong đó có huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Với tư duy khác biệt, người nông dân tự tin tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, trở thành điển hình phát triển kinh tế tại địa phương.

Tạo chuyển biến về tư duy

Một trong những điểm sáng trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại ở Lạc Thủy là HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, xã Phú Thành. Không chỉ là điểm tựa cho 7 thành viên chính thức, HTX đang là cầu nối liên kết hơn 100 hộ chăn nuôi vệ tinh trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Nhờ hoạt động ổn định, sản xuất hiệu quả, trung bình mỗi năm doanh thu của HTX đạt khoảng 100 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó, HTX giải quyết việc làm cho khoảng từ 40 - 50 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Được biết, để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của chuỗi liên kết, HTX Tuấn Chuyền thực hiện cung cấp con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo bao tiêu đầu ra. Ngược lại, các hộ vệ tinh phải cam kết chăn nuôi theo đúng kỹ thuật chăn nuôi của HTX đã tập huấn.

Tương tự, ở phường An Hưng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có HTX nông nghiệp hữu cơ Việt Tân Tiến đang có được những thành công tích cực trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập, làm giàu cho thành viên, người lao động. Thời gian qua, HTX đã cho ra mắt một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ cây ngắn ngày như cà chua, dưa chuột, dưa kim hoàng hậu, chuối,… Mỗi năm có thể trồng được 2-3 vụ, mỗi vụ cà chua cho năng suất từ 2-3 tấn/1.000m2, 4-5 tấn dưa chuột/1.000m2,... ước tính lợi nhuận khoảng gần 300 triệu đồng/vụ.

HTX đang được xây dựng theo mô hình “Nông nghiệp - Giáo dục - Trải nghiệm”, được anh Nguyễn Mạnh Tiến – Giám đốc HTX và các thành viên quy hoạch theo nhiều khu vực một cách khoa học, gồm: khu cây trồng, khu chăn nuôi, khu rau củ, thực nghiệm… “Đến HTX Việt Tân Tiến không chỉ được trải nghiệm làm nông mà còn là khoảng thời gian để biết được cảm xúc thật của mình với nông nghiệp. Nghề nông nhiều vất vả, khi đam mê thật sự thì mới làm việc máu lửa, tràn năng lượng mỗi sáng sớm ra đồng, mới theo đuổi lâu dài được”, anh Tiến tâm sự. Nhờ sản xuất khoa học, hiệu quả, đến nay, các sản phẩm của HTX được phân phối rộng rãi trên địa bàn TP Thanh Hóa, khu vực lân cận và nhận phản hồi tốt từ khách hàng.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cũng ở Thanh Hóa, để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã tập trung hỗ trợ người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao. Minh Sơn từng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ngọc Lặc. Những năm qua, với mục tiêu vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hiện đại.

Mô hình trồng dưa vàng Kim Hoàng Hậu trong nhà lưới quy mô 0,2 ha trên địa bàn xã là một ví dụ điển hình. Mô hình này do HTX Nông nghiệp và xây dựng Minh Sơn đứng lên dẫn dắt người dân. HTX đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ đầu vào, đầu ra. Nhờ sản xuất công nghệ cao, giống dưa vàng của HTX đã phát huy giá trị về kinh tế. Với sản lượng khoảng 6,5 tấn/vụ, giá bán tại ruộng là 40.000 đồng/kg có thể mang về lợi nhuận cho HTX ít nhất là 100 triệu đồng/vụ. Đặc biệt, trồng dưa trong nhà lưới có thể thu hoạch nhiều vụ trong năm.

Anh Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc HTX Minh Sơn cho biết: “Sản xuất công nghệ cao không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, mà còn góp phần giảm công lao động. Với sự hỗ trợ của máy móc, người lao động không phải “dầm mưa, dãi nắng”, chỉ tập trung nâng cao kỹ thuật, làm ra những sản phẩm sạch”. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Lặc, trong những năm qua, toàn huyện đã chuyển đổi thành công hơn 215 ha đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang các cây trồng mới, gần 217 ha trồng mía sang trồng cây lâm nghiệp, hơn 1.900 ha ngô trồng trên đất lâm nghiệp sang trồng cây lâm nghiệp...

Hiệu quả của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hiện đại, ứng dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ cao, đang giúp thu nhập của người nông dân tăng lên đáng kể, giá trị sản xuất đạt bình quân trên 100 triệu đồng/ha/năm, riêng các vùng ứng dụng công nghệ cao đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm. Có thể thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả và tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ là chìa khóa để các địa phương hỗ trợ người nông dân tự tin sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần quy hoạch chi tiết về diện tích chuyển đổi, hệ thống thủy lợi, loại cây trồng..., trên cơ sở đó có kế hoạch xây dựng các mô hình hướng dẫn người dân triển khai nhân rộng. Đồng thời, các địa phương cần hỗ trợ người dân về giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tránh tình trạng người dân chuyển đổi ồ ạt hoặc chuyển đổi nhưng không áp dụng kỹ thuật, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và tâm lý khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng./.

Minh Trí