Vĩnh Phúc: Nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP gắn với phát triển kinh tế du lịch

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đang tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền.
z6498894491257-7da7e0f2c81ff7f11eb42c9c07b2460d-1744463072.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ.

Hiện nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 178 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 137 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của 80 chủ thể (hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ kinh doanh). Hầu hết các sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục phát triển mạnh mẽ, duy trì, nâng cao được các tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm. Để hoạt động phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, dịch vụ phát huy được hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, tổ chức kinh tế - xã hội thấy được giá trị kinh tế và nhiệt tình tham gia.

Trong định hướng phát triển, tỉnh xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là đầu tàu để tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Tuy nhiên, chất lượng các sản phẩm du lịch còn chưa cao, hay đúng hơn là sự nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm không thể giữ chân du khách được lâu. 

Để tìm giải pháp tháo gỡ cho vấn đề này, việc đa dạng các sản phẩm lưu niệm, các đặc sản vùng miền, nhất là phát triển các sản phẩm OCOP và đưa vào các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã được tỉnh Vĩnh phúc triển khai thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Từ đó góp phần nâng cao giá trị kinh tế, khơi dậy các tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị ẩm thực văn hóa vùng miền và mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối, giao thương cho sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh phúc.

Nhằm làm mới và thu hút khách du lịch, những năm gần đây, Sở VHTH & DL đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng địa phương, trong đó có các sản phẩm OCOP. Tại huyện Tam Đảo, Tây thiên là những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch, đã tổ chức các điểm bán hàng, giới thiệu sản vật địa phương có nguồn gốc từ thiên nhiên được khách du lịch tìm mua làm quà tặng. 

Trên địa bàn huyện Tam Đảo hiện có 27 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, doanh thu cũng như lợi nhuận của chủ thể tăng lên đáng kể.

Điển hình như: Nấm đông trùng hạ thảo (Hợp tác xã (HTX) Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu); Trà hoa vàng (Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo và Công ty TNHH Tân Đại Dương); các sản phẩm chế biến từ sữa bò của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý); các sản phẩm từ cây ba kích, đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Minh Phúc An (xã Hồ Sơn).

z6498894488342-da43c4ef0b8b5e2cd476252801857e86-1744463062.jpg

Du khách tham quan tìm hiểu  sản phẩm OCOP thịt chua của huyện Lập Thạch.

Tại HTX Nấm Tam Đảo, đơn vị có tới 12 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đại diện HTX cho biết: Để xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với du lịch địa phương, HTX đã đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại trung tâm du lịch Tam Đảo; phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức các tuor du lịch tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất tại HTX.

Thông qua đó, HTX không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất tạo nên sản phẩm chất lượng mà còn giới thiệu, quảng bá về thế mạnh, sản phẩm du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc. Hiện nay, HTX Nấm Tam Đảo đã liên kết với Công ty cổ phẩn Du lịch và Thương mại Tsubame, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch VinaTrip, Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hà Xuân và một số doanh nghiệp khác để đưa sản phẩm đến với du khách. 

Song song với đó, HTX thực hiện chương trình khách hàng sau khi mua các sản phẩm đông trùng hạ thảo Tam Đảo được tích lũy và đổi điểm sang các voucher sử dụng các dịch vụ du lịch, lữ hành. Từ năm 2024 đến nay, HTX đón hơn 12 nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm sản phẩm OCOP tại HTX. Năm 2024, HTX đã sản xuất và đưa ra thị trường gần 1,5 tấn đông trùng hạ thảo khô, đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.

z6499115179896-4db154d615769fa235eda6d39e36580c-1744466382.jpg

Sản phẩm OCOP đông trùng hạ thảo được khách hàng cả nước tin dùng.

Theo thống kê, mỗi năm tỉnh Vĩnh Phúc đón hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm. Năm 2024, Vĩnh Phúc đã đón hơn 10,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 14% so với năm 2023; tổng doanh thu du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những con số ấn tượng và minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch của tỉnh.

Những con số cho thấy, việc kết nối sản phẩm OCOP với du lịch là một chiến lược đúng đắn và hợp lý. Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP.

Từ đó giúp nâng tầm sản phẩm OCOP, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Chính vì vậy mô hình này cần được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành chức năng; sự phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp./.

Kim Bằng